Trong những ngày Xuân đã cập kề đầu ngõ, tôi may mắn "bắt cóc" được một vị Đại sứ khá mới mẻ và đặc biệt của Việt Nam - Đại sứ Du lịch Lý Nhã Kỳ. Chị đã dành cho báo TG&VN những chia sẻ rất chân thành khi lần đầu đảm nhiệm vai trò của một sứ giả của Du lịch Việt Nam.

"Đại sứ - Hai tiếng thiêng liêng!"

Xin chào Đại sứ, điều gì đã thôi thúc chị ứng cử vào vai trò Đại sứ Du lịch Việt Nam - một trọng trách được đánh giá là khá khó khăn trong hoàn cảnh Du lịch Việt Nam chưa thực sự khởi sắc?

Tôi nghĩ rằng hoàn cảnh mà bạn nêu không ảnh hưởng lắm đến quyết định của tôi khi ứng cử vào vị trí Đại sứ du lịch. Nói thực lòng, sự am hiểu của tôi về lĩnh vực du lịch không nhiều, tôi cũng chỉ như bao người dân bình thường khác, có niềm tự hào về vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam. Tôi lại có thời gian sống ở nước ngoài nên càng yêu quý những vẻ đẹp đó và muốn đóng góp một chút gì để quảng bá những hình ảnh này ra thế giới.

Và cơ hội đã đến. Trong bối cảnh "nước sôi lửa bỏng" của cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, khi Vịnh Hạ Long của chúng ta bước vào giai đoạn quyết định của cuộc bầu chọn và phải bứt tốc mới có cơ hội giành chiến thắng, tôi được biết là Bộ VHTT&DL đang tìm kiếm Đại sứ du lịch đầu tiên của Việt Nam để nhắm tới nhiệm vụ này. Tôi nhận thấy bản thân có đủ các tiêu chuẩn của một Đại sứ Du lịch và tôi tin rằng mình hoàn toàn có thể đảm nhiệm được trọng trách này khi đặt cả trái tim mình vào công việc.

Ngay sau khi được chọn, đã có không ít dư luận thế này thế kia. Bí kíp để Đại sứ "ứng phó" với những kiểu ý kiến như vậy là gì?

Xin cảm ơn bạn đã gọi tôi bằng hai tiếng "Đại sứ". Hai từ đó thật thiêng liêng bởi nó khiến tôi liên tưởng đến những vị Đại sứ đại diện cho quốc gia ở nước ngoài, lại khiến tôi nhớ đến những vị sứ giả thời xưa khi mang Quốc thư sang các nước lân bang vì hoạt động bang giao.

Danh hiệu "Đại sứ du lịch" của tôi thực chất chỉ là danh hiệu danh dự, được bổ nhiệm trong thời hạn ngắn, cho cá nhân hội đủ điều kiện để thực hiện các công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau khi được bổ nhiệm tôi cũng ý thức được rằng, cuộc bầu chọn cho di sản Hạ Long đang bước vào giai đoạn "về đích". Hàng triệu, triệu người đã bỏ biết bao công sức suốt 4 năm trước đó để bầu cho Vịnh Hạ Long lọt vào chung kết và luôn giữ được thứ hạng cao. Trách nhiệm của tôi tăng tốc cho cuộc bầu chọn chứ không phải để "đối phó" với dư luận.

Là một cô gái chân ướt chân ráo từ làng showbiz chuyển sang, trước làn sóng chỉ trích của dư luận, tôi tự nhủ: Nếu mình gục gã, đầu hàng trước những tin đồn phi lý và ác ý đó tức là có lỗi với Vịnh Hạ Long và trở thành vị "sứ giả" không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi tự động viên mình: "Lý Nhã Kỳ này thà chết chứ không bỏ cuộc, không rời nhiệm vụ". Và ngay trong buổi sáng công bố việc bổ nhiệm tôi, một cuộc họp mà tôi biết rằng đã diễn ra khá căng thẳng vì những ý kiến chỉ trích mình, tôi đã bay sang Hong Kong (Trung Quốc) để bắt tay vào cuộc vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long ở nước ngoài, bởi tôi không còn thời gian dành cho những tranh cãi ấy nữa.

Mỗi người là một Đại sứ du lịch

Từ khi thành Đại sứ Du lịch, chị ấn tượng nhất về thành công nào mà bản thân đã đạt được?

Tất nhiên, đó là thành công của nhiệm vụ đầu tiên: Tham gia vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long để di sản của chúng ta trở thành Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới một cách ngoạn mục. Nhưng đó là cái thành công dễ thấy. Điều tôi tâm đắc không kém là tôi đã chiến thắng được nỗi sợ hãi của chính mình. Tôi tự thấy mình đã can đảm và trưởng thành hơn; cũng như đã hiểu được nhiều điều hơn trong quá trình tiếp xúc với hàng ngàn, hàng vạn người dân, đã nồng nhiệt cùng tham gia bầu chọn với mình.

Đại sứ đánh giá như thế nào về tiềm năng của du lịch Việt Nam?

Đánh giá một cách tổng thể về các tiềm năng của du lịch Việt Nam, tôi xin nhường lời cho các cơ quan chuyên môn và các chuyên gia trên lĩnh vực này. Từ thực tiễn tham gia vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long tôi chỉ xin chia sẻ một suy ngẫm nhỏ như thế này: Giá trị của Vịnh Hạ Long vì thế không cần phải bàn cãi nữa. Vịnh Hạ Long của chúng ta đã 2 lần được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, lần thứ nhất vì các giá trị ngoại hạng về cảnh quan, lần thứ 2 vì các giá trị nổi bật toàn cầu về địa mạo, địa chất. Nhưng không phải ai cũng biết tường tận tất cả những điều đó. Nhiều du khách quốc tế không biết đã đành. Không ít người Việt Nam cũng chỉ biết đến Vịnh Hạ Long một cách mang máng, bởi có phải ai cũng có điều kiện đến thăm đâu. Mà kể cả những người có dịp ghé qua, nếu không chịu khó tìm hiểu thì cũng không hiểu hết được những giá trị nổi bật toàn cầu kể trên. Điều đó cho thấy giá trị di sản chỉ là một chuyện, để đánh thức các giá trị đó lại là chuyện khác. Khi tham gia vào cuộc đua 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới, trong suốt 4 năm liền, giá trị của Vịnh Hạ Long đã quảng bá đến cả tỉ lượt người trên toàn thế giới. Và giờ đây với việc đạt danh hiệu kỳ quan thiên nhiên thế giới, giá trị của Vịnh Hạ Long đã được nhắc đến trên phạm vi toàn cầu. Điều tôi muốn nói là, tiềm năng du lịch Việt Nam vô cùng to lớn đủ để chinh phục thế giới, nếu được đánh thức. Và tôi tin rằng các tiềm năng ấy sẽ lần lượt được thức tỉnh trong thời gian tới.

Theo Đại sứ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có vai trò thế nào trong quảng bá du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế?

Tôi tin rằng mỗi kiều bào của chúng ta là một "Đại sứ du lịch Việt Nam" ở nước ngoài. Với tình cảm hướng về quê hương, đất nước, chắc chắn họ sẽ giới thiệu về Việt Nam tới các bạn bè quốc tế của mình một cách bền bỉ và thấm sâu. Không những thế, mỗi kiều bào của chúng ta, cùng gia đình họ, lối sống của họ còn là hiện thân của vẻ đẹp, các giá trị Việt Nam. Từ đó mà các giá trị Việt Nam như những "hạt nhân" được lan tỏa khắp thế giới.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Theo TG&VN.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC