Duyên tranh gốmGiữa mênh mông những sành sứ men màu lóng lánh của chợ gốm Bát Tràng, Hà Nội, tranh gốm níu mắt người bởi một tông màu hồn nhiên khác hẳn.

Làng Bát Tràng đã quen với tranh sứ từ lâu. Những tấm cao lanh được vẽ màu, phơi khô, tráng men, rồi sau khi ra lò là một sản phẩm hoàn chỉnh.

Khác với tranh sứ, công đoạn đồ hình nổi rồi đồ màu trên tranh gốm thiên về kĩ năng gọt tỉa đất và hội họa trên đất, đòi hỏi tay nghề và sự tinh tế của thợ tranh gốm. Do vậy, thợ tranh gốm phải vừa có một ít khiếu hội họa vừa có chút khiếu điêu khắc lại phải vừa là một thợ gốm khéo léo với những quy tắc nung, sấy, dỡ.

Anh Phạm Văn Luận (34 tuổi) chủ xưởng tranh gốm Hương Luận có thâm niên làm tranh gốm gần 20 năm nay. Anh nói hơn hai chục năm trước, Bát Tràng chưa có tranh gốm, mình thường tự mày mò, làm ra một sản phẩm lạ mắt thỏa mãn tính sáng tạo của mình. Một thời gian sau tranh gốm dần tìm được thị trường thì Bát Tràng bắt đầu có nhiều người mở rộng sang gốm mỹ nghệ.

Đồ làm từ gốm vốn bắt đầu là hòn đất, vuốt, miết, xoay mà thành. Dần về sau, đáp ứng thị hiếu và thẩm mĩ, không chỉ còn những cái lu bình trơn tuột nữa. Người ta đồ nổi hoa sen, hoa cúc, thiếu nữ, lợn âm dương … lên thân bình, cách điệu miệng bình, quai bình... Gốm đã mang trong mình linh hồn mới.

Và giờ đây là tranh gốm

Tranh gốm làng Bát Tràng chủ yếu phỏng theo những đề tài quen thuộc trong dòng tranh dân gian, hứng dừa, chợ quê, vinh quy bái tổ, phố cổ, ngày mùa, thiếu nữ tắm đêm...

Màu của đất được lửa giữ lại, làm nền, là màu đất nung đỏ gạch. Vốn làm từ chất liệu mộc, màu sắc cũng mộc, nét đồ hình lại càng mộc, càng hấp dẫn. Nhịp điệu của đất, nước, lửa hồn nhiên và mạnh bạo đã làm nên tranh gốm, như gói trọn một nền văn hóa thôn dã lâu đời.

Chị Thủy, xưởng tranh gốm Hoan Thủy đang vào lò mẻ tranh gốm theo đơn đặt hàng của New Zealand. Sau 3 hôm nữa là có thể cho ra lò mẻ gốm khoảng 300 tranh cỡ vừa (30x30 cm). Xưởng gốm của gia đình chị trước kia còn làm đồ sứ như các gia đình khác trong làng, song gần chục năm đổ lại đây, chị chỉ còn chuyên làm tranh gốm.

Chị cho biết khách nước ngoài đến chơi Bát Tràng có thể mua những tranh có chủ đề dân gian Việt Nam, thôn dã làm quà kỉ niệm. Song đặt hàng để bán, thì họ thường thiên về những dòng tranh trừu tượng, thế nên cũng đòi hỏi ở người thợ gốm thêm một chút tài hoa và biểu cảm hồn gốm hơn nữa.

Tranh gốm khổ lớn làm theo đơn đặt hàng cũng không còn là điều xa lạ với các xưởng tranh gốm Bát Tràng. Do đặc điểm có thể khắc phục vài nhược điểm nhỏ và ghép lại sau khi nung, và nhất là đặc trưng mộc mạc, tranh gốm khổ lớn chiếm ưu thế hơn tranh sứ.

Xưởng tranh Hương Luận đang thực hiện một bức tranh 3x1,8 m cho cổng chào tỉnh Hà Giang. Nhiều xưởng tranh cho biết họ vẫn nhận được những đặt hàng tranh kích thước tới 5m cho những công trình lớn.

Đi qua vài xưởng gốm, những người chủ đều nói tranh gốm Bát Tràng ngày một có vị trí ổn định. Trong và sau khủng hoảng kinh tế và giá nhiên liệu ngày một đắt đỏ, đơn đặt hàng tranh gốm vẫn đều đặn tăng lên và lương của người thợ vẫn ổn định được sinh hoạt hàng ngày. Duyên tranh gốm Bát Tràng đã níu hồn khách thập phương.

Thu Hà.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC