Ảnh: Hồ Giáp
F0 mất vị giác, khứu giác làm gì khi chán ăn?
Mất vị giác, khứu giác là 2 triệu chứng đặc trưng của Covid-19. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết, triệu chứng này sẽ khiến F0 chán ăn do khi ăn không cảm nhận được mùi vị thơm ngon của thực phẩm.
Lúc này, chúng ta cần chăm sóc về dinh dưỡng cho F0 một cách đầy đủ, khoa học. “Trong lúc cơ thể đang bị virus tấn công nếu không bổ sung dinh dưỡng sẽ có nhiều nguy cơ trở nặng. Đặc biệt khi F0 có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, bị mất năng lượng, nhu cầu chuyển hóa cao hơn bình thường. Việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể là vô cùng quan trọng”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nói.
Theo PGS.TS Lâm, có nhiều cách để giúp F0 mất vị giác, khứu giác có thể ăn uống. Ví dụ người bệnh chưa thể ăn hoặc không muốn ăn cơm, chúng ta chuyển sang ăn cháo, súp để dễ ăn, dễ nuốt.
Chúng ta cũng cần chia nhỏ bữa ăn để phục hồi dinh dưỡng dần dần. Ngoài ra, người chế biến món ăn có thể cho thêm các loại gia vị (tỏi, ớt, hạt tiêu…), các loại rau thơm (hành, ngò…) trong khẩu phần ăn của người bệnh.
Khi nấu, giá trị dinh dưỡng bát cháo, súp là quan trọng nhất. Ngoài gạo, thịt chúng ta cần có thêm chất béo. “Người Việt thường quan niệm ăn chất béo không tốt nhưng khi chế biến bữa ăn cho người bệnh Covid-19, chúng ta nên thêm chất béo. Ví dụ bát nhỏ cháo có thể thêm 10g dầu ăn để tăng năng lượng khẩu phần. Bên cạnh đó, chúng ta kết hợp ăn nhiều bữa, mục đích đáp ứng khẩu phần chính trong ngày cho người bệnh”, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ.
Ngoài ăn bằng đường miệng, những trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng phải ăn qua ống sonde dạ dày. Trường hợp nặng hơn, các bác sĩ phải tiến hành nuôi ăn tĩnh mạch để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, các F0 nên bổ sung các đa vi chất dinh dưỡng (trẻ em có dạng siro, dạng bột, cốm… người lớn là dạng viên). Các vi chất có tác dụng nâng cao kháng thể ví dụ vitamin A, D, C, kẽm, sắt, dầu cá ĐHA, lợi khuẩn...
F0 còn có thể bổ sung sữa chua ăn, sữa chua uống có chứa BioProtect có tác dụng giúp đường ruột khỏe mạnh. “Chế độ ăn kết hợp bổ sung vi chất, lợi khuẩn là chìa khóa giúp F0 đảm bảo dinh dưỡng”, PGS.TS Lâm nói.
Ăn đa dạng thực phẩm, bổ sung bữa phụ
TS Chu Thị Tuyết, Trưởng khoa Dinh dưỡng- Bệnh viện Hữu nghị, cũng cho biết, người bệnh nhiễm thường có dấu hiệu đột ngột bị mất vị giác hoặc khứu giác nên giảm khả năng ăn uống. Do đó, cần bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh thiếu hụt về dinh dưỡng.
Nếu suy dinh dưỡng sẽ làm tăng nguy cơ bội nhiễm, bệnh trở nặng, kéo dài thời gian thở máy, tăng chi phí điều trị. Vì vậy, việc cung cấp dinh dưỡng cho người bệnh nhiễm SARS-Covid-2 thể nhẹ và không có triệu chứng tại nhà là rất cần thiết, giúp nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và hạn chế biến chứng.
Chế độ dinh dưỡng tốt kết hợp với liệu pháp điều trị giúp ngăn ngừa, hỗ trợ và khắc phục tình trạng nhiễm trùng, góp phần tiết kiệm chi phí, nguồn lực cho hệ thống chăm sóc sức khoẻ.
Để hạn chế diễn biến nặng, nguy kịch người bệnh cần được theo dõi thường xuyên và thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Nguyên tắc chung đối với dinh dưỡng dành cho người nhiễm Covid-19 là ăn bình thường, đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng bằng đa dạng loại thực phẩm.
F0 cần bổ sung thêm 1 đến 2 bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa, Tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (đạm), tăng cường trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại, gia vị (như tỏi, gừng) để tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, người bệnh phải uống đủ nước (trung bình 2 lít/ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy.
Theo TS Chu Thị Tuyết những thực phẩm hạn chế dùng là mỡ động vật, phủ tạng động vật; các thực phẩm chứa nhiều muối (đồ hộp, dưa muối, cà muối...); các loại nước ngọt có ga, bánh kẹo ngọt và các chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá.
Nguồn: Ngọc Trang/ Vietnamnet.vn