Hào khí Ba Tơ Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra vào ngày 11/3/1945 là một trong những dấu mốc quan trọng của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc...

Nhiều năm đã trôi qua, song tinh thần của cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ vẫn là ngọn đuốc soi đường, là niềm tự hào để các thế hệ hôm nay tiếp bước.     
Cách đây 65 năm, ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngày 11/3/1945, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, tù chính trị cùng đồng bào các dân tộc với giáo, mác đã vùng lên đánh chiếm Nha kiểm lý, đồn Ba Tơ, giành chính quyền và thành lập đội du kích cứu quốc Ba Tơ.

Thời gian trôi qua, cuộc sống đã nhiều thay đổi, song với những người đã từng sống, hòa mình  trong cuộc khởi nghĩa năm ấy, thì ký ức về một thời hào hùng vẫn còn nguyên vẹn.

Ông Phạm Văn Tên, thôn Nước Da, Ba vinh, Ba Tơ (Quảng Ngãi) nhớ lại: “Hồi đó rất khó khăn, nhưng du kích Ba Tơ cướp chính quyền, mừng lắm... Trong khi khởi nghĩa, từ già đến trẻ một lòng đoàn kết với nhau...”

Tinh thần cách mạng triệt để và sức mạnh đoàn kết của đồng bào các dân tộc anh em là cội nguồn của thắng lợi. Cuộc khởi nghĩa thành công, Đội du kích cứu quốc Ba Tơ ra đời - đây là lực lượng vũ trang thoát ly đầu tiên ở khu vực Trung Trung bộ, sau này trở thành lực lượng nòng cốt cho phong trào kháng Nhật cứu nước trong Cách mạng tháng Tám và là tiền thân của lực lượng vũ trang Liên khu 5...

Phát huy truyền thống đó, sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây luôn nỗ lực phấn đấu, tiếp tục giành được nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng quê hương.

Ông Trần Trung Chính, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi cho biết: “Trong chiến tranh được tặng danh hiệu AHLLVTND, trong hòa bình được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Tự hào bao nhiêu càng thấy trách nhiệm bấy nhiêu, vì so với yêu cầu, chúng tôi cần phấn đấu nhiều, đảm bảo quan tâm đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vì họ đã chịu nhiều hy sinh, một lòng theo Đảng, phải đưa cuộc sống của họ từng bước cải thiện”.

Từ huyện miền núi nghèo, nay kinh tế xã hội ở Ba Tơ đã nhiều khởi sắc. Toàn huyện chỉ còn 25% hộ nghèo, an ninh lương thực được đảm bảo. Con em đồng bào các dân tộc thiểu số được đến trường, được học nghề, tạo việc làm và luôn tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương.

Chị Phạm Thị Séc, dtộc H’re, nhân viên Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ nói: “Là nhân viên bảo tàng, em rất tự hào làm việc ở đây, gìn giữ những di sản mà cha ông để lại và em rất tự hào về điều đó”.

TH.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC