"Điện ảnh VN hội nhập quốc tế": Đành hy vọng vào ngày maiCâu chuyện hội nhập được đặt ra với điện ảnh Việt lúc này là cần thiết.

Nhưng trước hết chúng ta cũng nên nghĩ tới câu “trong nhà chưa vững đã lững thững ra đường”. Khi mà nền điện ảnh nước nhà cho đến giờ vẫn chỉ  trông vào một mùa phim Tết với vài phim đếm trên đầu ngón tay, chúng ta sẽ lấy gì để hội nhập quốc tế đây?

Đi nhiều, hiệu quả có bao nhiêu?

Trong vài năm gần đây khi nền kinh tế mở cửa, điện ảnh Việt cũng bắt đầu có những bước hội nhập với nền nghệ thuật thứ bảy của thế giới. Hàng năm chúng ta thấy rất nhiều phim của các đạo diễn Việt Nam đi chu du một vòng quanh các LHP quốc tế, lớn có, nhỏ có. Và trong những chuyến chu du ấy, không thiếu những giải thưởng được dành cho những phim này.

Được giải thì tất nhiên là mừng, mừng cho điện ảnh Việt Nam đã được bạn bè thế giới biết tới. Nhưng “tín hiệu đáng mừng” này cũng chỉ là những lạc quan nho nhỏ động viên tinh thần khán giả nước nhà thôi, chứ thực lòng chúng ta đều rõ ra quốc tế phim Việt đứng ở chiếu nào rồi.

Còn nhớ năm 2000, bộ phim ngắn Cuốc xe đêm của Bùi Thạc Chuyên đã giành giải Cinefondation Award tại LHP Cannes. Nhưng Cinefondation Award    chỉ là một hạng mục nằm ngoài hệ thống giải chính thức của LHP Cannes. Giải được dành cho những nhà làm phim trẻ, chủ yếu trao cho các nền điện ảnh thuộc các nước Á - Phi có tính chất động viên sự hội nhập của nhân tố mới.

Hay như Đời cát của Nguyễn Thanh Vân, đoạt giải tại LHP châu Á - Thái Bình Dương, Đừng đốt của Đặng Nhật Minh đoạt giải phim xuất sắc nhất do khán giả bình chọn tại LHP Fukuoka, rồi Trăng nơi đáy giếng chu du qua hàng loạt LHP quốc tế giành được cả một bộ sưu tập giải thưởng... Nhưng tựu chung lại chúng ta vẫn chưa tiến được vào các sân chơi lớn, chủ yếu những giải thưởng này đều được trao bởi các LHP mang tính khu vực, hoặc nhỏ bé và có vị trí rất khiêm tốn trên bản đồ điện ảnh thế giới.

Năm 2009, tác phẩm điện ảnh mới nhất của Bùi Thạc Chuyên là Chơi vơi lại có một tour “đi dạo” vòng quanh các LHP từ lớn đến bé như Venice, Toronto, Bangkok,... trước khi được công chiếu trong nước. Một lần nữa Chơi vơi của Bùi Thạc Chuyên có tên trong hạng mục Orizonnti dành cho những xu hướng mới trong điện ảnh thế giới tại LHP Venice 2009. Mặc dù sự kiện Chơi vơi xuất hiện tại Venice được đánh giá là “một sự hội nhập sâu hơn nữa của điện ảnh Việt Nam vào nền nghệ thuật thứ bảy của thế giới” nhưng đây cũng lại là một giải bên lề của LHP uy tín này.

Hàng năm cứ đến hẹn lại lên, các đạo diễn của ta lại mang phim đi trình chiếu ở các LHP. Mà đã đi thì hầu như chả mấy khi không được giải, bởi các đạo diễn của chúng ta luôn biết chọn đúng nơi mình cần đến. Nhưng chúng ta vẫn chỉ là những vị khách bé nhỏ, sau vài buổi chiếu miễn phí, sau vài cuộc giao lưu với khán giả nước sở tại, chúng ta lại ra về tay trắng. Bởi hầu như không có nước nào mua phim của ta.

20100315 02 36 07 0

Cái đích cuối cùng, quảng bá phim Việt để nền điện ảnh của ta hội nhập với quốc tế, như vậy là đổ bể. Không phát hành được phim ở nước ngoài, thì chúng ta đừng nói đến chuyện điện ảnh của ta như vậy là đã hội nhập với thế giới.

Khó tạo ấn tượng ở ngoài biên giới Việt

Trong buổi hội thảo “Điện ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế” vừa diễn ra chiều qua (13/3) có rất nhiều những khó khăn cần phải tháo gỡ được đưa ra. Càng nghe những tham luận này sẽ càng thấy, để giải quyết được những rào cản trong việc hội nhập quốc tế sẽ còn là một câu chuyện dài với điện ảnh Việt.Các hãng phim Nhà nước lẽ ra phải là chủ lực của nền điện ảnh nước nhà, lại đang chấp nhận cảnh sống thoi thóp suốt những năm qua. Chính sự thiếu năng động này của các hãng phim vốn thừa truyền thống và nhân lực này đã đẩy nền điện ảnh vốn đã èo uột lại càng èo uột hơn khi mỗi năm họ chỉ làm một, hai phim theo đơn đặt hàng của Nhà nước, rất khó ra rạp.

“Đầu” phim làm ra hàng năm thì ít. Phim do các hãng tư nhân sản xuất thì gần như không mấy phim được gọi là “điện ảnh” đúng nghĩa để đi quảng bá ở nước ngoài. Thêm nữa, dòng phim giải trí hiện đang chiếm lĩnh tại các rạp chiếu khắp nơi trên thế giới.

Chuyện sản xuất những siêu phẩm thì điện ảnh Việt Nam không thể làm vì... không có tiền và cũng chẳng có công nghệ lẫn con người. Làm phim nghệ thuật với kinh phí nhỏ để tranh giải là một hướng chúng ta đi xưa nay,

nhưng lại có cái khó là việc thể hiện bản sắc văn hoá Việt trong các phim Việt chưa đủ sức nặng như phim của các nước cùng khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc...

Do đó phim của ta sẽ rất khó để tạo được ấn tượng mạnh ở ngoài biên giới Việt. Con đường để điện ảnh Việt hội nhập quốc tế xem ra không dễ dàng có thể tìm ra trong một sớm một chiều.

Thực trạng là vậy, nhưng nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn vẫn muốn đặt niềm tin: “Chúng ta vẫn rất hy vọng vào ngày mai. Bởi năm nay là 2010, so với 10 năm trước, điện ảnh của chúng ta đã khác rất nhiều. Vậy 10 năm sau 2010, chúng ta sẽ còn khác hơn nữa, khác ở đây theo nghĩa tiến bộ hơn”.
 

Theo TTVH.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC