Anh Nguyễn Đức Hải (30 tuổi, ngụ Bình Dương)- người để thất lạc bọc tiền 200 triệu đồng cho đến giờ vẫn chưa tin được vào những gì đang diễn ra. Sáng 21/9, anh ngồi uống cà phê cùng một người bạn ở quán cà phê đường D1, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một. Sau đó anh đứng lên mà bỏ quên bọc tiền, trong đó chứa 200 triệu đồng.
Người lái xe ôm trao trả lại bọc tiền cho người đánh mất. Ảnh: Tuổi trẻ
Ông Nguyễn Văn Hùng (63 tuổi, quê Nghệ An, tạm trú phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) làm nghề chạy xe ôm đứng đợi khách ở đó, trông thấy bọc tiền bỏ quên, đã cầm lên, phát hiện nhiều cọc tiền. Ông Hùng đưa cho nhân viên quán cà phê, dặn là giữ lại để khách quay lại thì đưa. Ông Hùng còn gọi điện cho công an phường để trình báo vụ việc.
Nhờ đó, công an đã tìm được người bị mất bọc tiền là anh Hải, và số tiền đã trở về với người chủ của nó, nhờ sự trung thực của người lái xe ôm tốt bụng. Ông Hùng làm nghề chạy xe ôm nhiều năm nay, hiện đang thuê trọ ở cùng vợ và con nhỏ 7 tuổi. Ngoài ra ông còn phải làm thêm nghề cắt tóc để nuôi ba người con học đại học nên cuộc sống rất khó khăn.
Đó là câu chuyện khiến nhiều người nghẹn ngào cảm động, bởi ông Hùng- một người lao động nghèo bình thường trong xã hội, nhưng thấy của rơi thì đem trả lại, không tham lam, không tơ hào. Một người lao động nghèo, nhưng thiên lương thì nguyên vẹn. Nhiều người biết chuyện đã bình luận: Cảm ơn ông Hùng vì hành động tốt của ông, các con của ông sẽ được hưởng phúc đức mà người cha đem lại.
Đó là một lời bình luận đúng đắn nhất, chuẩn xác nhất cho câu chuyện này. Việc tốt mà ông Hùng đã làm, sẽ là những hạt giống thiện lành gieo vào tâm hồn của những đứa con ông, và chúng may mắn có một người cha như vậy sẽ không thể lớn lên trở thành kẻ xấu. Chúng có trở thành công chức cũng sẽ không là những người công chức “làm tiền” người dân, bởi đó là những việc làm không lương thiện.
Ngôi nhà gỗ bề thế của ông Chi cục trưởng kiểm lâm. Ảnh: Vnexpress
Một câu chuyện khác, gây xôn xao dư luận, đó là ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị đang sở hữu một căn nhà rường bằng gỗ bề thế ở quê nhà, xã Hải Ba (Hải Lăng, Quảng Trị). Toàn những loại gỗ quý, từ nhóm một như hương, gõ cho đến nhóm bảy, tám như xoan đều hiện diện trong ngôi nhà đẹp như mơ của ông Khổng Trung.
Ông cho biết, căn nhà này là mơ ước của cả đời ông, trị giá 2 tỷ đồng, một số gỗ mua có giấy tờ, một số thì không vì ông mua của những người buôn bán nhỏ lẻ, không rõ được nguồn gốc. Và hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang yêu cầu ông Trung trình bày nguồn gốc số gỗ ông làm nhà để tỉnh trả lời rộng rãi trước dư luận.
Người xưa có câu: “Qua ruộng dưa thì đừng sửa dép”, ý nói những người ở trong hoàn cảnh dễ tạo ra hiểu lầm thì càng phải cố gắng giữ gìn để mình đừng rơi vào tình thế khó xử, “tình ngay lý gian”. Chuyện một ông Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm, đứng đầu 1 tỉnh trong lĩnh vực canh giữ và bảo vệ rừng lại sở hữu một căn nhà gỗ to đồ sộ, 80m2, lộng lẫy như cung điện, thì đúng là không thể không khiến người dân nghi ngờ.
Cho dù ông Khổng Trung trưng được hết nguồn gốc giấy tờ của số gỗ, nó vẫn gây ra những cảm xúc khó tả cho người dân. Ở vào vị trí “gác cửa rừng” như của ông Trung, chuyện có điều kiện và lợi thế hơn người để sở hữu số gỗ quý đó là điều dễ dàng như một cái búng tay.
Nội thất gỗ quý sa hoa...
Người xưa lại cũng có câu: “Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ”, ý nói làm nghề nào thì cũng có thể kiếm được chút lợi, dù là đầu thừa đuôi thẹo từ chính nghề ấy. Bởi vậy, ngôi nhà gỗ bề thế của ông Trung cũng gợi lên trong lòng người dân chút băn khoăn.
Chúng ta hay đặt ra câu hỏi, tại sao trong xã hội, những người làm việc tốt thường là người lao động bình thường, thậm chí gia cảnh nghèo khó? Như ông Hùng lái xe ôm, như những em bé nghèo nhặt được của rơi đều tìm người trả lại mặc dù mình còn nghèo hơn người bị mất rất nhiều lần. Và chúng ta rất ít được chứng kiến những trường hợp ngược lại?
Phải chăng vì nghèo nên cái thiên lương trong trắng của con người mới được gìn giữ, nâng niu? Phải chăng vì nghèo nên mới biết thương người?
Đó là một câu hỏi có chút gì chua chát và cay đắng.
Nguồn: Mi An
Báo Đất Việt