Báu vật quốc gia - Ký ức thế giớiTối qua, ngay sau khi Hồ sơ Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội (bia Tiến sĩ Văn Miếu) được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới tại chương trình "Ký ức thế giới" tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc), chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, người đại diện cho Thủ đô có mặt tại cuộc họp của UNESCO.

- Phóng viên: Là một trong những người đại diện của Việt Nam, của Hà Nội có mặt tại Ma Cao vào thời khắc đáng nhớ đó, Phó Chủ tịch có thể chia sẻ với Hànộimới ý kiến đánh giá của UNESCO cũng như bạn bè quốc tế về các Bia đá Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám?

- Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng: Thật tuyệt vời, các chuyên gia của UNESCO cũng như bạn bè quốc tế có mặt tại Ma Cao đều đánh giá rất cao tính xác thực, giá trị độc đáo và duy nhất cũng như ý nghĩa quốc tế của các bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779) là những bản gốc duy nhất hiện còn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, Việt Nam. Nội dung các bài ký trên bia bao gồm nhiều thông tin quan trọng về ngày, tháng, năm dựng bia, họ tên, chức vụ của người soạn, người khắc chữ, người chế tác bia. Chữ viết, hoa văn trang trí cùng phong cách trang trí tạo dáng trên bia, rùa đều mang dấu ấn của thời đại sản sinh ra chúng, đời sau khó có thể làm giả mà nếu một hoặc một số tấm bia bị hỏng hoặc mất, nhân loại sẽ mất đi một di sản tư liệu quý hiếm, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo không thể khôi phục được. Hơn thế, họ cũng đánh giá rất cao nội dung các bài ký được khắc trên những tấm bia, bởi đó là nguồn tư liệu phong phú để các thế hệ sau này tìm hiểu về tư tưởng chính trị, quan điểm của Nhà nước thời Lê, Mạc về giáo dục, đào tạo và tuyển chọn nhân tài.

- Phóng viên: Vậy, xin Phó Chủ tịch cho biết ý nghĩa của việc Hồ sơ “Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779)” ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được UNESCO vinh danh trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội?

- Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng: Hồ sơ Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779)” được UNESCO công nhận là bước khởi đầu tốt đẹp cho chuỗi các sự kiện văn hóa, xã hội trọng đại trong năm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hơn thế nữa, việc 82 Bia đá Tiến sĩ được vinh danh không chỉ khẳng định sau Mộc bản triều Nguyễn, Việt Nam còn rất nhiều ứng cử viên “nặng ký” cho Chương trình “Ký ức thế giới”; mà còn giúp bạn bè quốc tế biết đến Thăng Long - Hà Nội, dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học, luôn coi trọng và sử dụng nhân tài, đồng thời giúp mỗi người dân Việt Nam khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học của ông cha, chăm chỉ học hành, hoàn thiện nhân cách, góp phần xây dựng Thủ đô, đất nước ngày càng giàu đẹp, thanh lịch, văn minh...

- Phóng viên: Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779) ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám có giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục rất lớn, với vai trò là Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, bà có thể cho biết kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói chung, 82 bia Tiến sĩ nói riêng trong thời gian tới?

- Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng: Là một trong những di tích lịch sử văn hóa quốc gia, mỗi ngày di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón hàng nghìn lượt khách tới tham quan, học tập, nghiên cứu. Để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Nghiên cứu khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về di sản, đồng thời với việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích.

Báu vật của quốc gia bây giờ đã trở thành di sản thế giới, một di sản ký ức mà thế giới phải trân trọng, gìn giữ.

- Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!


Theo HNM.



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC