Xin các thầy hãy bảo trọng!  Có những tội ác, dù không có đầu rơi máu chảy hay án mạng chết người, nếu bị kết tội cũng chỉ bảy hay tám năm tù, vậy mà gây chấn động tận nơi sâu nhất của lương tri mỗi người và ai cũng phải kinh hoàng thốt lên: "Tại sao lại có thể như thế?". Với những tội ác loại này, có lẽ Bụt cũng không muốn tha thứ.

Xã hội chúng ta vừa trải qua những ngày đau xót và phẫn nộ về vụ thầy hiệu trưởng Sầm Đức Xương bị cáo buộc mua trinh và mua dâm một số em nữ sinh của chính ông ta, trong đó có những em còn ở tuổi mực tím. Đó là những ngày buồn đau không chỉ của ngành giáo dục mà còn của xã hội, chỉ sau mùa khai trường thiêng liêng mấy hôm. 

Vụ án gây chấn động lương tri vì nạn lạm dụng tình dục và xâm hại trẻ vị thành niên, lại có thêm một khuôn mặt "ông thầy". Vì toàn cảnh vụ án bộc lộ một môi trường học đường không thể hình dung nổi ở một vùng sơn cước: một đường dây mua trinh, bán dâm khá bài bản mà má mì là những em "lớp trên" dụ dỗ và ép buộc nạn nhân là các em "lớp dưới". Người mua trinh, mua dâm các em bé ngây thơ vô tội ấy lại chính là thầy hiệu trưởng! Mỉa mai thay, ông hiệu trưởng này đã nhiều lần mua dâm học sinh không phải bằng tiền mà bằng quyền lực "nâng điểm đạo đức" (!) (Theo lời khai của Th. - một trong hai "má mì” - Tienphongonline). Ông trưởng công an huyện khi thụ lý vụ án này chỉ còn biết thốt lên ba tiếng: "Thật đau buồn!".

Đi sâu vào tình tiết vụ việc, người ta thấy không chỉ là vấn đề của đạo đức học đường và môi trường giáo dục mà còn là của xã hội. Người ta thấy phía sau là thói đạo đức giả, là những thành tích đầy khả nghi khi cái gì cũng mua, cũng đổi được, kể cả đem trinh tiết và tình dục của tuổi học trò đổi lấy điểm đạo đức; là sự rối loạn kỷ cương xã hội. Khi có học giả, bằng giả thì đương nhiên phải có thầy giả. Người ta cũng thấy bóng đen của thói tiêu dùng đã phủ lên những vùng xa nghèo khó còn nhiều góc tối tăm khi các em vừa là nạn nhân bị bức hại và cũng đồng thời bị dụ dỗ bằng tiền. 

Chúng ta đồng ý với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi ông nói, không nên đánh đồng vụ này với bộ mặt của ngành giáo dục. Điều đó là đương nhiên. Nhưng nếu chỉ tính từ vụ thầy Đông "gạ tình đổi điểm" đến nay, đã có không ít ông thầy vi phạm đạo đức, chuyện "quấy rối" sinh viên cũng không hiếm ở các trường đại học. Sự thật buộc người ta phải suy nghĩ. Khi trong ruộng khoai có hơn một củ khoai bị thối, bị hà, người nông dân phải xem lại miếng đất. Phải chăng, khi "quân, sư, phụ” đã lỗi thời, vị trí người thầy trong nhà trường hiện nay đang chơi vơi, chưa được xác định bằng một triết lý đủ mạnh để các thầy có thể dựa vào đó mà giữ mình? Phải chăng phương pháp rèn luyện đạo đức cho các thầy và công tác thanh tra giáo dục tuy đã làm, đã có hẳn một Cục Nhà giáo để chăm lo nhưng chưa mấy hiệu quả?

Kinh nghiệm cho biết, tham nhũng không vì nghèo mà vì lòng tham và thói vô trách nhiệm. Hư hỏng trong đội ngũ các thầy không khác, còn thêm chuyện không ý thức được sự đòi hỏi đặc biệt cao của xã hội về nhân cách "tác nhân" - làm ra người. Tại sao, cũng như nạn tham nhũng, suy thoái nhân cách thường xảy ra nơi những ông thầy có quyền chức (như thầy Đông, thầy Xương v.v...)? Các thầy quên rằng, quyền chức cao nhất, có uy nhất của một ông thầy chính là đạo đức của ông ta. Nếu phạm tội, ngoài sự phán xét của pháp luật họ còn bị một tòa án khác, với ngàn năm truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, đó là toà án của lương tâm và công luận. Có lẽ còn chút lương tri để nhận ra điều đó nên Sầm Đức Xương đã thốt lên với phóng viên trong nhà giam: "Tôi thấy nhục hơn một con chó!".  

Củ khoai thối có thể vứt đi, con sâu có thể gắp ra khỏi bát canh. Nhưng di chứng của những ông thầy hư hỏng sẽ thành vết sẹo khó lành trong nhiều thế hệ học sinh. Xin các thầy hãy bảo trọng!

Theo Phụ Nữ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC