Lạ ở chỗ, người dân ở đây sử dụng một thứ ngôn ngữ mới riêng để chào hỏi người lạ. Nếu không phải là người dân sở tại, muốn nghe được thì bạn phải nhờ tới người… phiên dịch!
Trải qua gần 500 năm, nhờ được người dân làng Đa Chất, xã Đại Xuyên (Phú Xuyên, Hà Nội) gìn giữ, một loại ngôn ngữ lạ đang tồn tại với rất nhiều dấu hỏi.
Chưa xác định rõ nguồn gốc
Đặt chân tới Đa Chất, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là nơi đây có một không gian bình lặng của chốn đồng quê ngoại thành, với một hệ thống những đình chùa, miếu mạo. Lạ ở chỗ, người dân ở đây sử dụng một thứ ngôn ngữ mới riêng để chào hỏi người lạ. Nếu không phải là người dân sở tại, muốn nghe được thì bạn phải nhờ tới người… phiên dịch!
Chúng tôi được gặp ông Nguyễn Ngọc Đoán-ông được coi là người có kiến thức vững về ngôn ngữ, nay tham gia trông nom đình làng. Vị “già làng” cẩn thận, lật giở từng trang ghi chép lịch sử cũ kỹ tự hào kể cho chúng tôi nghe về những lớp lang ý nghĩa cũng như vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt trong thứ ngôn ngữ “có một không hai” trên dải đất hình chữ S này.
Ông Đoán giải thích: Chiếu theo lệ tục của làng, hễ gặp người làng đầu tiên là phải dùng thứ ngôn ngữ này để trao đổi với nhau không các cụ quở chết. Lệ làng khi xưa có quy định rõ ràng rằng tất cả những người sinh ra ở làng Đa Chất đều phải học thứ ngôn ngữ này”.
Ở nhiều nguồn tài liệu, có người còn đoan chắc đây là thứ ngôn ngữ thời Văn Lang - Âu Lạc còn lưu giữ lại. Ví như nếu dùng từ để chỉ người có địa vị quan trọng hàng trên, thì người làng Đa Chất dùng từ “chóp bu”.
Như sợ chúng tôi không tin, ông Đoán cung cấp thêm một loạt những từ ngữ hết sức mới lạ, vui tai. Ví như từ “xấn vụ” để chỉ cái “đóng cối”, “xấn đìa” để chỉ “làm ruộng” hoặc “xấn bệt” để chỉ “làm nhà”. Để chỉ cái đẹp, người Đa Chất dùng từ “choáng”. Bệt choáng (nhà đẹp), nhát choáng (gái đẹp)…
Cần lắm một cuộc hội thảo
Dẫu có giá trị như thế, nhưng theo ông Đoán, thứ ngôn ngữ mà người dân làng Đa Chất lại không dễ gì truyền cho người khác. Người dân nơi đây có ý thức rất rõ ràng trong việc giữ gìn và bảo tồn các giá trị tinh thần đời trước.
Theo hương ước của làng, ngôn ngữ cũng được xem như một phần linh hồn, một phần tâm linh và cũng là tiếng nói mà cha ông đã phải cực kỳ vất vả, phải dày công nhiều thế kỷ mới có được. Vì vậy mà tuy cận kề với các thôn khác như Cổ Trai, Thường Xuyên, Thái Lai, Kiều Đông, Kiều Đoài nhưng ở các làng này người dân đều không biết và không nói được thứ ngôn ngữ của người Đa Chất.
Tâm sự với chúng tôi, bà Lê Thị Lý –Trưởng thôn nói: “Xét về bình diện nào đó, ngôn ngữ làng Đa Chất có rất nhiều quan điểm song tựu trung lại, có 2 ý kiến cho rằng hoặc đó là thứ tiếng lóng của riêng những người thợ đóng cối trong làng hoặc là thứ ngôn ngữ Việt cổ của thời Văn Lang- Âu Lạc còn lưu giữ được. Tuy nhiên, nếu nói đây là tiếng lóng tức là thứ ngôn ngữ tự phát thì không hợp lý vì nó không thể có sự phong phú như tiếng mà hiện nay người Đa Chất đang dùng”.
Ông Nguyễn Ngọc Đoán tâm sự: “Giá như bây giờ có được một cuộc hội thảo để đánh giá, kiểm kê lại tính lịch sử, mức độ đóng góp của thứ ngôn ngữ kỳ lạ ấy thì rất có thể những nghi hoặc mà bấy lâu dư luận quan tâm và người dân làng Đa Chất sẽ có cơ hội tìm lại được lời giải đáp”. Và “nghi vấn” về một nền ngôn ngữ cổ thời Văn Lang - Âu Lạc đang hiện diện ở Đa Chất có chính xác hay không vẫn đang trông chờ lời giải từ phía các nhà khoa học về ngôn ngữ, lịch sử và khảo cổ.
Ông Chu Huy - Hội viên Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết: “Tìm hiểu những biệt ngữ này thấy có sự kết hợp giữa âm Nôm và âm Hán Việt, âm thông dụng và âm ít dùng, âm nói tắt, âm nói gọn và âm dân dã. Có thế thấy ngôn ngữ lạ của Đa Chất hết sức đa dạng và phong phú”. |
Theo Danviet.