Xếp hạng thị trường bán lẻ toàn cầu 2010: Việt Nam đang... "rơi tự do"Theo các kết quả nghiên cứu mới nhất vừa được Tập đoàn AT Kearney công bố, chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu năm 2010 (The 2010 Global Retail Development Index - GRDI) của nước ta chỉ đạt 52,1 điểm, tụt tới tám bậc so với năm 2009 và chỉ còn xếp hạng 14 trong tổng số 30 thị trường bán lẻ của các nền kinh tế mới nổi hấp dẫn nhất thế giới.

Thị trường bán lẻ của VN bị cho là vẫn chủ yếu phát triển trên nền tảng cũ kỹ và thương mại hiện đại vẫn còn rất kém phát triển.

Đây là số điểm thấp nhất và cũng là thứ hạng thấp nhất của tổ chức này mà thị trường bán lẻ nước ta đạt được cho đến nay, đồng nghĩa với sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ nước ta đối với các nhà kinh doanh bán lẻ toàn cầu thấp chưa từng có trong vòng bảy năm qua.

Trong cảnh “cả làng cùng khó”

Hàng năm, AT Kearney, một tổ chức tư vấn danh tiếng của Hoa Kỳ về thị trường bán lẻ, vẫn lựa chọn 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới trong số 185 nền kinh tế mới nổi để xếp hạng vào khoảng giữa mỗi năm. Do vậy, bảng xếp hạng năm nay cũng như các năm từ 2004 đến nay là dựa trên tình hình thực tế của năm liền kề trước, cho nên thực chất là của năm đó, tức là GRDI năm nay là của năm 2009, GRDI 2009 là của năm 2008...

Về phương pháp đánh giá, AT Kearney dựa trên bốn tiêu chí lớn: (1) Rủi ro quốc gia và rủi ro kinh doanh (Country and business risk; (2) Độ hấp dẫn của thị trường (Market attractivness); (3) Độ bão hoà của thị trường (Market saturation); (4) Áp lực thời gian (Time pressure) và mỗi tiêu chí cùng được đánh giá 25% số điểm hợp thành GRDI.

Từ các kết quả tính điểm GRDI do AT Kearney vừa công bố, có thể khẳng định xu thế ngày càng khó khăn vẫn chưa chấm dứt và cũng giống như năm 2008, năm 2009 cũng vẫn là một năm khó khăn gay gắt cho các nhà kinh doanh bán lẻ trên toàn thế giới.

Bởi lẽ, nếu như bình quân số điểm GRDI của 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới năm 2004 là 70,2 điểm và năm 2005 nhích không đáng kể lên 70,8 điểm, thì năm 2006 đã giảm rất mạnh xuống chỉ còn 63,0 điểm; năm 2007 còn 61,8 điểm; năm 2008 thêm một lần nữa giảm rất mạnh xuống chỉ còn 53,8 điểm và năm 2009 tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 48,8 điểm, còn năm nay tuy có nhích lên, nhưng cũng chỉ đạt 49,4 điểm.

Trong “rổ điểm của làng bán lẻ toàn cầu” liên tục bị “co lại”, bình quân giảm tới 5,70%/năm như vậy, việc điểm GRDI của thị trường bán lẻ VN giảm cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, nếu như mức giảm bình quân 6,68%/năm trong vòng bảy năm qua của thị trường bán lẻ nước ta chỉ nhỉnh hơn chút ít so với mức giảm chung của 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới có thể coi là điều bình thường, nhưng việc “rơi tự do” từ kỷ lục 88 điểm năm 2008 xuống chỉ còn 55 điểm năm 2009 là điều quá không bình thường, cũng như việc điểm bình quân của 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới trong năm nay đã nhích lên, nhưng của riêng nước ta tiếp tục chạm đáy cho nên bình quân hai năm gần đây đã mất gần 25% số điểm cũng là điều rất không bình thường.

Với số điểm như vậy, nếu như năm 2004 thị trường bán lẻ của nước ta mới chỉ được xếp hạng 7 trong số 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới; năm 2005 xếp thứ tám; năm 2006 nhảy vọt lên vị trí thứ ba; năm 2007 xếp thứ tư; năm 2008 giành “Ngôi Hậu”, nhưng ngay trong năm 2009 tụt năm bậc và “rơi tự do” xuống vị trí thứ sáu, còn năm nay thêm một lần “rơi tự do” tám bậc xuống vị trí thứ 14, vị trí thấp kém nhất trong vòng bảy năm qua.

Mặt khác, dưới góc độ tương quan giữa thị trường bán lẻ nước ta với 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, nếu như số điểm của thị trường bán lẻ nước ta năm 2004 cao hơn khá rõ (76/70,2 điểm, tương ứng với 8,21%), còn năm 2008 “khuếch đại” lên tới mức kỷ lục 63,7% (88/53,8 điểm), thì hiện nay “co lại” chỉ còn 1,6% (50,2/49,0 điểm).

Mặc dù vậy, qua các số liệu thống kê GRDI của 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới của AT Kearney trong bảy năm qua, cũng có thể thấy một điều hết sức rõ ràng là, nếu như chúng ta tích cực “sửa chữa sai lầm”, thì cơ hội “bứt tốp” để trở lại các thứ hạng cao hơn nhiều đã từng giành được là rất lớn.

Sở dĩ như vậy là bởi lẽ, nếu như trong giai đoạn từ 2004 đến 2008, khoảng cách giữa quốc gia giữ “Ngôi Hậu” và quốc gia “đội sổ” trong bảng xếp hạng 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới lên tới trên 50 điểm (ngoại trừ năm 2007), thì năm 2009 đã “rơi tự do” xuống chỉ còn 33 điểm, còn hiện nay tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 28,5 điểm.

Điều này có nghĩa là, nếu như mức độ hấp dẫn trong “Top 30” thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới những năm trước đây có những khoảng cách “mênh mông”, thì nay đã thu hẹp lại rất nhiều, tức là “cả làng bán lẻ thế giới” đều điêu đứng trước những khó khăn của khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu và trình độ phát triển của thị trường bán lẻ của các quốc gia đã bị ép lại gần nhau hơn.

Tuy nhiên, thực tế này cũng bao hàm cả kịch bản ngược lại. Đó là, chúng ta cũng rất dễ bị “cả một số đông dắt tay nhau qua mặt”, tức là nguy cơ tiếp tục “rơi tự do” là không hề nhỏ.

Sáng, tối đan xen

Cho dù vậy, nhưng thông qua các tiêu chí đánh giá của AT Kearney, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, thị trường bán lẻ của nước ta vẫn có những mảng sáng đan xen lẫn những mảng tối. Cụ thể là:

Thứ nhất, với 89,1 điểm ở tiêu chí áp lực thời gian, thị trường bán lẻ của nước ta hiện nay vẫn đứng ở vị trí thứ hai chỉ sau thị trường bán lẻ của Ấn Độ (97,8 điểm) và cao hơn cả của thị trường bán lẻ Trung Quốc (86,6 điểm), còn nếu so với mức “đáy” chỉ là 11,9 điểm của quốc gia Mỹ La tinh Guatemala ở vị trí “đội sổ” trong bảng xếp hạng năm nay, thậm chí so với 24,5 điểm của quốc gia Trung Đông rất bất ngờ và cũng chỉ mới lần đầu tiên chiếm được “Ngôi Á Hậu” trong năm nay là Kuwait, thì đây là những khoảng cách rất mênh mông, thông điệp mà AT Kearney đã phát đi hết sức rõ ràng là các nhà kinh doanh bán lẻ hãy nhanh chóng thâm nhập thị trường VN.

Bởi lẽ, theo bảng điểm của tổ chức tư vấn quốc tế này, 0 điểm đồng nghĩa với không có áp lực về thời gian, và ngược lại, điểm càng cao thì càng phải cấp bách thâm nhập (urgency to enter).

Trong đó, cho dù AT Kearney không công bố cụ thể những kết quả đo lường cụ thể cho từng tiêu chí hợp phần, nhưng chỉ cần qua thông tin về phương pháp đánh giá qua nhịp độ tăng trưởng tổng hợp bình quân hằng năm (Compound annual growth rate - CAGR) của doanh thu bán lẻ theo các hình thức hiện đại trong sự phát triển của nền kinh tế nói chung trong giai đoạn 2004 - 2009 và nhịp độ tăng trưởng tổng hợp bình quân hằng năm của diện tích bán lẻ hiện đại tăng thêm trong cùng kỳ, có thể suy đoán rằng, dưới con mắt của họ, thị trường bán lẻ của nước ta cho đến nay vẫn chủ yếu phát triển trên nền tảng cũ kỹ và thương mại hiện đại vẫn còn rất kém phát triển.

Điều này cũng có nghĩa là, cho dù thương mại nước ta cho đến nay đã phát triển bùng nổ về lượng, thậm chí có thể đã tới mức thái quá, bởi tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của nước ta hiện nay đã lên tới gần 73% GDP, cao gần gấp đôi so với của Trung Quốc, còn nếu so với của quốc gia cũng chỉ mới ở trình độ phát triển nhỉnh hơn nước ta chút ít là Ấn Độ thì gấp 1,34 lần..., sự yếu kém của thương mại hiện đại chính là “mảnh đất màu mỡ” chưa được khai thác đối với Tập đoàn bán lẻ hùng mạnh trên thế giới.

Nói cách khác, sức hấp dẫn rất lớn của thị trường bán lẻ nước ta đối với các nhà kinh doanh bán lẻ ở phương diện này chính là, mặc dù thương mại đang trên đà tăng tốc, nhưng thương mại hiện đại còn rất kém phát triển, cho nên những cơ hội phát triển thương mại hiện đại đang rộng mở hơn bất cứ giai đoạn phát triển nào khác và thâm nhập sớm hơn đồng nghĩa với thời cơ chưa chín muồi, còn “trâu chậm” đương nhiên sẽ phải “uống nước đục”.

Thứ hai, bên cạnh đó, ở tiêu chí độ bão hoà của thị trường, tức là mức độ “đói hàng” của các “thượng đế”, với 50,2 điểm trong năm nay và ở trong tình trạng “phú quý giật lùi” rất rõ trong những năm gần đây, trạng thái của thị trường bán lẻ nước ta không khác gì nửa sáng, nửa tối.

Sở dĩ như vậy là bởi lẽ, nếu như thị trường bán lẻ của nước ta đạt được số điểm cực đại 86 năm 2006, thì năm 2007 sau đó giảm rất mạnh xuống chỉ còn 74 điểm, năm 2008 tiếp tục giảm mạnh xuống còn 67, năm 2009 vừa qua lại thêm một lần giảm rất mạnh xuống chỉ còn 55 điểm, tức là nhịp độ thoả mãn nhu cầu tiêu dùng của dân cư nước ta, hay nhịp độ khai thác thị trường bán lẻ của nước ta trong những năm qua là rất khẩn trương. Do vậy, điều này cũng đồng nghĩa với những cơ hội phát triển bán lẻ của các nhà kinh doanh cũng đang trôi đi rất nhanh.

Thế nhưng, nếu so với mức độ “đói hàng” của thị trường bán lẻ lần đầu tiên giành được “Ngôi Hậu” Trung Quốc trong năm nay chỉ còn 32,9%, hay con số tương ứng của quốc gia Trung Đông Các Tiểu vương quốc A rập Thống nhất đang giữ vị trí thứ 7 của nước ta năm 2004 chỉ là 18,8%, thì rõ ràng đây vẫn là những khoảng cách mênh mông mà các nhà kinh doanh bán lẻ còn có thể khai thác.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là xét trên tổng thể, còn xét theo bốn tiêu chí hợp phần là tỷ trọng của bán lẻ hiện đại; số lượng các nhà bán lẻ quốc tế tham gia thị trường; diện tích bán lẻ bình quân đầu người dân cư đô thị và tỷ trọng thị phần của các nhà bán lẻ dẫn đầu chắc chắn sẽ cho chúng ta những cái nhìn cụ thể về những điểm sáng và những điểm tối của thị trường bán lẻ nước ta dưới góc độ này. Thế nhưng, rất tiếc là những kết quả tính toán cụ thể này lại không được AT Kearney công bố. 

Tuy cũng “giấu vở” như ở tiêu chí độ bão hoà của thị trường nói trên, nhưng ở tiêu chí mà những điểm tối có phần trội hơn những điểm sáng một chút là rủi ro quốc gia và rủi ro kinh doanh, nhưng chắc chắn chúng ta có thể “đọc được” đâu là những điểm sáng và đâu là những điểm tối của thị trường bán lẻ nước ta hiện nay.

Bởi lẽ, theo phương pháp nghiên cứu của AT Kearney, hai hợp phần của tiêu chí này là rủi ro quốc gia (chiếm 80% số điểm) và rủi ro kinh doanh (chỉ chiếm 20% số điểm), thì trong tiêu chí bộ phận rủi ro quốc gia, trong khi rủi ro chính trị không thể gây mất điểm, thì một loạt các yếu tố kinh tế vĩ mô vẫn chưa được như mong muốn như cải cách kinh tế, nợ, lãi suất... cùng với tiêu chí bộ phận rủi ro kinh doanh chắc chắn đã góp phần làm giảm sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ nước ta. 

Thứ tư, ngược lại, độ hấp dẫn của thị trường chính là mảng tối nhất của thị trường bán lẻ nước ta không chỉ hiện nay, mà là đã từ lâu nay.

Bởi lẽ, trong suốt bảy năm tham gia xếp hạng, ngay ở thời điểm giữ “Ngôi Hậu” 2008, thị trường bán lẻ của nước ta cũng chỉ đạt số điểm kỷ lục 34, nhưng ngay trong năm 2009 đã “rơi tự do” xuống chỉ còn 16 điểm và hiện “chạm đáy” chỉ với 12,3 điểm và đồng thời cũng là mức “đáy” của 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới trong năm nay.

Trong đó, hai tiêu chí bộ phận là quy mô dân số và tỷ lệ dân cư đô thị cùng chiếm 20% số điểm chắc chắn không gây mất điểm đột biến như vậy, cho nên “thủ phạm chính” chỉ có thể là doanh thu bán lẻ bình quân đầu người (chiếm 40% số điểm) và hiệu quả kinh doanh (chiếm 20% số điểm).

Trong đó, nếu như hiệu quả kinh doanh thấp do nhiều lý do khác nhau gây mất điểm là điều chắc chắn, thì doanh thu bán lẻ bình quân đầu người phình to quá nhanh và hiện chiếm tới khoảng 73% GDP bình quân đầu người rất có thể là yếu tố gây mất thiện cảm của các nhà kinh doanh. 

Nói tóm lại, cho dù vẫn còn nằm ở khoảng giữa của “Tốp 30” thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới cho nên vẫn chưa phải là quá bi quan, nhưng “rơi tự do” liên tiếp trong hai năm ngay sau khi chiếm được “Ngôi Hậu” là điều chưa có tiền lệ trong lịch sử xếp hạng của tổ chức này rõ ràng là một tiếng chuông cảnh báo chúng ta cần phải nỗ lực hiện thực hóa chiến lược phát triển mạnh thị trường trong nước của chúng ta nhiều hơn nữa.

Theo DĐDN.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC