Du lịch Huế: Đi tìm giải pháp phát triển du lịch   "Du lịch Huế có một vị trí không thể thay thế trên bản đồ du lịch Việt Nam" - lời của ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam.

Nhưng tại sao ngành du lịch nơi đây mãi vẫn chưa tạo được hình ảnh du lịch tương xứng, không thể đạt được những chỉ số kinh doanh hợp lý so với tiềm năng du lịch to lớn…

CôngThương - Bắt đầu từ môi trường du lịch

Trên bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay có 40 đơn vị và chi nhánh hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực lữ hành. Trong đó có 24 đơn vị có chức năng kinh doanh lữ hành quốc tế, tăng 2 đơn vị so với năm 2008. Nhưng trên thực tế số lượng các công ty lữ hành nhỏ, lẻ không đủ chuẩn hoạt động tràn lan rất nhiều. Những doanh nghiệp này đua nhau “phá giá” tour đến mức những doanh nghiệp lớn phải “bó tay” bởi với mức giá đó, doanh nghiệp có thương hiệu sẽ lỗ và dĩ nhiên để “vớt vát” cho giá tour thấp thì chất lượng tour phục vụ du khách sẽ bị cắt xén triệt để từ điểm đến cho đến nơi lưu trú, ăn uống. Từ doanh nghiệp lữ hành, đến doanh nghiệp khách sạn cũng than thở: “Các khách sạn ở Huế đua nhau xây dựng trong khi lượng khách đến trong thời gian qua lại không đủ lấp chỗ trống của các phòng nên các khách sạn từ cao sao cho đến thấp sao đều đua nhau giảm giá”. – Bà Đặng Thị Anh Thư, đại diện khách sạn La Residence. Và để đi tìm giải pháp cho riêng mình, nhiều vấn đề cạnh tranh không lành mạnh đã diễn ra dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh du lịch của Huế thì nhiều nhưng doanh nghiệp thực sự có thương hiệu thì rất ít, không đảm bảo đủ uy tín để các hãng lữ hành lớn trên thế giới gửi khách đến.

Bà Hồng Nhung- Giám đốc Công ty Văn Hồng Travel Nghệ An- đã bức xúc bày tỏ tại hội nghị giao ban cụm du lịch các tỉnh miền Trung vừa được Tổng cục Du lịch tại Huế rằng: ở Huế đang diễn ra tình trạng du khách bị lừa rất nhiều, nhất là các trường hợp du khách muốn đi dạo ban đêm ở Huế nhiều lúc đã bị “lột sạch” tư trang. Điều này cũng nhận được sự đồng tình từ đại diện công ty cổ phần DMZ Huế. Bà Nhung cũng bày tỏ thêm : Đó là dịch vụ ca Huế trên sông Hương rất phân biệt khách quốc tế và khách nội địa. Nếu một đoàn khách quốc tế do Công ty bà đưa đến thì sẽ được phục vụ một chương trình ca Huế hoàn chỉnh, còn một đoàn khách nội địa thì sẽ chỉ được thưởng thức những bài ca Huế rời rạc, ít ỏi…Trong khi thực tế hiện nay thì thị trường du lịch nội địa đang rất hút khách.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường du lịch Huế đó chính là nhà vệ sinh tại các điểm tham quan di tích ở Huế. Đây là vấn đề tế nhị nhưng lại rất quan trọng trong việc thu hút du khách. Tiến sỹ Trần thị Mai - hiệu trưởng trường cao đẳng nghề du lịch Huế đã chỉ ra rằng nhiều đoàn du khách đến tham quan Huế do đích thân tiến sỹ dẫn đi đều phải ngỡ ngàng, than thở “tôi bị sốc” khi bước vào một nhà vệ sinh quá tệ.

 

Đến sản phẩm du lịch

 

Huế mạnh về du lịch văn hoá, đó là điều không thể bàn cãi. Nhưng vấn đề đặt ra đó chính là sự thiếu đồng bộ trong việc phát triển một sản phẩm văn hoá thành một sản phẩm phục vụ cho du lịch hoàn chỉnh dẫn đến những mâu thuẫn giữa ngành du lịch và ngành cung cấp sản phẩm văn hoá. Nhiều vấn đề bất cập khác được nêu ra đó là các ấn phẩm quảng bá còn kém, vấn đề quảng bá tại chỗ còn chưa được chú trọng. Bên cạnh đó “Huế rất ít điểm vui chơi cộng đồng để hút du khách đến tham gia sinh hoạt cũng như không có một trung tâm mua sắm sản phẩm làng nghề tập trung…”- Ông Trần Diên Nguyên, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Xanh Huế.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa thiên Huế có 285 cơ sở lưu trú trong đó có 154 khách sạn, 5.265 phòng, 10.016 giường. Trên địa bàn hiện tại cũng có khoảng 41 dự án đầu tư cở sở vật chất phát triển du lịch trong đó có 14 dự án đã khởi công và đang triển khai xây dựng. Nhưng nhìn chung, Huế vẫn đang nặng về đầu tư cơ sở lưu trú hơn là xây dựng sản phẩm điểm đến.

Ông Vũ Thế Bình – Vụ trưởng Vụ lữ hành Tổng cục du lịch Việt Nam đã đưa ra một so sánh ,trong năm 2009 đó là khách quốc tế đến Huế trong năm 2009 chỉ đạt trên 600.000 lượt trong khi chỉ một thị xã nhỏ của Quảng Nam là Hội An lại đón được 780.000 lượt khách quốc tế trong năm 2009. Dĩ nhiên chúng ta phải xét đến môi trường du lịch Hội An có những thuận lợi nhất định với những dãy phố cổ nối tiếp nhau và cách đó không xa lại là những bờ biển phẳng lặng, trong xanh vì thế du lịch văn hoá và du lịch biển ở thị xã này phát triển đan xen một cách hài hoà. Tuy nhiên đó vẫn là một so sánh nhỏ mà ngành du lịch Huế phải nhìn nhận để xem xét.

Nếu nhìn vào các chỉ số phát triển của Thừa Thiên Huế so với các tỉnh lân cận như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang thì quả đó là những con số quá khiêm tốn so với bề dày được xác định là một trong những tỉnh thành phát triển du lịch đầu tiên của cả nước. Tuy nhiên “Huế vẫn luôn là một vị trí không thể thay thế trên bản đồ du lịch Việt Nam” - lời của ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam. Vì vậy để giữ hình ảnh thương hiệu cho Huế du lịch Huế cần có cần có định hướng, giải pháp phát triển từ phân khúc thị trường, đầu tư cho các sản phẩm du lịch cho đến các quy hoạch phát triển đô thị, phát triển kinh tế xã hội phải gắn với quy hoạch phát triển du lịch để không phá vỡ cảnh quan môi trường du lịch, làm tổn hại đến hình ảnh du lịch vốn có của vùng đất cố đô…góp phần đưa ngành du lịch Thừa Thiên Huế đạt được những biến chuyển hợp lý trong thời gian đến.

Thanh Tùng.



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC