Đến Hà Giang tham quan Dinh thự họ VươngĐường lên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) bây giờ đã khác xưa nhiều lắm.

Dẫu vậy, khoảng 120 km từ Thị xã Hà Giang ngược cực Bắc đến Dinh thự họ Vương ở thung lũng Sà Phìn, huyện Đồng Văn, du khách vẫn được thưởng ngoạn một cung đường xuyên mây, cheo leo trên sườn núi đá, có nơi đường bám vào vách đá, một bên là vực sâu hàng trăm mét. Đích thực, đây là con đường đẹp và mạo hiểm nhất nước ta.

Dinh thự họ Vương là của dòng họ Vương Chính Đức. Thời Pháp, ông Đức làm chánh tổng, rồi kết hợp với uy tín, dòng họ vương 4 đời cai quản cao nguyên đá Đồng Văn, bao gồm 4 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh ngày nay. Vùng Cao nguyên đá xưa cơ bản là người Mông (Mèo), dân gian quen gọi Vương Chính Đức là vua Mèo. Đến đời vua Vương Chí Sình được Bác Hồ cảm hóa, mời vào Đại biểu Quốc hội, đổi tên là Vương Chí Thành.

Dinh thự họ Vương là một công trình kiến trúc tinh xảo theo phong cách nhà Thanh (Trung Quốc). Công trình nằm trên một đỉnh thấp, thoai thoải như hình mai rùa nổi lên giữa thung lũng. Phía trước là hai quả núi tròn, ví như hai mâm xôi, phía sau và hai bên là những dãy núi đá đan dày như tường thành, chót vót lẩn khuất trong mây. Chuyện kể lại, Vương Chính Đức đã tốn nhiều công sức đi tìm được thung lũng này để dựng dinh thự.

Tổng thể dinh thự họ Vương không lớn lắm, khoảng 1.200 mét vuông mặt bằng kiến trúc. Xung quanh là tường bao bằng chất liệu đá xanh, dày 60-80 cm, cao khảng 2,5-3 mét. Toàn bộ khu dinh gồm khoảng 13 hạng mục chính như: Tiền dinh, trung dinh, hậu dinh, lô cốt, bể nước, chuồng ngựa… Chất liệu kiến trúc chính ngoài đá là các loại gỗ quý. Khu dinh thự này được các tay thợ giỏi của Trung Quốc và người Mông làm trong 8 năm.

Đáng chú ý là trước cửa, bên ngoài, phía trái của dinh có 2 ngôi mộ, một là của mẹ Vương Chí Sình, hai là của Vương Chí Sình, xây dựng bằng đá, ở ngôi mộ mẹ Vương Chí Sình, hoa văn vô cùng tinh luyện.

Giữa một vùng cao nguyên đá chưa hết cảm giác hoang lạnh, bước chân vào dinh thự họ Vương như một thế giới khác-một thế giới của quyền uy và nghệ thuật kiến trúc gỗ, đá tài hoa. Tiếc rằng, dinh thự này chưa được khai thác tốt. Đầu những năm 1990 dinh thự đã được sửa chữa ngót 8 tỉ đồng, mô phỏng theo gốc xưa, nhưng khách thăm vẫn dễ nhận ra những “cái mới”, nhưng khoảng trống-khoảng cách nghệ thuật so với nguyên gốc. Tình trạng cỏ leo bèo lấp cả trong và ngoài dinh cũng tấu lên một nốt nhạc trầm buồn giữa thăm thẳm đá và gió lạnh.

Theo TTDL.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC