Khi đại dịch Covid-19 lan đến bang Georgia (Mỹ), Lauren Rymer buộc phải đưa ra lựa chọn khó khăn nhằm đảm bảo an toàn của người mẹ già yếu và đứa con trai bé bỏng của mình. Cô quyết định "khóa chân" cả gia đình trong gần như suốt năm ngoái để bảo vệ cho người mẹ cao tuổi mắc nhiều bệnh nền. Cô cũng quyết định cho cậu con trai Jack 5 tuổi nghỉ học để tránh tiếp xúc với nguy cơ mầm bệnh Covid-19 từ bên ngoài.
Rốt cuộc, những buổi đến trường của Jack được thay thế bằng những buổi rong ruổi hái nấm trong rừng, chơi với những bộ đồ Lego hay quanh quẩn trong sân nhà. Nhiều sinh hoạt bị đảo lộn, nhưng đổi lại, Rymer không phải sống trong sợ hãi nguy cơ Covid-19 tấn công khi gia đình cô vừa có người cao tuổi có bệnh nền, vừa có trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng.
Những lo lắng được giải tỏa phần nào khi cuối cùng giới chức y tế Mỹ cấp phép tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 tuổi. Jack cũng như nhiều trẻ em khác trong độ tuổi từ 5 -11 đã xếp hàng để được tiêm chủng vaccine để chuẩn bị trở lại trường học và lấy lại cuộc sống bình thường như trước kia.
Jack có thể may mắn hơn Aaron Estrada - một bé trai 4 tuổi ở Michigan, người đã mất một năm để phục hồi sau khi mắc Covid-19. Tóc của cậu bé bắt đầu rụng. Aaron gặp vấn đề về tim mạch và không thể đứng lên, đi lại trong một tháng. Cậu đã mắc hội chứng viêm đa hệ thống nguy hiểm tới tính mạng. Đây là hội chứng khiến cho nhiều cơ quan trong cơ thể bị viêm và có thể dẫn đến suy đa tạng.
Mặc dù, đến đầu năm sau Aaron mới đủ 5 tuổi, nhưng bác sĩ vẫn muốn cậu bé được tiêm chủng mũi vaccine đầu tiên trong tháng này vì họ tin rằng vaccine có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng Covid-19 trong thời gian dài.
Câu chuyện của Jack hay của Aaron cho thấy mối lo ngại suốt hai năm qua của không ít bậc phụ huynh khi mối đe dọa từ Covid-19 đến trẻ em ngày càng tăng do sự xuất hiện của các biến chủng SARS-CoV-2 mới. Việc một số nước bắt đầu phê chuẩn tiêm chủng vaccine cho trẻ em đang dần giảm phần nào giúp giảm bớt những lo ngại với các bậc phụ huynh.
"Đó không đơn thuần là một mũi tiêm trên cánh tay, mà là cả một gánh nặng lớn trên vai tôi suốt thời gian qua", Rymer xúc động chia sẻ.
COVID-19 ĐE DỌA SỨC KHỎE TRẺ EM TƯƠNG TỰ NGƯỜI LỚN
Theo nhiều nghiên cứu, trẻ em cũng đối mặt các rủi ro về sức khỏe tương tự người lớn khi mắc Covid-19 (Ảnh: Getty).
Theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet Child & Adolescent Health mới đây, các nhà khoa học Anh ước tính khoảng 1/20 số trẻ em nhập viện do Covid-19 có thể bị suy giảm chức năng não hoặc bị các biến chứng thần kinh kéo dài. Cụ thể, kết quả cho thấy, trong số 1.334 trẻ dưới 18 tuổi nhập viện vì Covid-19 tại Anh từ tháng 4/2020 đến tháng 1/2021 đã xác định được 52 trẻ bị các biến chứng thần kinh.
Các nhà nghiên cứu cho biết, khoảng 1/3 số trẻ mắc Covid-19 không thể điều trị dứt điểm được các triệu chứng trong thời gian ngắn. Trẻ mắc Covid-19 nặng có thể bị viêm não, co giật, đột quỵ, thay đổi hành vi, ảo giác và rối loạn tâm thần.
Tiến sĩ Rachel Kneen thuộc Đại học Liverpool (Anh), cho biết: "Ở những trẻ mắc Covid-19 thể nặng dù nguy cơ tử vong thấp nhưng 1/2 số trẻ cần được hỗ trợ chăm sóc đặc biệt và 1/3 trẻ được xác định bị tổn thương thần kinh. Một số trẻ được áp dụng phương pháp điều trị phối hợp, thường nhằm mục đích kiểm soát hệ thống miễn dịch".
Tiến sĩ Ravi Jhaveri, chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Nhi Chicago (Mỹ), cho biết: "Những trẻ mắc Covid-19 phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng giống người lớn. Chúng tôi đã chứng kiến những trẻ phải chịu những hậu quả tồi tệ nhất khi mắc Covid-19, bao gồm biến chứng đông máu, tổn thương tim, suy giảm chức năng não, thần kinh và hội chứng Covid-19 kéo dài".
Theo Tiến sĩ Natasha Burgert, phát ngôn viên quốc gia của Viện Nhi khoa Mỹ, các tác động tiềm năng của Covid-19 có thể "vượt xa những gì bệnh cúm gây ra". Theo bà Burgert, dù hiếm gặp, nhưng trẻ mắc Covid-19 có khả năng phát triển hội chứng viêm đa hệ thống, bao gồm các chứng viêm nguy hiểm xung quanh tim và các cơ quan khác, thường là vài tuần sau khi mắc Covid-19.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky cho biết, cơ quan này đang tìm hiểu liệu biến thể Delta có làm trẻ bệnh nặng hơn hay không mặc dù vẫn có những trẻ chỉ có những triệu chứng thông thường như sốt, ho, sổ mũi.
Những nghiên cứu đánh giá trên trái ngược với những nhận định ở giai đoạn đầu bùng phát dịch cho rằng trẻ em có thể ít tổn thương trước Covid-19 hơn so với người trưởng thành. Đó là lý do tại sao trẻ em cũng cần được bảo vệ bằng vaccine.
TỶ LỆ TRẺ EM MẮC COVID-19 TĂNG MẠNH TẠI MỸ GẦN ĐÂY
Sau khi các nước đã phủ vaccine cho phần lớn người trưởng thành và bắt đầu nới lỏng hạn chế, mở cửa trở lại, trẻ em trở thành đối tượng dễ tổn thương hơn trước Covid-19. Điều này cũng tạo lỗ hổng để virus SARS-CoV-2 dễ biến đổi tạo ra các biến chủng có thể nguy hiểm hơn.
Tính đến cuối tháng 10, khoảng 8.300 trẻ em Mỹ trong độ tuổi từ 5 -11 phải nhập viện điều trị Covid-19 và ít nhất 172 trường hợp đã tử vong.
Giới chuyên gia y tế thừa nhận, ở giai đoạn đầu của đại dịch, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở trẻ em thấp hơn nhiều so với ở người trưởng thành, nhưng nguy cơ này đang tăng dần lên khi phần lớn dân số trưởng thành đã được tiêm chủng.
New York Times dẫn số liệu cho biết, số ca Covid-19 ở trẻ em tại Mỹ đã tăng 32% so với cách đây 2 tuần. Hơn 14.000 trẻ em ở Mỹ dương tính với SARS-CoV-2 trong tuần từ ngày 11/11 đến 18/11, so với 107.000 ca trong tuần trước đó và tương đương 1/4 số ca nhiễm cả nước.
Tại châu Á, vào tháng 7, Indonesia ghi nhận trên 100 trẻ em tử vong vì Covid-19 mỗi tuần, tỷ lệ cao nhất thế giới. Hơn 800 trẻ em dưới 18 tuổi ở Indonesia đã tử vong vì SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bùng phát, chiếm khoảng 1% số ca tử vong toàn quốc và phần lớn tập trung trong tháng 7.
Tại châu Âu, số ca nhiễm ở Anh tăng mạnh sau khi chính phủ nước này dỡ hoàn toàn các lệnh hạn chế hồi tháng 7, trong đó tỷ lệ ca nhiễm ở trẻ em gia tăng so với các làn sóng trước. Giáo sư Christina Pagel thuộc Đại học Hoàng gia London, cho rằng việc chậm trễ phê chuẩn vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12-15 tuổi là một sai lầm lớn.
Ông Zhang Zoufeng, Chủ nhiệm Khoa Dịch tễ học thuộc Đại học California, Los Angeles (Mỹ): "Tiêm chủng cho trẻ nhỏ không chỉ giúp nhóm dân số này được bảo vệ tốt hơn mà còn ngăn chặn nguy cơ virus lây lan sang các nhóm dễ bị tổn thương khác".
Ngoài những lợi ích này, việc tiêm chủng cũng giúp trẻ duy trì các quan hệ tiếp xúc trực tiếp như được tiếp tục đến trường, được tham gia các hoạt động xã hội như trước đại dịch.
CÁC NƯỚC ĐẨY MẠNH TIÊM VACCINE COVID-19 CHO TRẺ EM
Nhiều nước trên thế giới đã triển khai hoặc cân nhắc triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em, song có sự khác nhau về tốc độ hoặc độ tuổi tiêm chủng.
Israel là một trong những quốc gia tiên phong cấp phép tiêm chủng cho trẻ em. Giữa tháng 1/2021, Israel đã tiêm vaccine cho người từ 16 tuổi. Đến tháng 6 năm nay, Israel tiếp tục phê chuẩn tiêm chủng cho trẻ từ 12-15 tuổi.
Tại Mỹ, người từ 16-18 tuổi được tiêm vaccine Pfizer/BioNTech từ tháng 4 năm nay, trong khi trẻ 12-15 tuổi bắt đầu được tiêm chủng một tháng sau đó.
Hôm 26/10, các chuyên gia cố vấn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng ủng hộ tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5-11 tuổi. FDA khẳng định lợi ích của việc tiêm chủng vượt trội hơn so với những rủi ro mà loại vaccine này có thể đem lại.
Vào tháng 5 năm nay, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã phê duyệt vaccine Pfizer cho trẻ từ 12-15 tuổi. Kể từ đó, các nước EU đã thực hiện tiêm cho trẻ với tốc độ khác nhau. Pháp đã tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine Covid-19 cho 66% trẻ từ 12 đến 17 tuổi, trong đó 52% đã được tiêm đủ hai mũi. Pháp dự kiến cấp phép tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi vào đầu năm sau. Giống nhiều quốc gia châu Âu khác, Đan Mạch và Tây Ban Nha cũng đã tiêm chủng ít nhất một mũi cho hầu hết trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
Nam Phi, nơi đang xuất hiện biến chủng đáng lo ngại B.1.1.529, cũng cấp phép tiêm chủng vaccine Pfizer mũi một cho trẻ từ 12-17 tuổi từ ngày 20/10. Mũi thứ hai sẽ được hoãn lại để chờ các nghiên cứu sâu hơn về các tác dụng phụ hiếm gặp.
Tại châu Á, kể từ ngày 1/6, Singapore đã mở rộng chương trình tiêm chủng cho người trong độ tuổi 12-18. Nhật Bản hồi cuối tháng 5 cũng phê chuẩn sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em 12 tuổi trở lên.
Thậm chí, hồi tháng 9 năm nay, Cuba trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà cho trẻ em từ 2-11 tuổi, sử dụng vaccine Soberana 02 do nước này tự sản xuất. Việc tiêm chủng dự kiến hoàn tất trong tháng 11.
Chiến lược tiêm chủng của các nước không chỉ căn cứ vào độ tuổi mà có thể có điều chỉnh tùy từng đối tượng. Ví dụ, hồi tháng 6, Đức mới chỉ khuyến cáo tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-15 tuổi không có bệnh nền. Tuy nhiên, đến tháng 8, do đà lây lan mạnh của biến chủng Delta, Đức mở rộng tiêm chủng cho tất cả người trên 12 tuổi.
Tại Indonesia, trước khi tiêm chủng, trẻ em sẽ được khám sàng lọc và có thể bị từ chối tiêm chủng nếu có các bệnh lý nền. Hơn 3 triệu trẻ em Indonesia đã tiêm đầy đủ 2 mũi, chiếm 11,6% tổng mục tiêu tiêm chủng hơn 26 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi.
Philippines mới đây đã thí điểm tiêm vaccine Covid-19 cho 1.500 trẻ em có bệnh nền và chỉ ghi nhận 4 trường hợp có biểu hiện bất lợi và đều được xử lý tốt. Từ ngày 22/10, nước này bắt đầu tiêm chủng vaccine Covid-19 chính thức cho hơn 144.000 trẻ em 15-17 tuổi và ưu tiên trẻ có bệnh nền.
Ở khu vực Đông Nam Á, Campuchia là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ở trẻ em cao nhất. Tính đến đầu tháng 11, nước này đã tiêm chủng cho hơn 90% trẻ em trong độ tuổi 12-17 và 98% trẻ trong độ tuổi 6-12.
Tại Malaysia, giới chức y tế đang xem xét tiêm vaccine Sinovac cho trẻ 12-17 tuổi mắc bệnh nền trong khi phê duyệt Pfizer và Sinovac cho trẻ không có bệnh nền.
Độ phủ vaccine, cách thức triển khai tiêm chủng ở các nước có thể khác nhau, nhưng giới chuyên gia tin rằng, tiêm vaccine Covid-19 trẻ em là một bước tiến quan trọng nữa giúp thế giới tiến tới đẩy lùi đại dịch Covid-19 hay ít nhất giúp ngăn virus biến chủng, tránh một làn sóng lây nhiễm nguy hiểm hơn.
Minh Phương
Tổng hợp