Người đàn bà Huế trong "Trăng nơi đáy giếng" cuối cùng đã phải nói...giọng Nam vì đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn không thể tìm ra ai hơn Hồng Ánh.
Cô gái điếm miền Tây trong "Cánh đồng bất tận" sau nhiều phương án cuối cùng dừng lại ở một chất giọng Bắc: Đỗ Hải Yến.
Nhân vật "lạc giọng" - phần nào cho thấy: Dù hai chữ "castinh" đã trở nên quen thuộc với điện ảnh Việt Nam, dù hiện tượng ca sĩ, người mẫu...đá lấn sân sang điện ảnh ngày càng phổ biến (đến mức có bài báo giật tít: "Phim Việt hay live show ca nhạc"), thì việc "đãi cát tìm diễn viên" vẫn là một câu chuyện dài mà trong đó, người "lạc giọng" có khi lại chính là...đạo diễn.
Casting thời...Internet
Vai trò của các chuyên gia tuyển vai (casting) tại các nền điện ảnh lớn, đặc biệt là Hollywood đặc biệt quan trọng. Vị trí của họ được đặt ngang với quay phim, thậm chí là đạo diễn và nhà sản xuất. Nếu để ý, bạn sẽ dễ dàng nhận ra dòng chữ "Casting by..." xuất hiện ở hầu hết các bộ phim lớn bởi họ là những "kẻ đánh hơi", tìm ra những gương mặt phù hợp cho từng vai diễn, dù là những ngôi sao hạng A hay những gương mặt bình thường chưa từng bước lên màn ảnh.
Ở Việt Nam, trong vài năm gần đây, mặc dù hai chữ casting đã trở nên quen thuộc hơn với sự xuất hiện của các công ty chuyên tuyển vai thuê nhưng để tìm kiếm từ đây một "phát hiện để đời" thì quả thật, chưa có. Làn sóng xã hội hóa truyền hình với số lượng phim được sản xuất ở mức độ chóng mặt - đó chính là mảnh đất màu mỡ để các công ty casting phát triển, và ít nhiều đã giúp giảm tải được phần nào gánh nặng cho các nhà sản xuất và đạo diễn. Tuy nhiên "quyền sinh quyền sát" lại không phải thuộc về các chuyên gia casting này mà là đạo diễn và cao hơn, là nhà sản xuất.
Giới làm phim hay nói đùa, mà cũng rất...thật rằng đạo diễn là "vua", là "bố", là người nắm "quyền sinh quyền sát" trong tay. Ông nào khó tính thì cứng đầu chọn cho kỳ được diễn viên hợp vai. Còn thì thích cho ai vào vai nào thì cho, có khi chỉ vì những mối quan hệ quen biết, "vì nể" ai đó, hay chỉ vì anh ca sĩ này xinh trai, cô người mẫu kia "hot" mà mời vô phim để câu khách,chẳng cần tổ chức casting cho mệt. Làm phim thời "fast-food", sức ép thời gian và tiến độ ngày càng tăng, tiền thì chỉ có "bi nhiêu", chuyện bỏ nhiều tháng trời lặn lội hết tỉnh này đến thành phố kia để tìm một diễn viên phù hợp với vai diễn gần như là chuyện không tưởng.
Lý do vì trong guồng máy sản xuất phim, thời gian còn qúy hơn cả vàng, hơn cả tiền và thời gian thì cũng là tiền. Do đó, người ta lập kế hoạch cho từng công đoạn rất sát sao, không để một khâu nào chậm trễ ảnh hưởng đến tiến độ của khâu khác. Điều đó đòi hỏi đạo diễn phải tìm cho xong diễn viên trong một thời gian nhất định, nếu không thì chỉ có cách là giải tán đoàn phim hoặc cho đoàn phim tạm nghỉ.
Với sự giúp đỡ của các công ty casting và mạng internet, việc chọn diễn viên hiện nay với các đạo diễn có vẻ dễ dàng hơn trước đây, được chuyên môn hóa, hiện đại hóa rất nhiều so với trước. Sự xuất hiện các công ty casting là kết quả tất yếu của xu hướng làm phim hiện nay.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh thú thực rằng nếu không có Internet và công ty casting thì ông khó lòng chọn được 7 diễn viên người Mỹ cho phim "Đừng đốt". Ngồi ở Việt Nam, qua màn hình máy tính, hàng ngày ông vẫn có thể theo dỗi việc tuyển chọn diễn viên cách xa hơn nửa vòng trái đất, kể cả việc chọn bối cảnh để quay. Nếu không có internet thì trước khi quay, chắc chắn đạo diễn sẽ phải sang Mỹ để giám sát tất cả các công việc này. Dĩ nhiên đây là trường hợp cá biệt.
Thông thường thì việc chọn diễn viên phải được thực hiện trực tiếp trước ống kính (máy ảnh, máy quay) với sự quan sát của đạo diễn, người có tiếng nói quyết định cuối cùng. Trong công đoạn này không gì thay thế được sự giao lưu, tiếp xúc trực tiếp giữa đạo diễn và diễn viên.
Hành trình đưa những gương mặt mới ra ánh sáng
Đạo diễn Đặng Nhật Minh được biết đến với nhiều bộ phim đã xếp vào hàng kinh điển của điện ảnh Việt Nam và rất nhiều diễn viên trong phim của ông gần như sinh ra là để dành cho vai diễn ấy, như Minh Châu trong "Cô gái trên sông", Lê Vân trong "Bao giờ cho đến tháng 10", Thúy Hường, Tạ Ngọc Bảo trong "Thương nhớ đồng quê", Bùi Bài Bình và Lan Hương trong "Mùa ổi"...
Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng nổi tiếng khó tính với việc chọn diễn viên. Mỗi một phim ông đều cố gắng tìm ra một gương mặt mới và ít khi mời lại lần thứ hai trong một bộ phim khác. Việc chọn diễn viên Minh Hương vào vai liệt sỹ Đặng Thùy Trâm trong phim "Đừng đốt" cũng là một trong số đó. Trong khi chọn diễn viên cho bộ phim này ông cũng mời một vài diễn viên có tên tuổi đến quay thử nhưng cuối cùng Minh Hương đã được chấm vì cô đáp ứng được những tiêu chí được đặt ra ngay từ đầu.
Điện ảnh Việt Nam chưa có dnah xưng nào cho những chuyên gia tuyển vai nhưng thực tế đã có những nhà làm phim có tài và có duyên trong việc phát hiện ra những gương mặt mới, biết tìm những gương mặt phù hợp cho từng vai diễn. Cái tên số 1 cần nhắc đến là Nhuệ Giang. Chị chính là người đã tìm ra Thuý Hường, Tạ Ngọc Bảo cho "Thương nhớ đồng quê" của đạo diễn Đặng Nhật Minh và cũng chính là người đã đưa Lan Hà "ra ánh sáng".
Nhuệ Giang gặp Lan Hà tại Huế khi đang tìm diễn viên cho phim "Đời cát" của chồng, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân. Cô bé Gianh ngày nào trong "Đời cát" sau này tiếp tục xuất hiện trong bộ phim "Trái tim bé bỏng" do chồng chị đạo diễn, bộ phim đã mang về cho Lan Hà giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất Cánh diều vàng 2008 và giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại LHP VN lần thứ 16.
Cô bé Lan Hà trước khi bước vào "Đời cát" còn chưa biết phim ảnh là gì nhưng Nhuệ Giang đã nhìn thấy khả năng diễn xuất tiềm ẩn của Lan Hà và quyết định chọn em. Cũng chính chị và đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã làm thay đổi cuộc đời của chị Trần Thị Bé khi mời người phụ nữ ctụ chân ở Quảng Trị ấy vào vai Hảo trong "Đời cát".
Một nhân vật dường như bước từ màn ảnh ra cuộc đời và một con người dường như tồn tại chỉ để dành cho vai diễn ấy. Ngoài Lan Hà và chị Trần Thị Bé, "Đời cát" còn là bộ phim phát hiện ra Mai Hoa, người trước đó còn là một ẩn số với điện ảnh. Con mắt tinh đời của một chuyên gia tuyển vai là ở chỗ đó.
Như Quỳnh, gương mặt cũ luôn tỏa sáng đúng chỗ, đúng lúc.
Sự tinh tường của những người làm phim, những chuyên gia tuyển vai không chỉ dừng lại ở việc khám phá những gương mặt mới, biến những người bình thường trở thành những nhân vật để đời trên màn ảnh, mà họ còn phải biết cách làm mới những gương mặt quen - tưởng như đã "bị đóng đinh" bằng những vai diễn kinh điển - tỏa sáng thêm lần nữa.
Tuy nhiên, không nhiều diễn viên có được khả năng biến hóa đặc biệt này. NSND Như Quỳnh là một trong số đố. Không thể tính nổi trong suốt 35 năm qua, chị đã đóng bao nhiêu phim, cả điện ảnh lẫn truyền hình. Ngay tại thời điểm này, khi đã "nhận sổ hưu", Như Quỳnh vẫn bận rộn với các vai diễn.
Nếu có cuộc bình chọn diễn viên nào đóng nhiều phim nhất, đóng phim lâu nhất, tham gia phim của các đạo diễn Việt kiều và phim hợp tác nước ngoài nhiều nhất thì chắc chắn Như Quỳnh sẽ giành ngôi quán quân.
Gần như tất cả các bộ phim đáng chú ý do các đạo diễn Việt kiều thực hiện từ "Sài Gòn nhật thực" (2007), "Áo lụa Hà Đông" (2006), "Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc" (2006), "Hạt mưa rơi bao lâu" (2005) đến "Mùa hè chiếu thẳng đứng" (2000), "Xích lô" (1995), "Đông Dương"...đều có sự xuất hiện của chị. Có nhiều lý do để các đạo diễn nước ngoài chọn chị: Diễn xuất tốt, làm việc chuyên nghiệp và sở hữu một vẻ đẹo thuần Việt vốn đang bị lai căng và mất dần trên màn ảnh.
Như Quỳnh là một diễn viên gạo cội của điện ảnh Việt Nam, sự nổi tiếng và danh tiếng với chị đã qúa thừa nhưng Như Quỳnh chưa bao giờ cư xử như một kẻ bề trên, còn với nghề, lúc nào chị cũng nghiêm túc.
Như Quỳnh không ngại casting khi có yêu cầu, cho dù đó là vai diễn nào. "Làm phim với các đạo diễn Việt kiều ít khi tôi phải casting nhưng với phim nước ngoài mà tiêu biểu là phim truyền hình "Cô gái vàng" hợp tác với Hàn Quốc, tôi vẫn phải đi casting bình thường. Đa phần các diễn viên có tiếng một chút của Việt Nam chưa quen với việc đi casting, nếu có vai nào hợp, họ chỉ gặp đạo diễn nói chuyện là xong. Làm việc với đạo diễn nước ngoài hay Việt kiều rất thoải mái. Tôi có thể tự tin thể hiện sự nhạy cảm của mình với nhân vật, cho phép tôi diễn tự nhiên chứ không áp đặt như đa phần các đạo diễn trong nước" - chị nói.
Không chỉ mời Như Quỳnh vào những vai phù hợp, thậm chí có đạo diễn còn viết riêng những nhân vật dành riêng cho chị mà tiêu biểu là Sương, một người phụ nữ nhẫn nhịn, thuần chất Á đông trong "Mùa hè chiều thẳng đứng" của Trần Anh Hùng.
Hỏi Như Quỳnh:"Chị có cho rằng các đạo diễn Việt kiều thường chọn chị vì chị sở hữu một vẻ đẹp thuần Việt hiếm có?". Chị trả lời rất khiêm tốn với các hãng nước ngoài tôi nghĩ họ thấy về mặt nghề nghiệp tôi đáp ứng được một phần nào đó yêu cầu của họ. Cũng có thể gương mặt của tôi có nét gì đó, thuần Việt cũng không hẳn vì nhiều diễn viên còn có vẻ đẹp thuần Việt hơn tôi, mà hợp với nhân vật thì đúng hơn, nên họ mời".
Không qúa lời khi cho rằng Như Quỳnh - Gương mặt cũ luôn tỏa sáng đúng chỗ, đúng lúc. Với một diễn viên có khả năng diễn xuất đa dạng như chị, có lẽ các chuyên gia tuyển vai sẽ không phải nhọc công đi tìm, quan trọng là họ nhìn thấy và biết khai thác điều gì ở chị.
Chuyện tìm diễn viên trong các phim của tôi kể ra thì rất dài vì mỗi phim lại có những tình huống riêng, vai diễn riêng, không phim nào giống phim nào. Tôi chỉ nghiệm ra một điều là trong công việc này đòi hỏi người đạo diễn phải hết sức kiên trì, không nên vội hài lòng với sự lựa chọn tưởng như không thể nào hơn được nữa...Việc tìm chọn diễn viên, người đạo diễn không thể làm một mình được.
Anh ta có một đội ngũ những người trợ lý. Do đó, người đạo diễn phải đề ra yêu cầu cho các trợ lý của mình thật chính xác thì họ mới đem về cho anh những ứng cử viên thích hợp để lựa chọn. Các diễn viên trong các phim của tôi đều do các trợ lý hoặc phó đạo diễn phát hiện trước.
ôi chỉ là người quyết định cuối cùng. Có một số gương mặt là tôi đã định sẵn trong đầu để mời ngay khi viết kịch bản như: Minh Châu, Lê Vân, Bùi Bài Bình...Nhưng cũng có diễn viên phải đi tìm rất lâu, thậm chí đến phút chót trước khi bấm máy mới tìm ra như Thúy Hường, Tạ Ngọc Bảo chẳng hạn.
TH.