Hành khách tại nhà ga Termini, ở Rome, Italy, ngày 3-6. (Ảnh: Reuters)
Kết quả của nghiên cứu do các nhà khoa học tại hai trường đại học Cambridge và Greenwich của Anh dẫn dắt được công bố trên tạp chí khoa học "Proceedings of the Royal Society A".
Nghiên cứu nêu trên cho rằng, chỉ triển khai các biện pháp phong tỏa sẽ không giúp ngăn chặn sự tái bùng phát của virus SARS-CoV-2, tuy nhiên, những chiếc khẩu trang tự chế có thể giảm đáng kể tỷ lệ lây nhiễm nếu có đủ số người cần thiết đeo khẩu trang khi xuất hiện tại nơi công cộng.
Ông Richard Stutt, một trong những người đứng đầu nghiên cứu của Đại học Cambridge cho biết: “Những phân tích của chúng tôi ủng hộ người dân trên thế giới đeo khẩu trang trong thời gian tới”. Theo ông Stutt, các nghiên cứu cho thấy, nếu việc đeo khẩu trang rộng rãi được kết hợp với các biện pháp giãn cách xã hội và một số biện pháp phong tỏa thì đây là “giải pháp có thể chấp nhận được trong xử lý đại dịch và nối lại hoạt động kinh tế” trước khi thế giới có vaccine ngừa Covid-19.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh cho thấy, nếu người dân đeo khẩu trang khi xuất hiện tại nơi công cộng thì hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm sẽ tăng gấp đôi so với việc chỉ đeo khẩu trang sau khi các triệu chứng mắc Covid-19 xuất hiện.
Trong mọi kịch bản mà nhóm nghiên cứu đã đánh giá, việc có từ 50% dân số trở lên đeo khẩu trang sẽ giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm xuống mức dưới 1, đẩy lùi nguy cơ làn sóng dịch bệnh xuất hiện trong tương lai và cho phép nới lỏng các biện pháp phong tỏa.
Tỷ lệ lây nhiễm là 1 tức là trung bình 1 người nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể lây bệnh cho 1 người khác. Nếu tỷ lệ này lớn hơn 1 thì số ca bệnh sẽ tăng theo cấp số nhân.
Trước đó, trong bản hướng dẫn cập nhật công bố ngày 5-6 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các chính phủ nên yêu cầu người dân đeo khẩu trang vải tại các khu vực công cộng.
Theo Reuters/nhandan.com.vn