Xóm nhà tranh chạy lũTháng 7 này, cư dân "xóm nhà tranh" trên bãi An Dương (thuộc phường Phúc Xá, Long Biên, Hà Nội) lại khăn gói về quê để tránh miệng "hà bá". Hơn 10 năm trôi qua, nước lũ năm nào cũng lên quá nửa nhà, gia sản không di chuyển được, các hộ dân đành phó mặc cho nước.

Tháng 7 mùa chạy lũ

An Dương không có trưởng thôn, cư dân ở đây là những người sống nay đây mai đó, với hơn 300 nóc nhà lợp bằng mái rạ, nên nhiều người gọi là "xóm nhà tranh".

Ban ngày, mọi người ra đồng chăm sóc những thảm rau húng, cà, rau cải... Đất An Dương tốt nên rau nào cũng xanh mướt. Vật nuôi phổ biến là trâu, bò, lợn cũng lớn nhanh do không khí trời ôn hòa. Thế nhưng, cứ đến tháng 7, mùa nước sông Hồng lên, người dân lại phải… chạy.

Ông Trung, một cư dân ở đây cho biết, tháng 7, tháng 8 là mùa nước lên dữ dội nhất. Ông nhớ năm 1997, toàn bộ bãi An Dương ngập trong biển nước, hoa màu và nhà cửa đều bị “hà bá” hỏi thăm".

 

An Dương chưa có đường, điện cũng không, cuộc sống còn cơ cực. Mỗi lúc trời mưa, đường trơn trượt, nếu ai không có “kỹ thuật” đi xe máy trên những bãi sình lầy thì không thể đi được. Chị Cam, người xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên, kể: “Lên An Dương ba năm, thì ba mùa tôi phải chạy lũ. Trời mưa chuyển nhà khó, nhiều đồ vật nặng mà không chở được xe máy vì đường trơn như có ai đổ mỡ”.

Hầu hết các hộ ở đây đều trồng rau, nhưng nhà Huyền - Thịnh lại đổi hướng sang chăn nuôi. Chị Huyền cho biết, hiện gia đình chị còn 18 con trâu, hơn 100 con gà và 10 con chó, tính riêng số vốn bỏ ra cũng lên đến hàng trăm triệu. Số lượng gia súc lớn, chuyển nhà mất hơn một tuần. Năm trước nước lũ lên, khi nước sông Hồng bắt đầu “chạm” vào bãi chuối vệ sông, chị may mắn kịp chuyển hết trâu bò lên chỗ cao nhất bãi An Dương.

Bãi An Dương chỉ có một người chở đò. Anh Bình trước kia được mệnh danh là “người lái đò Sông Hồng”, với thâm niên chèo thuyền hơn 10 năm, nên dòng chảy sông Hồng đi qua bãi An Dương ngang dọc ra sao anh "rõ như lòng bàn tay". Tuy nhiên, cứ đến mùa lũ, chiếc thuyền của anh hoạt động hết công suất nhưng hằng ngày luôn trong tình trạng quá tải, do lượng người và đồ qua sông rất lớn. “Người dân ở đây sợ hai từ “lũ lên” lắm”, anh Bình nói.

"Điếc" không sợ... lũ

Ông Lê Văn Kem, người Khoái Châu, Hưng Yên đã 16 năm sống trên bãi, ông đặc biệt hơn những người khác ở chỗ, lũ lên vẫn không về quê. Không phải do ông không có nhà ở Khoái Châu, mà do quen với “khí trời” An Dương nên không nỡ rời xa. Tết Canh Dần vừa qua, ông vẫn bám trụ cùng mấy thanh niên trên bãi An Dương. Ông trước kia, vốn là một diễn viên chèo của đoàn nghệ thuật tỉnh Hưng Yên, nhưng do một trận ốm “thập tử nhất sinh”, ông từ bỏ nghiệp chèo, sau đó không lâu ông khăn gói rời quê tìm lên An Dương.

Năm 2008, nước lũ lên cao kỷ lục, trắng xóa cả bãi An Dương, chỉ còn một số mô đất cao chưa bị ngập nước, ông dựng lều và bắt đầu cuộc chống chọi những cơn lũ ở đó. Hơn 20 ngày sau lũ mới rút. Cuộc sống của ông những ngày lũ lên không khắc khổ như nhiều người nghĩ, hằng ngày ông vẫn đánh bắt cá, rau quả tại một số mô đất còn nổi trên mặt nuớc.

Ông Kem được nhiều người kể như một nhân vật đặc biệt giữa bãi An Dương đầy nắng gió và cát bụi. Anh Tú, hàng xóm thân thiết của ông Kem cho biết: "Ông Kem là một người dễ gần nhất ở đây, nhiều lần hàng xóm nhờ giúp việc, ông không nề hà xắn tay áo vào làm như việc của nhà mình. Ông ấy không phải là người đầu tiên đến bãi An Dương, nhưng lại là người ở lâu nhất trong số những cư dân đang ở đây, một năm có 365 ngày, ông đều ở trọn".
 
Trong buổi chiều tàn, căn nhà ông Kem hiện ra, xập xệ như một túp lều. Trong nhà ông, luôn có một chiếc thuyền nhỏ. Ông tâm sự: “Chiếc thuyền nhỏ đó là để đối phó với lũ mỗi khi nước lên, hơn 10 năm đi thuyền trên sông Hồng nên tôi có nhiều kinh nghiệm để nghênh đón… lũ. Trước khi lên đây, tôi bị cảm, bị câm, tai và mắt đều không rõ, nên mọi người trêu điếc không sợ... lũ".

Ông kể thêm, không phải năm nào nước lũ cũng lên dữ dội, nhiều năm nước lũ chỉ lên đến nửa ngôi nhà. Nhưng người dân ở đây đều về quê hết, một số đồ họ không di chuyển được, đành nhờ ông trông coi, "mình cứ hứa cho người ta yên tâm, chứ thực ra nước lũ lên, nó cuốn đi lúc nào không ai hay", ông thở dài, nói.

Năm nay cũng đã ở độ tuổi thất thập cổ lại hy, ông Kem còn lưu luyến bãi An Dương lắm. Những vật dụng hay đồ ăn ông mời khách đều là sản phẩm của đất An Dương. Nhâm nhi quả chuối ông mời, thấy ngon hơn ở những nơi khác. Đất An Dương quả phì nhiêu, chỉ tiếc năm nào cũng phải chịu những "cơn lôi đình" của hà bá.


Theo Đất Việt.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC