Bùng phát cơ sở đào tạo diễn viênThời buổi điện ảnh phát triển và diễn viên chuyên nghiệp thiếu trầm trọng, tuy hiện có rất nhiều cơ sở đào tạo mọc lên, song liệu nó có thực đáp ứng nhu cầu chung của xã hội?

Nhắc tới công việc đào tạo diễn viên, ai cũng nghĩ tới “lò” chuyên nghiệp là Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh (CĐSKĐA) TPHCM, song từ lâu CĐSKĐA đã không còn là “lựa chọn số 1” của các bạn trẻ muốn trở thành diễn viên.

Lý do: Thời gian học ở trường quá lâu, sinh viên của trường được đào tạo nghiêng về diễn xuất sân khấu hơn là điện ảnh.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, nhà trường yêu cầu sinh viên không được tham gia đóng phim quá thời lượng nhà trường cho phép. Với sinh viên, điều này trở thành một quy định ngặt nghèo, “kìm hãm” sự phát triển. Đó cũng là lý do vì sao hầu hết những gương mặt được các đoàn phim chấm, đã chọn phương án nghỉ học giữa chừng để “bay nhảy”…

Và dù không được các đoàn phim chọn lựa thì tới năm thứ 2, các sinh viên cũng tự động ra ngoài tìm cơ hội, điều này giải thích vì sao đầu vào của một lớp diễn viên khoảng 20 em nhưng đến khi ra trường chỉ còn 1/2 đến 1/3...

Một lò đào tạo nữa cũng được biết đến đó là NVH Điện ảnh. “Lò” này do vợ chồng nghệ sĩ Minh Đức – Lân Bích đứng ra “bao sân”… Thời hạn 1 năm ra nghề với đa số bạn trẻ hiện nay là có thể chấp nhận. Một vài cái tên diễn viên xuất thân từ đây như Trương Minh Quốc Thái, Chi Bảo, Kinh Quốc…

Về lâu về dài, các hãng phim vì muốn chủ động nguồn diễn viên đều mở các khóa đào tạo diễn viên cho mình. Hãng phim tư nhân Việt Phim của đạo diễn Lê Cung Bắc nuôi những diễn viên triển vọng bằng cách chọn ra những gương mặt tiềm năng và đào tạo dài hơi, nhắm tới mục tiêu ký hợp đồng độc quyền…

Hãng Sena film hiện đang có một lớp diễn viên “vì năm tới hãng sẽ làm nhiều phim nên muốn chủ động nguồn diễn viên” – Nhà biên kịch Châu Thổ, Phó giám đốc hãng phim cho biết.

Lớp học của Sena film chia làm 3 đối tượng rõ ràng. Một dành cho bộ phim sắp bấm máy (học viên được giảm 50% học phí), hai dành cho những ai có năng khiếu (nguồn phim cho năm tới) và ba là những gương mặt mà hãng sẽ ký độc quyền (đào tạo miễn phí).

Hãng phim Lasta, một trong những đơn vị cung cấp nguồn phim lớn nhất hiện nay cho truyền hình, nắm bắt ngay ưu thế của mình để mở lớp đào tạo diễn viên. Dù học phí ở đây khá cao (3 triệu đồng/khóa) nhưng Lasta cũng thu hút khá đông bạn trẻ tham gia.

Việc đào tạo cấp tốc thực ra không phải chỉ xuất hiện mới đây. Nó là sự phát triển từ hình thức “vừa học vừa làm” của những đoàn phim cần tuyển những gương mặt mới chưa hề đóng phim. Các đạo diễn đã làm luôn công tác “dạy nghề” cho các “diễn viên” trong chính bộ phim của mình.

Tuy nhiên, điều này vấp phải rủi ro khá cao. Ngoại trừ một số ít có năng khiếu thực sự, thì phần đông những gương mặt đẹp lại chỉ cho ra hình ảnh những manơcanh trong phim. Đó là lý do vì sao được đào tạo cấp tốc vẫn hơn.

Một trong những đơn vị đào tạo diễn viên đang được nhắc tới khá nhiều hiện nay là Vietcast. Bắt đầu từ bộ phim Dốc tình và tiếp theo đang là Cỏ đuôi gà, khán giả đã thấy hình ảnh của những diễn viên trẻ từ “lò” này. Chỉ 2 - 3 tháng học mà có thể trở thành diễn viên, dường như là độc chiêu ở đây!

Người chưa qua đào tạo làm công tác đào tạo!

Nhiều người trong giới làm phim bật cười khi nghe những người mẫu, diễn viên mở lớp đào tạo diễn viên. Đầu tiên là Anh Thư - Người mẫu được lăng xê qua phim của 1 - 2 đạo diễn trẻ. Tuy khá nổi bật trên sàn catwalk, song trong lĩnh vực điện ảnh, Anh Thư vẫn chỉ là cái tên chưa tỏa sáng.

Người thứ hai can đảm mở lớp đào tạo diễn viên là Lý Nhã Kỳ. Cô Việt kiều về nước đóng phim mới chỉ vài năm trở lại đây, đã quyết định sẽ mở lớp, mặc dù ngay cả diễn xuất của cô cũng không được đánh giá cao từ các đoàn làm phim.

Không chỉ những cá nhân, tổ chức trong nước quan tâm đến lĩnh vực đào tạo diễn viên, gần đây qua một số nguồn tin, tại thành phố cũng đã xuất hiện một tổ chức nước ngoài có tên là John Robert Powers tham gia đào tạo diễn viên cho Việt Nam.

Trong các lĩnh vực đào tạo của tổ chức này có khóa đào tạo diễn viên mang tên Diễn xuất. Tất nhiên, trường ngoại, học phí cũng sẽ “ngoại”, còn chất lượng tới đâu thì chưa biết, bởi chưa có diễn viên nào xuất thân từ đây để có thể đưa ra sự kiểm chứng.

Và đào tạo nghĩa là... không đào tạo!

Với lời quảng cáo đào tạo miễn phí, Cty Á Đông đã thu hút khá đông những gương mặt trẻ đến đăng ký học để trở thành diễn viên. Thực chất đây có phải là cơ sở đào tạo miễn phí không khi mà mỗi học viên đều buộc phải nộp tối thiểu 400.000 đồng để Cty chụp ảnh.

Tại sao không thể tự mình nộp ảnh mà phải tới đây chụp? “Bởi vì chỉ ở đây mới biết cách chụp sao cho có tính điện ảnh!” – Câu trả lời của nhân viên Á Đông.

Hóa ra, để kinh doanh studio, Á Đông đã nắm bắt ngay nhu cầu muốn được đóng phim của đông đảo bạn trẻ hiện nay. Còn chất lượng đào tạo diễn viên của Á Đông ra sao? Xin dành câu trả lời cho các đoàn phim.

Có ít nhất 2 đoàn phim cho biết, khi nghe tuyển diễn viên, người của Á Đông mang ảnh tới quảng cáo, có khi họ chở một xe vài chục người tới nhưng khi thử vai thì không ai biết diễn.

Cũng có gương mặt thấy hợp nên đoàn làm phim đặt vấn đề sẽ đào tạo, tuy nhiên khi hỏi về việc có được ký hợp đồng trực tiếp với diễn viên hay không, Á Đông trả lời là không, phải qua họ.

Phải chăng, các học viên ở đây sẽ tiếp tục phải trả một cái phí nữa gọi là phí đào tạo cho Cty trong khi thực chất họ không được đào tạo đúng nghĩa.

Một Cty khác cũng đào tạo diễn viên có tên Tây Nguyên được giới thiệu trụ sở ở quận 5. Đại diện của Cty này luôn biết khi nào các đoàn phim casting để tới giới thiệu diễn viên. “Họ đưa album các gương mặt để chúng tôi chọn lựa.

Tuy nhiên, sau vài lần thì không thể tin được, các gương mặt đều được xử lý qua photoshop…” – T.D, phó đạo diễn một đoàn phim nói.

Từ nhu cầu thực tế của xã hội, nhu cầu của những bạn trẻ mơ ước trở thành người nổi tiếng đã tạo nên một sự bùng phát đối với vấn đề đào tạo diễn viên. Trong khi chất lượng thực của đào tạo còn chưa thể đánh giá thì chất lượng ảo, những cơ sở, cá nhân lợi dụng danh nghĩa để thu lợi nhuận lại đang có xu hướng gia tăng.

Thực chất nếu không xuất sắc các đoàn làm phim sẽ không lấy người từ các cơ sở đào tạo, bởi vì không ai muốn vừa đào tạo lại vừa phải mang tiếng khi ký hợp đồng với diễn viên nhưng cátxê phải trả cho cơ sở, rất có khả năng bị kiện tụng…

Đã đến lúc cần xem lại hoạt động này, các cơ quan văn hóa cũng nên vào cuộc để kịp thời ngăn chặn những cơ sở đào tạo trá hình nhằm mục đích không trong sáng.

Theo nhóm PV
Sài gòn Giải phóng




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC