Nhóm nghiên cứu gồm 30 nhà khoa học quốc tế do các bác sĩ thuộc Bệnh viện Tang Tock Seng và Viện Sinh học Phân tử Singapore (GIS) dẫn đầu đã thu thập mẫu ADN tại các bệnh viện địa phương năm 1995-2016 và so sánh với dữ liệu trong khu vực.
Họ phát hiện 350 trường hợp nhiễm khuẩn dòng ST283 tại Việt Nam, Lào, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Hồng Kông. Công trình nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí chuyên khoa PLoS Neglected Tropical Diseases vào đầu năm nay.
“Các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách thức phát tán bệnh mà trước đây các nhà khoa học hoàn toàn không hay biết” - bác sĩ Timothy Barkham thuộc Bệnh viện Tang Tock Seng nói.
Gỏi cá chép sống là một trong các đặc sản của các tỉnh Bắc bộ. (Ảnh: T.V.N.)
Dòng khuẩn Group B Streptococcus (GBS) tồn tại trong ruột non và hệ thống tiết niệu của 15-30% dân số trên thế giới, nhưng hoàn toàn vô hại đối với những người khỏe mạnh.
Tuy nhiên, biến thể ST283 lại hoàn toàn khác và tác hại khôn lường. Bác sĩ Barkham nói dòng ST283 có thể đã tồn tại ở Đông Nam Á trước năm 1995, nhưng chưa có dữ liệu chứng minh điều này. Trên thế giới, các nhà khoa học cũng không tìm ra ST283, trừ hai trường hợp ở Pháp, một ở Anh và một ở Hà Lan.
Dựa vào dữ liệu ghi nhận được từ các trang trại nuôi cá trong khu vực, dòng ST283 được tìm thấy chủ yếu ở cá rô phi. Từ năm 2007-2016, dòng khuẩn này được tìm thấy ở tất cả cá rô phi bị bệnh ở 14 trang trại tại Malaysia và Việt Nam.
Hiện vẫn chưa rõ tại sao dòng ST283 lại chỉ khu trú ở Đông Nam Á mà không phải các nơi khác. Các nhà khoa học lý giải rằng có thể do môi trường nuôi trồng, sinh sống của thủy sản và thói quen ăn gỏi cá, đặc biệt là gỏi sống hay gỏi tái của người dân trong khu vực. “Nếu mọi người không ăn cá sống, không thể tìm được ST283 ở con người” - bác sĩ Barkham nhận định.
Gỏi cá nhệch Hải Phòng được sách kỷ lục Việt King ghi nhận là "một trong ba món gỏi cá ngon nhất Việt Nam", xứng danh "sashimi của Việt Nam". (Ảnh: Việt King). |
Trường hợp ST283 được biết đến lần đầu ở Singapore là vào năm 1998 khi 5 người ăn cá sống bị viêm màng não sau đó.
Các mẫu thử khuẩn thu thập từ năm 1995-2017 tại Bệnh viện Tang Tock Seng, Bệnh viện Đa khoa Changi và Bệnh viện Đa khoa Singapore cho thấy trong 744 trường hợp nhiễm khuẩn GBS có tới 23% bị nhiễm ST283.
Vụ bột phát bệnh do nhiễm khuẩn ST283 xảy ra ở Singapore vào năm 2015 với 160 bệnh nhân bị nhiễm trùng máu sau khi ăn cá sống. Nghiêm trọng nhất là một người đàn ông 50 tuổi bị cắt hết tay chân, một người đàn ông 54 tuổi khác bị hôn mê suốt hai tuần và sau đó bị mất thính giác.
Các nhà nghiên cứu ngờ rằng dịch bột phát năm 2015 là do sự xuất hiện dày đặc hơn của dòng khuẩn này ở cá nước ngọt bởi nhiệt độ môi trường tăng cao.
“Năm 2015 xảy ra hiện tượng El Nino nắng nóng toàn cầu. Điều này có thể củng cố lý thuyết rằng do tăng nhiệt nên lượng khuẩn ở cá nước ngọt cao hơn bình thường. Sự nhiễm khuẩn ở con người tùy thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn ở cá” - bác sĩ Barkham giải thích.
Dịch bột phát năm 2015 sau khi thực khách ăn phải một trong bảy loại cá nước ngọt nhiễm khuẩn, phần lớn là cá rô phi, cá chép và cá lóc. Sau dịch này, chính phủ Singapore ra lệnh cấm bán tất cả các món ăn có cá nước ngọt sống. Sau lệnh cấm, số trường hợp nhiễm khuẩn ST283 giảm hẳn, với 10 trường hợp được ghi nhận trong năm 2016. Các nhà khoa học cũng nói rằng không phát hiện khuẩn ST283 ở cá biển, như trong món sashimi của Nhât Bản.
Việc nhiễm ST283 có thể điều trị bằng kháng sinh như penicillin chẳng hạn. Tuy nhiên hiện giờ mọi người biết rất ít về dòng khuẩn mới này. Toán nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm hiểu nguồn gốc, sự lây lan, truyền nhiễm và tác hại của biến thể khuẩn mới.
“Chúng tôi cần tìm cách khống chế dòng khuẩn này và tìm ra các giải pháp chẳng hạn như phát triển vắc xin cho cá nước ngọt hay tuyên truyền mọi người không nên ăn cá sống” - bác sĩ Swaine Chen, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Viện Sinh học Phân tử Singapore, cho biết.
Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO) và Bệnh viện Tang Tock Seng đang hợp tác trong việc lượng giá tác hại của dòng ST283 trên toàn cầu. Bệnh viện này cùng sáu bệnh viện khác ở Singapore đang được Quỹ Temasek tài trợ các công trình nghiên cứu về khả năng gây ngộ độc thực phẩm của các dòng khuẩn GBS khác.
Các loại gỏi cá sống mà người dân Việt Nam ưa chuộng, đặc biệt là ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, có thể có nguy cơ bị nhiễm khuẩn dòng GBS ST283. Bởi các loại gỏi cá chép, cá mè, cá nhệch, cá chuối... hay “gỏi cá nhảy” ở Thái Bình, Hòa Bình, Bắc Giang và các tỉnh Bắc bộ đã trở thành đặc sản, được cư dân địa phương và du khách rất khách ưa chuộng. Thậm chí sách kỷ lục Việt King còn chỉ ra ba loại gỏi cá sống sau là ngon nhất và xứng danh “sashimi của Việt Nam”. Đó là: Gỏi cá nhệch Hải Phòng, gỏi cá mè Bắc Giang và gỏi cá trích Phú Quốc. Trong 350 trường nhiễm khuẩn ST283 được ghi nhận có đến 171 ca là ở Singapore, chiếm gần 50% các trường hợp được nghiên cứu. Tình hình ở Việt Nam có thể nghiêm trọng hơn do không có dữ liệu cụ thể. “Nông dân các tỉnh Bắc bộ có khuynh hướng và sở thích ăn cá sống phổ biến hơn các nơi khác. Cảnh báo của công trình nghiên cứu rất quan trọng đối với ngành y tế Việt Nam. Các loại kháng sinh, trong đó có penicillin, được đề nghị sử dụng trong việc nhiễm dòng khuẩn mới. Hiện nay điều trị nhiễm tại Việt Nam nói chung đôi khi không hiệu quả do không biết vi khuẩn kháng thuốc hay chất lượng thuốc đạt chuẩn hay không” - một chuyên gia về thận hàng đầu của Việt Nam trao đổi với Báo Người Tiêu Dùng. Vị chuyên gia này cũng nói rằng một hội nghị về tình trạng lờn kháng sinh sẽ được tổ chức tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM trong thời gian tới. |
Nguồn: Người tiêu dùng