Bộ Thương mại Mỹ có kế hoạch ban hành quy định với loại ô tô kết nối từ tháng 8, theo đó dự kiến áp đặt giới hạn đối với một số phần mềm sản xuất tại Trung Quốc và một số quốc gia khác.

1 My Siet Chat Kiem Soat O To Ket Noi Han Che Phan Mem Cua Trung Quoc

Trung Quốc tuyên bố rằng xe của họ có sức cạnh tranh cao nhờ phát triển công nghệ - Ảnh chụp màn hình AFP

Ngày 16-7, Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ phụ trách công nghiệp và an ninh Alan Estevez cho biết bộ này có kế hoạch ban hành quy định đối với các phương tiện kết nối từ tháng 8. Theo đó, họ dự kiến áp đặt giới hạn đối với một số phần mềm sản xuất tại Trung Quốc và một số quốc gia khác.

Tại một diễn đàn ở bang Colorado, Thứ trưởng Estevez cho biết Bộ Thương mại Mỹ đang xem xét một số thành phần và phần mềm lắp đặt trên xe, không phải toàn bộ xe. Nhưng trong đó sẽ có một số thành phần điều khiển chính liên quan đến quản lý phần mềm cũng như dữ liệu.

Ô tô kết nối có khả năng truy cập Internet, cho phép chia sẻ dữ liệu với các thiết bị cả bên trong và bên ngoài xe. Ông Estevez cho rằng tính năng này của ô tô kết nối có thể là một mối đe dọa nghiêm trọng vì có thể truy cập dữ liệu của người chủ xe.

Ô tô hiện đại có rất nhiều phần mềm và thường xuyên được cập nhật, có thể chụp ảnh, kết nối với điện thoại của chủ xe, biết họ đi đâu hay gọi điện cho ai.

Trước đó hồi tháng 5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cũng cho biết bộ này có kế hoạch ban hành các quy định đối với các phương tiện kết nối của Trung Quốc vào mùa thu năm nay.

Theo bà, Mỹ cũng có thể cấm hoặc áp đặt hạn chế đối với các phương tiện kết nối của Trung Quốc, sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden hồi tháng 2 đã tiến hành một cuộc điều tra về việc nhập khẩu xe Trung Quốc có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ hay không.

Có tương đối ít ô tô hạng nhẹ do Trung Quốc sản xuất nhập khẩu vào Mỹ. Chính quyền Tổng thống Biden đã đề xuất tăng mạnh thuế đối với xe điện Trung Quốc và một số mặt hàng khác, dự kiến áp dụng từ ngày 1-8.

Cùng ngày 16-7, hãng tin Bloomberg News cho biết Mỹ cũng đang cân nhắc áp dụng các hạn chế thương mại hiện hành nghiêm ngặt nhất đối với những công ty tiếp tục giúp Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến. Những biện pháp này có thể áp dụng đối với những công ty như Tokyo Electron (Nhật Bản) và ASML Holding NV (Hà Lan).

Quy định sản phẩm nước ngoài trực tiếp của Mỹ (FDPR) được đưa ra năm 1959 nhằm kiểm soát các hoạt động giao dịch công nghệ của nước này. Theo đó, nếu sản phẩm được tạo ra bằng cách sử dụng công nghệ của Mỹ, chính quyền nước này có quyền ngăn chặn bán các sản phẩm đó kể cả những mặt hàng được sản xuất ở nước ngoài.

Mỹ đang thảo luận vấn đề này với hai doanh nghiệp nói trên của Nhật Bản và Hà Lan nếu hai nước này không thắt chặt các biện pháp đối với Trung Quốc. Hiện cả hai công ty của Nhật Bản và Hà Lan đều chưa đưa ra bình luận gì trước thông tin trên.

Về phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này trước đó đã kêu gọi Mỹ tôn trọng các quy luật của nền kinh tế thị trường và các nguyên tắc cạnh tranh công bằng.

TTXVN

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC