Một giọt máu đổi một cuộc đờiSinh năm 1973, đã ngấp nghé "đầu 4" nhưng người ta luôn thấy ở anh sự hóm hỉnh, yêu đời và nhiệt huyết của một chàng trai ở tuổi đôi mươi.

Có lẽ, bởi con người anh từ trước nay vẫn thế, luôn sống vì người khác. Chính vì vậy mà anh đã làm những điều mà hiếm ai có thể làm được: 35 lần tham gia hiến máu tình nguyện và vận động, tuyên truyền hàng nghìn người tham gia hiến máu…

LTS. Theo bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu thì ở Việt Nam có đến 80% lượng máu hiến từ nguồn hiến máu tình nguyện. Các bệnh viện của ta thường xuyên ở tình trạng thiếu máu, đặc biệt vào những dịp cuối năm.  Nhiều sinh mạng được cứu và cũng có nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra chỉ vì những giọt máu đào không đến kịp. Trong nhiều cách sẻ chia và mang sự yêu thương của mình tới cho người khác thì hiến máu là một việc làm không khó thực hiện, nhưng vô cùng cao cả. Có một người khiêm nhường và bền bỉ thực hiện việc này trong suốt 16 năm với thông điệp "một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại". Đó là thầy giáo Trương Ngọc Tùng (giáo viên Trường THPT Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội).

Đón chúng tôi với nụ cười tươi rói, vóc dáng hơi đậm, anh nhanh nhẹn xếp lại bàn ghế và pha nước. Căn phòng nhỏ anh dùng làm cửa hàng sửa chữa điện thoại khá ngăn nắp, nhưng cũng khá hẹp để dùng làm phòng khách.

Trên tường treo đủ các loại bằng khen, nhưng 14 điều răn của Phật và chữ Nhẫn được nằm ở vị trí trang trọng nhất. Như để xóa đi khoảng cách, anh dí dỏm: “Mình cứ dân dã cho dễ sống!”. Rồi xuề xòa bắt đầu câu chuyện...

Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại

Năm 1994, chàng trai Trương Ngọc Tùng bước vào những ngày đầu tiên của cuộc đời sinh viên sau 4 năm tha hương làm đủ thứ nghề.

Ngày ấy, việc hiến máu còn khá lạ lẫm với mọi người. Được nghe Hội Chữ thập đỏ tuyên truyền về ý nghĩa của việc hiến máu cứu người, ngay lập tức, anh là một trong những người đầu tiên đăng ký.

Chính khoảng thời gian hơn 4 năm sống bôn ba, từ làm phiên dịch đến cả cửu vạn đã giúp anh có những trải nghiệm về giá trị của sự sống, về cuộc đời.

Cũng chính bởi thế, Tùng có cái nhìn sâu sắc và đúng đắn hơn hết về việc mình làm. Không chỉ dừng lại việc hiến máu tình nguyện, anh còn cùng đội tình nguyện vận động những người thân và bạn bè cùng tham gia. Những ngày đầu, việc vận động còn gặp khá nhiều khó khăn. Bởi mọi người còn chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc hiến máu này. Bạn bè, người thân không mấy ai ủng hộ việc anh đi hiến máu.

Anh kể: “Ngay cả đến mẹ là người gần gũi nhất cũng phản đối mình. Mẹ nào chẳng xót con, bà bảo nuôi mãi mới lớn được từng ấy, có ít máu mà lại mang đi cho là thế nào?”... Cũng đã có lúc thấy nản lòng hay thất vọng, nhưng đó cũng chỉ là những khoảnh khắc hiếm hoi, bởi cái nhiệt huyết và ý chí của lòng nhân ái trong anh lớn hơn rất nhiều.

Và thế là, người ta vẫn thường thấy một cậu sinh viên Khoa văn - Trường ĐH Sư phạm I thấp, nhỏ với nụ cười thân thiện, hăng hái vận động mọi người cùng thực hiện việc làm có ý nghĩa cao cả này.

Khi được nghe kể về anh – người đã 35 lần tình nguyện hiến máu trong 16 năm, tôi thấy hơi hồ nghi. Trên đời làm gì có người “hâm” đến thế?

Khi hỏi làm sao anh có động lực để làm như vậy, trong suốt 16 năm? Giọng nói sang sảng của thầy giáo Tùng bỗng trùng xuống. Anh kể, vào năm thứ 2 đại học, mẹ của một người bạn mà anh chơi khá thân bị tai nạn giao thông ở Thanh Hóa. Khi được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai thì tình trạng đã khá nguy kịch, cần phải truyền máu gấp.

Nhưng trớ trêu thay, lúc đó bệnh viện lại thiếu máu dự trữ. Mặc dù anh và mọi người đã tình nguyện hiến máu để cứu mẹ người bạn, nhưng bác cũng không qua khỏi, vì đã quá muộn.

Trước cái chết của mẹ người bạn ấy, anh càng thấm thía ý nghĩa của những giọt máu với những người bệnh. Chính lúc này, anh nhận thức sâu sắc hơn bao giờ hết ý nghĩa của công việc mình đang làm. Thế là, mười mấy năm nay, cứ ba tháng một lần, anh tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng tham gia.

Thầy giáo Tùng luôn tâm niệm “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Với anh, đó không chỉ đơn thuần là việc làm tình nguyện, nó còn thể hiện trách nhiệm với chính mình, với những người xung quanh. Đã 16 năm qua đi, không biết bao nhiêu “cuộc đời” đã ở lại được nhờ những giọt máu của anh?

16 năm “dâng mật ngọt cho đời”

Tờ giấy ghi 14 điều Phật dạy được anh treo trang trọng giữa phòng như một lời nhắc nhở. Với anh, đó là tài sản vô giá. Hai năm đầu của đời sinh viên, Trương Ngọc Tùng đã may mắn được sống cùng một vị sư tại một ngôi chùa nhỏ.

Hai người vốn là bạn học cùng lớp, lại gặp nhau ở những tư tưởng nhân ái nên sớm trở thành bạn thân. Cũng chính trong 2 năm ấy, chàng trai Trương Ngọc Tùng đã học hỏi được biết bao điều.

Một giọt máu đổi một cuộc đời_0
Người đã 35 lần hiến máu

Anh đã thấm nhuần tư tưởng nhà Phật, về cái được, cái mất của cuộc đời. Sống không toan tính thiệt hơn, làm được một điều tốt là một niềm vui. Anh cười hiền: “Mình làm được gì có ích cho đời thì cứ làm thôi”. Và tư tưởng ấy đã theo anh suốt 16 năm qua, là “suối nguồn” để anh có thể làm nên những điều tưởng như không thể ấy.

Là một giáo viên dạy văn, anh càng hiểu rõ hơn ý nghĩa của những giọt máu cứu người. Những tâm huyết ấy cũng được anh truyền cho các học trò của mình – những cô cậu học trò lớp 12 vừa đủ tuổi để đi hiến máu.

“Một cây làm chẳng nên non”, anh luôn tâm niệm rằng, chỉ riêng mình đi hiến máu thì chẳng thể so sánh được với việc vận động được hàng chục, hàng trăm người khác cùng hiến máu. Vì vậy, ngoài giờ giảng trên lớp, anh tích cực cùng với mọi người đi tuyên truyền, vận động những người khác cùng tham gia hiến máu.

Lấy mình làm bằng chứng thuyết phục nhất cho việc hiến máu nhân đạo không chỉ có lợi cho cộng đồng mà còn tốt cho sức khỏe, Tùng tươi cười: “Từ ngày bắt đầu hiến máu đến nay, cân nặng của mình rất ổn định, sức khỏe rất tốt và làm việc cũng rất năng suất đấy chứ!”. Luôn sống và làm việc hết mình, lúc nào nụ cười cũng thường trực trên môi người thầy giáo ấy.

Vừa là thầy giáo truyền đến cho học sinh  niềm yêu thích thơ văn, vừa năng nổ thăm gia các hoạt động đoàn, Trương Ngọc Tùng còn là một “tay” sửa chữa điện thoại “có hạng” tại gia.

Đúng lúc chúng tôi hỏi về gia đình anh thì bé gái đầu lòng của anh đi học về, bước vào cửa chào chúng tôi. Bế đứa con nhỏ nhắn đáng yêu trong lòng, Trương Ngọc Tùng tự hào giới thiệu bé với cái tên khá đặc biệt: Cẩm Anh. Rồi anh lại hồ hởi khoe thêm, vợ anh mới sinh thêm một “công chúa”.

Nhìn nụ cười rạng rỡ và khuôn mặt tràn đầy niềm vui của anh, tôi biết người thầy giáo ấy sẽ sống mãi với niềm hạnh phúc, với niềm nhiệt huyết của "tuổi đôi mươi", “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”…

Theo VNN.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC