"Năm 1994, đĩa hát của nhóm Ca trù Thái Hà được báo Thế giới Âm nhạc (Le Monde de la Musique) gọi là chấn động âm nhạc.Ông Viện trưởng Âm nhạc Pháp gọi ca trù là một trong những đỉnh cao của âm nhạc nhân loại”
Những lời giới thiệu của Tiến sỹ Ca trù Nguyễn Xuân Diện khiến khán phòng ồ lên thích thú.
Đó là một khoảnh khắc ấn tượng trong buổi biểu diễn ca trù mang tên “Ca trù: Cuộc gặp gỡ của âm nhạc và thi ca”, diễn ra tại Trung tâm Văn hoá Pháp L"Espace, 24 Tràng Tiền, tối qua 10/3. Chương trình do đại sứ quán Pháp tại Hà Nội tổ chức.
Ngồi bệt xem ca trù vì không còn chỗ
Nghệ thuật ca trù tưởng chừng không còn nhiều hấp dẫn đối với khán giả ngày nay, nhưng không khí của đêm diễn lại mang đến cách nhìn khác. Còn đông hơn buổi biểu diễn của ca sỹ, nhạc sỹ trẻ Lê Cát Trọng Lý tại khán phòng này trước đó, đêm diễn đặc biệt của nhóm ca trù Thái Hà đã không chỉ có những khán giả đứng vì không đủ ghế ngồi, mà nhiều người còn phải ngồi bệt dọc 2 bên lối đi.
Khán phòng 250 chỗ ngồi của L’Espace dường như quá chật so với nhu cầu thưởng thức của khán giả. Dù nhu cầu đến từ nhiều lý do (say mê, tò mò, trào lưu…) thì con số khán giả tới với đêm diễn cũng là một thực tế tích cực với những người tổ chức và biểu diễn. Trong số những khán giả tới với đêm diễn, có rất nhiều nhân sỹ, trí thức nổi tiếng như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, dịch giả Dương Tường… nhiều văn nghệ sỹ và không ít khán giả trẻ tuổi.
Tấm poster giới thiệu đêm diễn in hình 4 ca nương rất trẻ trong trang phục áo the khăn xếp của thủa những thế kỷ trước. Đây được cho là bức ảnh tư liệu lâu đời nhất (chụp năm 1884) về ca trù còn giữ được.
Bản giới thiệu chương trình nhấn mạnh, ca trù là một di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam. “Ca trù làm người ta nhớ tới những tao nhân mặc khách với lối chơi ngông, chơi sang, rất tinh tế và giàu cá tính sáng tạo của những danh nhân như: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà...
Và cùng với đó là mối quan hệ giữa văn nhân (nhà thơ, nhà báo, họa sĩ) với ả đào - mối quan hệ quan trọng nhất của lối thưởng thức ca trù. Bởi quá trình tham gia sinh hoạt ca trù là quá trình văn nhân sáng tạo, thể nghiệm và thưởng thức các tác phẩm của mình”.
7 đời giữ niềm yêu với ca trù
Dẫn chương trình trong đêm diễn là Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu và làm luận án tiến sỹ về ca trù. Bản luận án đó là một trong những tài liệu trong bộ hồ sơ Ca trù để đệ trình lên UNESCO trong đợt xét tuyển năm ngoái.
Bằng phong cách và những lời giới thiệu mặc dù hơi điệu đà nhưng giàu thông tin, anh đã giúp khán giả hiểu thêm nhiều về lịch sử ca trù, cách thưởng thức…
Dù không hiểu nhiều về ca trù, nhưng không khí đêm diễn, những làn điệu nhiều cảm xúc và những thông tin thú vị về loại hình nghệ thuật này khiến tôi bị hấp dẫn trong hầu hết thời gian của chương trình. Cái cảm xúc rung động và hiếm hoi gặp lại kể từ khi bị ấn tượng bởi trường đoạn thể hiện ca trù xuất thần của diễn viên Thuý Nga trong phim “Mê Thảo, thời vang bóng” (đạo diễn Việt Linh).
Nhóm ca trù Thái Hà đã từng mang ca trù đi biểu diễn ở rất nhiều nước trên thế giới |
Đêm diễn kéo dài 2 tiếng đồng hồ với 6 bài ca trù, đều do các nhạc công và ca nương của nhóm ca trù Thái Hà biểu diễn.
Nhóm Ca trù Thái Hà thuộc một gia đình có truyền thống đáng ngạc nhiên với... 7 đời gìn giữ nghệ thuật ca trù với nhiều danh ca danh cầm sáng giá trong từng giai đoạn lịch sử của loại hình nghệ thuật này. Niềm yêu ca trù được truyền từ đời này sang đời khác, và lưu giữ qua từng ấy thế hệ.
Theo giới thiệu, nhóm ca trù Thái Hà đã mang ca trù đi biểu diễn ở rất nhiều nước trên thế giới trong 10 năm qua: Anh, Pháp, Thuỵ Sĩ, Bỉ, Hà Lan, Nhật... Chương trình biểu diễn của nhóm cũng đã từng được truyền hình trực tiếp trên kênh kênh BBC (Anh) và AFP (Pháp).
Cũng chính phần biểu diễn của nhóm ca trù này là tư liệu đóng góp vào bộ hồ sơ ca trù của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Sự kỹ thuật và tinh tế trong cách đưa hơi, nhả chữ… của các ca nương Thu Thảo, Kiều Anh, Thuý Hoà… và nghệ sỹ nổi tiếng Thanh Hoài với những điệu hát nói “Hồng hồng tuyết tuyết”, “Gửi thư”, đặc biệt là làn điệu “36 giọng” lời cổ được coi là làn điệu khó nhất của ca trù và điệu “Tỳ Bà hành” nổi tiếng của Bạch Cư Dị... tin rằng, sẽ còn quyến rũ thêm nhiều người ngoại đạo với ca trù, giống tôi...
Một vài hình ảnh trong đêm diễn ca trù đặc biệt:
Khán phòng L"Espace đông kín người tới thưởng thức ca trù |
Các nhạc công, ca nương chào khán giả cuối buổi diễn |
Nhiều khách hâm mộ ca trù chụp ảnh với các ca nương sau đêm diễn |
Theo VNE.