Nắng nóng dễ làm huyết áp tăng lên, vừa làm tắc mạch máu não vừa làm vỡ mạch máu gây xuất huyết. Trong những ngày cao điểm nắng nóng vừa qua, các bệnh viện (BV) đã tiếp nhận và điều trị cho một số bệnh nhân liên quan trực tiếp đến thời tiết nắng nóng như say nắng, sốc nhiệt.

Suýt tử vong vì nắng nóng

PGS-TS Nguyễn Văn Chi, Khoa Cấp cứu A9 BV Bạch Mai, cho biết mới đây, Khoa Cấp cứu tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nam, trên 40 tuổi đang làm việc trên cánh đồng thì rơi vào tình trạng mệt lả, sốt cao, đau đầu, buồn nôn, choáng váng. Bệnh nhân được đưa đến Khoa Cấp cứu A9 thì rơi vào tình trạng hôn mê, không tiếp xúc được, sốt trên 41 độ C, mất nước nghiêm trọng.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiệt do làm việc dưới nhiệt độ cao trong thời gian dài. Bệnh nhân được bóp bóng, đặt ống nội khí quản để bảo vệ đường thở, hạ sốt, truyền dịch, chụp CT não và làm các xét nghiệm đánh giá.

Kết quả chụp phim CT cho thấy bệnh nhân có tổn thương phù não và các đánh giá xét nghiệm cho thấy rất nhiều rối loạn trong cơ thể. Với nỗ lực của các y - bác sĩ và gia đình bệnh nhân đã được cứu sống nhưng không tránh khỏi các di chứng về ý thức và vận động.

42 1 Dot Quy Vi Nang Nong Gay Gat Keo Dai

Người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao không nên qua lại giữa môi trường nóng - lạnh đột ngột

Trong những tuần nắng nóng gần đây, trung bình mỗi ngày Khoa Cấp cứu và Đột quỵ BV Lão khoa trung ương tiếp nhận 30-40 bệnh nhân, tăng 150% so với ngày thường. Nhiều bệnh nhân khi đến viện đã bị tai biến mạch máu não nặng, hôn mê.

Mới đây, BV tiếp nhận nữ bệnh nhân 53 tuổi quê Phúc Thọ, Hà Nội có tiền sử đái tháo đường và tăng huyết áp nhập viện trong tình trạng chân tay yếu, méo miệng. Dù bà vẫn dùng thuốc đều đặn theo đơn bác sĩ kê nhưng nắng nóng khiến huyết áp tăng lên là nguyên nhân gây chảy máu não. Bệnh nhân nằm lại viện điều trị 2 tuần nhưng vẫn chưa thể xuất viện.

Nguy cơ với người mắc đái tháo đường, tim mạch

BS Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu BV Hữu Nghị, cho rằng, thời tiết nắng nóng gay gắt là yếu tố làm tăng số người bị đột quỵ, nhất là những người có tiền sử bị tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu cao…

PGS Nguyễn Văn Chi cho biết cơ thể có cơ chế điều hòa thân nhiệt để giữ cho nhiệt độ cơ thể ở mức cân bằng, quanh 37 độ C. Trong thời tiết nắng nóng, cơ thể chúng ta vừa sinh ra nhiệt trong quá trình hoạt động vừa hấp thụ nhiệt từ môi trường vào nên nguy cơ tăng thân nhiệt do ở lâu trong môi trường nắng nóng là rất cao.

Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, cơ thể chúng ta sẽ thực hiện các cơ chế để điều tiết giữ thân nhiệt như thở nhanh, giãn mạch dưới da, toát mồ hôi, ức chế quá trình sinh nhiệt trong cơ thể...

Tuy nhiên, nếu ở trong môi trường nắng nóng kéo dài, các cơ chế đó sẽ không còn hiệu quả, khi nhiệt độ tăng lên trên 41 độ C kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, thận và đặc biệt khi nhiệt độ tăng quá cao, các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể sẽ rối loạn nghiêm trọng, dẫn đến hôn mê, co giật.

Các bác sĩ cho biết bệnh nhân sốc nhiệt có các biểu hiện ban đầu như mặt đỏ bừng, da khô nóng, mệt lả, nôn mửa, đau đầu... Khi phát hiện nạn nhân bị sốc nhiệt hoặc say nắng cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân ra khỏi khu vực nắng nóng, dùng các biện pháp hạ nhiệt bằng quạt, lau khăn ẩm nước mát toàn thân, nếu bệnh nhân tỉnh cho uống nước mát để bù nước, cố gắng hạ thân nhiệt bệnh nhân...

Theo PGS-TS Chi, trong những ngày nắng nóng nếu phải ở lâu ngoài trời thì cố gắng tránh thời điểm từ 11 đến 15 giờ - thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất. Mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng; làm thông thoáng, che chắn khi làm việc ngoài trời. Đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước.

Ngoài việc có đầy đủ phương tiện, dụng cụ chống nắng, người lao động ngoài trời cứ sau 1 khoảng thời gian phải vào chỗ mát tạm nghỉ 10-15 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước cho cơ thể. Trung bình một người nên uống từ 2,5-3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng.

Không để nhiệt độ phòng quá thấp

Những người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao không nên qua lại giữa môi trường nóng - lạnh đột ngột, đặc biệt chú ý khi sử dụng điều hòa, không để nhiệt độ chênh lệch quá cao so với môi trường bên ngoài rất dễ gây ra tình trạng sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Chúng ta chỉ nên điều chỉnh nhiệt độ của điều hòa ở khoảng 27 độ C, những ngày quá nóng nên để nhiệt độ chênh lệch với môi trường bên ngoài tối đa là 10 độ C.

Bài và ảnh: Minh Khuê

Nguồn: nld.com.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC