Đám đông người hâm mộ tụ tập trước cổng một hội đồng thi ở phường Jangji, quận Songpa, thủ đô Seoul hôm 14-11 - Ảnh: YONHAP
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin hôm 17-11, nhiều người hâm mộ đã “bám đuôi” một thần tượng K-pop đến tận hội đồng thi ở phường Jangji, quận Songpa, thủ đô Seoul, khi thần tượng này tham gia bài kiểm tra năng lực học thuật đại học (CSAT) hay kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2025 hôm 14-11.
Cũng theo Yonhap, thần tượng này đến từ một nhóm nhạc sáu thành viên trực thuộc một công ty giải trí lớn trong làng giải trí xứ Hàn.
Tuy nhiên, hãng thông tấn này không nêu rõ danh tính của thần tượng này.
Thông qua những bức ảnh và các đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội xứ Hàn, hàng chục người hâm mộ tụ tập trước cổng hội đồng thi, giơ máy ảnh chụp liên tục với đèn flash và la hét gọi tên khi thần tượng này đến trường thi.
Thậm chí, một nguồn thạo tin của Yonhap tiết lộ một số người hâm mộ đã lén theo chân thần tượng vào tận bên trong hội đồng thi - nơi chỉ những thí sinh có phiếu báo danh mới được vào.
Các cảnh sát địa phương đã phải vào cuộc để giải quyết tình hình, đảm bảo an ninh trật tự cho các sĩ tử khác có thể yên tâm hoàn thành bài thi quan trọng nhất trong cuộc đời.
Cảnh tượng hỗn loạn tiếp tục lặp lại khi thần tượng này làm xong bài thi và ra về.
Một vụ tranh cãi dẫn đến xô xát đã bùng phát khi các quản lý và nhân viên an ninh của thần tượng này cố ngăn đám đông người hâm mộ cuồng nhiệt để người này có thể di chuyển ra ô tô.
Phía công ty quản lý của thần tượng này cũng xác nhận vụ việc nêu trên.
Đồng thời họ cho biết thêm đám đông có mặt ở trước trường thi không chỉ có người hâm mộ, mà còn có những người chuyên theo dõi lịch trình của thần tượng K-pop, bám theo thần tượng mọi lúc mọi nơi để chụp ảnh, quay video chất lượng cao “hiếm có khó tìm” và bán lại.
Đây không phải lần đầu
Đây không phải lần đầu tiên những người hâm mộ cực đoan cố chấp bám theo thần tượng, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh công cộng.
Rất nhiều người hâm mộ vẫn thường xếp hàng dài “chầu chực” ở sân bay quốc tế Incheon để được tận mắt, sờ tận tay khi các thần tượng có lịch biểu diễn ở nước ngoài hoặc khi các thần tượng vừa đi lưu diễn ở nước ngoài trở về.
Những tiếng hò reo, những ánh đèn flash và những tranh cãi nảy lửa để có thể chụp được những bức ảnh đẹp nhất của thần tượng khiến nhiều hành khách khác khó chịu.
Sự tiếp tay đến từ các công ty chủ quản
Ông Lim Myeong Ho, giáo sư tâm lý học Đại học Dankook, cho biết chính nỗi ám ảnh về kho ảnh chất lượng ngày càng khan hiếm trong khi những hình ảnh giả mạo, chất lượng thấp tràn lan đã thúc đẩy các “fan cuồng” càng cố gắng đeo bám thần tượng để săn ảnh độc quyền.
“Ai cũng muốn sở hữu những bức ảnh ‘độc nhất vô nhị’ của thần tượng mà thôi”, giáo sư Lim nói rõ.
Có ý kiến cho rằng chính các công ty chủ quản của những thần tượng đang cố tình làm ngơ hiện trạng này để gây chú ý, bởi những thứ có khó tìm sẽ càng có giá trị. Từ đó mang lại lợi ích cho các công ty.
Giáo sư Trường Văn hóa xã hội thuộc Đại học Jungwon Kim Heon Sik nhận định việc tiếp xúc với công chúng là rất quan trọng đối với các nhóm nhạc thần tượng, nên nhiều công ty giải trí cố tình xếp các lịch trình bí mật để kích thích sự tò mò của người hâm mộ.
“Và điều này là đi ngược với những hình ảnh, ảnh hưởng tốt đẹp mà văn hóa K-pop vốn có”, giáo sư Kim giải thích.
“Các thần tượng và công ty quản lý của họ phải đưa ra những thông điệp mạnh mẽ phản đối hiện trạng lệch lạc của những người hâm mộ cực đoan như vậy”, nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Seong Soo bày tỏ ý kiến của mình về hiện tượng “đáng xấu hổ” này.
UYÊN PHƯƠNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online