Chơi cổ vật... trong tù mù!Năm 2000, khi Luật Di sản văn hóa ra đời đã mở rộng cửa cho các nhà sưu tập cổ vật tư nhân. Các hội sưu tầm cổ vật cũng vì thế mà hình thành, chỉ riêng, ở phía Bắc cũng đã có cả thảy 5 hội, cùng một số bảo tàng tư nhân.

Tuy nhiên, khi nói về sân chơi cổ vật, người ta vẫn dùng khái niệm “tù mù”. Tù mù trong việc mua bán đổi chác. Tù mù trong việc định giá. Và cả tù mù trong việc xác định niên đại....

“Sân chơi” đã mở rộng

Năm 1999, khi Luật Di sản văn hóa chưa ra đời, ở Hà Nội các sưu tập tư nhân đã cùng nhau thành lập Hội Sưu tầm gốm và cổ vật Thăng Long (nay đổi tên là Hội Cổ vật Thăng Long - Hà Nội). Tiếp đến là sự ra đời của Hội Cổ vật Thiên Trường - Nam Định rồi Hội Cổ vật Thanh Hoa của Thanh Hóa. Đến năm 2009, lại có thêm hai hội nữa ra đời là Hội Cổ vật Hải Phòng và Hội Cổ vật Kinh Bắc - Bắc Ninh...

Thông qua các cuộc triển lãm cổ vật tư nhân, các hoạt động hiến tặng cổ vật cho các bảo tàng đã diễn ra trên khắp các tỉnh, thành. Dù chất lượng cổ vật xuất hiện trong các cuộc triển lãm còn gây nhiều bàn cãi, dù không phải cổ vật nào do tư nhân hiến tặng, bảo tàng cũng có thể dễ dàng bày ra để khách tham quan thưởng lãm. Nhưng dù sao những việc làm này cũng đáng cổ vũ. Cũng chính vì những hoạt động này, tiếng tăm của các hội cổ vật đã và đang được ghi nhận. Gần đây, cũng đã có một số hội viên lặn lội sang các chợ đấu giá cổ vật ở khu vực Đông Nam Á, rồi châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc để                mua, mang về nước...

Sao vẫn còn nghi ngại?

Năm 2004, Cục Di sản văn hóa - Bộ VH-TT&DL ban hành Thông tư Hướng dẫn trình tự thủ tục đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Việc đăng ký này được cho là “tiện cả đôi đường”. Tức là, các cơ quan quản lý biết được cổ vật Việt Nam đang có những gì. Các sưu tập tư nhân cũng được giám định miễn phí, được cấp giấy chứng nhận, và như thế, món đồ họ đang sở hữu đó sẽ có giá hơn rất nhiều. Bản thân việc đăng ký, giám định cổ vật sẽ góp phần phân loại những người chơi.

Thế nhưng không phải nhà sưu tập nào cũng mặn mà, dù theo tinh thần thông tư, việc giám định hoàn toàn miễn phí. Mãi đến năm 2006, tức là sau 2 năm thông tư ra đời, việc đăng ký này mới được Bảo tàng Hà Nội thực hiện dưới dạng... thử nghiệm. Những người trong giới sưu tập cổ vật, và cả những nhà quản lý đều biết quá rõ, vì sao có sự thờ ơ này. Đó là sự rắc rối trong thủ tục hành chính, từ phía các cơ quan tiếp nhận đăng ký. Nhưng cũng có nhiều nguyên nhân, xuất phát từ bản thân các sưu tập. Sự thờ ơ, cũng một phần do tâm lý e ngại từ quá khứ, sợ sau khi đăng ký kê khai việc mua bán trao đổi trở nên phức tạp hơn.

Một nguyên nhân nữa, khiến nhiều người e ngại, đó là những chuyên gia đủ tài để có thể đưa ra những kết luận chính xác về niên đại, tính quý hiếm, sự tinh tế trong quá trình tạo tác... hiện chỉ có vài người. Có rất nhiều người chơi cổ vật ở trong nước không hề biết rằng, Bộ VH-TT&DL cũng có một Hội đồng giám định cổ vật. Những hội đồng này chỉ đủ thời gian để xem xét và giám định các cổ vật thuộc sở hữu Nhà nước, hay “Bảo vật quốc gia” mà thôi.

Mang giá trị thực đến với “sân chơi”

Mới đây, Hội Cổ vật Thăng Long - Hà Nội đã bước một bước mạnh bạo, đó là thành lập hẳn một Hội đồng tư vấn và giám định cổ vật nhằm phục vụ việc giám định cho những người có nhu cầu, trên tinh thần tự nguyện. Hội đồng này gồm 7 người, trong giới nghiên cứu lịch sử và chơi cổ vật, ai cũng biết tiếng cả. Qua 6 tháng thử nghiệm, Hội đồng đã giám định cho 18 sưu tập tư nhân ở Hà Nội, Nam Định, Bình Định và Ninh Bình.

Sau khi được các thành viên Hội đồng thống nhất về niên đại, tính độc bản, tính quý hiếm, tính thẩm mỹ... mỗi cổ vật sẽ được tóm tắt lý lịch và cấp giấy chứng nhận. Theo ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hội Cổ vật Thăng Long, một khi cổ vật đã có giấy xác nhận thực trạng của Hội đồng, bằng kết quả giám định, những người chơi có thể biết được chính xác giá trị cổ vật mà mình đang sở hữu, món nào quý, món nào không để... rút kinh nghiệm trong các cuộc chơi tiếp theo. Ông Đào Phan Long cũng không giấu giếm mong ước, đây sẽ là bước đi đầu tiên cho hoạt động đấu giá cổ vật ra đời.

Việc cổ vật Việt vẫn chưa được thế giới tôn vinh đúng với giá trị thực, phần nào cũng là do sự thiếu chuyên nghiệp trong các hoạt động mua bán, sưu tầm và bảo tồn. Đã đến lúc, người chơi cổ vật cần phải thay đổi thói quen “rỉ tai” khi mua bán. Di sản văn hóa dân tộc cùng với đó vì thế được bảo tồn và lưu giữ.

Theo ANTD.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC