Người suốt đời đi tìm sông TươngSuốt một đời tôi đi tìm sông Tương mà vẫn chưa gặp nó. Ở vùng chúng tôi có tổng Tiêu Giang, lại có xã Tương Giang. Ngờ rằng sông Tiêu Tương nằm quanh chỗ ấy. Sen súng um tùm ven bờ tre, trong ruộng lúa, ao chuôm, đầm lầy.

Có thể đấy là dấu vết của dòng sông cổ tích chăng. Đám trẻ thì bảo chẳng có sông Tương, nó ở bên Tàu, người già thì kể có sông Tương nhưng nó chỉ là một con ngòi nhỏ, hát mãi, kể mãi mà thành.

Nhiều năm tôi đi xa, nhưng đi xa mấy rồi có lúc cũng phải quay về, mỗi lần trở về là lại một lần qua nơi ấy, là lại phải bận tâm nghĩ tới một dòng sông nay đã biến mất ngay trước mắt mọi người, từ lúc nào không hay.

Hiện ở đó có làng Thiều Hoa, quê mẹ của cụ Nguyễn Du. Bà là con gái yêu của một viên quan nhỏ, một viên thơ lại tầm thường, làm việc lâu năm trong phủ tể tướng Nguyễn Nghiễm. Năm bà về làm vợ bé của quan tể tướng là chưa đến hai mươi, ngày sinh Nguyễn Du cũng chưa qua tuổi ấy. Khi chồng mất đi bà dắt đứa con trai còn đang ở tuổi lên năm lên bảy tới gặp người anh cả của nó là tân tể tướng Nguyễn Khản mà nói, tôi đàn bà nông nổi, nay gặp cảnh góa bụa, em nó còn quá trẻ dại, xin nhờ cậy anh cả thay cha dạy dỗ em. Nguyễn Khản cười vang, dì yên lòng, trong nhà ta rồi ra chỉ có nó thôi đấy, tôi xem chỉ có chú ấy mới là người biết làm rạng danh cho dòng họ nhà mình. Nguyễn sống trong phủ tể tướng, ở phường Bích Câu, trông sang bên kia hồ Văn là cổng lớn Văn Miếu. Ông sớm được gửi vào học hành trong Quốc Tử Giám, tuổi thơ ông là những ngày tháng nhung lụa nhã nhạc tưng bừng.

Người suốt đời đi tìm sông Tương_0
 
Nhưng những dòng chữ đầu tiên ông ngồi mài mực để tập tô đã là một câu có mang hàm ý nhắc nhở nghiêm khắc: Trình môn tuyết lập đắc văn giáo đa thuật hĩ, Huyên thật đường cao thượng tại vinh cập kiến chi. Có thằng bé đứng ngoài tuyết trước cửa Trình nghe dạy bảo học thuật, lại có người mẹ ngồi ở nhà mòn mỏi ngóng trông con mình sớm nên người.

Lớn thêm vài tuổi nữa, Nguyễn đã phải khoanh tay đứng tựa cột mà đọc thuộc lòng sách Mạnh Tử: Khi ông trời muốn trao trọng trách cho một ai thì trước hết sẽ làm cho khổ cái tâm, mệt cái chí, cùng túng cái thân người ấy, hễ làm gì cũng nghịch với ý muốn, như vậy là cốt để kích động cái tâm, kiên nhẫn cái tính, thêm ích cho những điều chưa hay làm được.

Người suốt đời đi tìm sông Tương_1
 
Nguyễn vừa kịp trưởng thành thì dở dang sự học, gia cảnh tan nát, loạn kiêu binh rồi khởi nghĩa Tây Sơn, đến triều chính ba trăm năm còn sụp đổ huống hồ là mấy nhà quan. Ông bỗng hóa ra một anh chàng thất thểu, sau một đêm thành kẻ cầu bơ cầu bất, nghèo túng và trốn lủi liên miên. Rồi lại sau một đêm đầu ông bạc trắng. Về sau, khi nhà Nguyễn đã bình được thiên hạ, ông có được vời ra làm cai bạ Quảng Bình rồi làm tả thị lang Bộ Lễ, mấy lần đi sứ Trung Quốc, nhưng tính nết vẫn thế, vẫn ậm ừ cả nghĩ, đầu óc đăm đắm những chuyện đâu đâu, làm quan mà không năng nổ chuyên tâm thì đói rách là cái chắc.

Đã có lúc ông phải bồng bế sáu bảy mặt con về tìm quê nội ở vùng Nghi Xuân, ngày ngày bám theo đám thợ săn vào núi kiếm ăn. Và ông đã ngẩng mặt lên trời mà than: Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên. Là miếng ăn không biết đùa với kẻ sĩ, nó là chuyện hiển nhiên. Từ bấy đến nay đã có trên hai thế kỷ cũng chưa xa xôi gì cho lắm, vậy mà đám con cháu của Nguyễn giờ không làm sao tìm được lấy một người, không ai biết ai lưu lạc nơi đâu, vẫn còn cả đấy nhưng đã lẫn lộn vào cỏ, vào đất, đã thành chúng sinh, thành thảo dân rồi.

Gần đây tôi đã tìm về thắp hương cụ Nguyễn Khuyến ở Bình Lục. Bước qua cổng nhà cụ là lúc trời sắp tối, hàng xóm nhiều nhà đã lên đèn, bên một trụ cổng vẫn còn lưu giữ một câu ông cụ để lại, chữ nghĩa bị con cháu tô vẽ lệch lạc mất cả nhưng vẫn có thể hiểu được ý tứ: Nơi này rồi Đạo sẽ qua đi, còn lại chỉ là những bụi gai mọc lòa xòa trên bậu tường đất. Một dự cảm chính xác, một lo âu của người sắp đi xa và cũng có thể xem là một nỗi thất vọng.

Người suốt đời đi tìm sông Tương_2
 

Cũng vào thời ấy ở Hà Nam có một ông công sứ Pháp tuổi còn trẻ mà đã giỏi tiếng Việt, không chỉ giỏi tiếng Việt, ông ta còn đọc được cả văn bia chữ Hán, thơ văn chữ Hán. Vài năm một lần các quan chức Pháp sang cai trị ở ta đều phải dự một lần khảo hạch tiếng Việt, ai qua được thì đặc cách lên lương sớm. Cái mẹo này khuyến khích người ta chịu khó học, nhiều ông đâm thua thiệt nhưng lắm ông mừng vì lương có cơ lên vùn vụt. Như viên công sứ Hà Nam chẳng hạn. Nhưng giỏi quá dễ kiêu.

Một hôm ông ta thở dài bảo, không biết năm nay tìm ai để khảo giám tôi đây. Vừa hay đúng dịp có cụ Vũ Phạm Hàm từ bên Hải Dương thuyên chuyển về đất Hà Nam làm đốc học. Chuyện ấy đến tai ông cụ. Cuối năm ông cụ được mới đứng ra làm người hỏi thi tiếng Việt cho quan công sứ. Gặp nhau ông cụ chỉ nói, quan lớn là người nổi tiếng, khắp Bắc kỳ này ai chả biết học lực tiếng Việt của quan lớn, bây giờ tôi không đòi quan lớn phải dùng đến bút mực làm gì, chúng ta chỉ cần nói chuyện. Tôi sẽ hỏi quan lớn một câu ngắn, quan lớn cũng trả lời bằng một câu ngắn thế là đủ, mà tôi cấm quan lớn không được hỏi lại, hỏi lại là quan lớn trượt, quan lớn có bằng lòng không? Quan lớn nghe thế thì bằng lòng quá, ông già này xem ra rất biết điều. Ông già dõng dạc hỏi, xin quan lớn cho biết trong tiếng Việt em gái mẹ gọi là gì?

 

Người suốt đời đi tìm sông Tương_3
 
Thì trong tiếng Việt em gái mẹ gọi là dì. Ông công sứ trả lời tắp lự. Nhưng cũng vì là người giỏi tiếng Việt cho nên chỉ vừa thoáng thấy cụ Hàm cười là ông ta chợt vỡ lẽ, mình trượt mất rồi, ông già này bẫy mình mất rồi. Câu trả lời cũng có thể xem là một câu hỏi lạ. Về tới dinh, nhìn thấy bà đầm thì ông hoảng thật sự, với ông miếng đòn này đâu có sá gì, nhưng với bà ấy thì lại là chuyện trời sắp sập, còn ghê gớm hơn cả một cuộc chiến tranh.

Bà công sứ vội vã tìm đến nhà riêng cụ đốc học. Đợi bà lau nước mắt kể lể xong ông cụ mới chậm rãi bảo, phải để ông nhà hỏng thi tôi cũng lấy làm tiếc như bà, có một người Pháp yêu tiếng Việt như ông nhà sao tôi lại không quý. Bây giờ tôi ra cho bà một điều kiện nho nhỏ, bà làm được thì xem như ông nhà đỗ. Tôi về đây nghe dân tình xì xào là mỗi lần ra chợ, qua dãy hàng bún mắm tôm bà đều bịt mũi nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu, có phải vậy không? Vậy bà làm sao thì làm. Bà công sứ vui vẻ ra ngay chợ, vui vẻ sà vào hàng bún mắm tôm, chuyện trò rôm rả thân tình. Rồi bà yêu cầu ông chồng phải đến mời bằng được cụ đốc học tới thăm nhà mình một buổi. Ông cụ nhận lời.

Vợ chồng công sứ hôm ấy mời ông cụ ở lại cùng họ dùng bữa trưa, chỉ có bún lá và mắm tôm. Suốt bữa bà đầm lấy làm sung sướng với món đặc sản đó. Năm ấy tai qua nạn khỏi, quan công sứ vẫn đỗ, vẫn lên lương như thường. Chẳng qua cũng chỉ là sự nhắc nhở nhẹ nhau vậy thôi. Xem thế đủ biết gặp những hoàn cảnh éo le nhất, cha ông ta vẫn tìm được những cách khu xử và giải quyết từng trải lịch lãm và rất nhiều lúc còn có thể pha đôi chút hóm hỉnh đùa dai. Đó cũng là một bản lĩnh.

Cụ Vũ Phạm Hàm là bạn đồng khoa với cụ Nguyễn Thượng Hiền, một cụ là Thám hoa, một cụ là Bảng nhãn. Dạo còn ở bên Hải Dương cụ thám hoa đã cho hai câu đối để trước đền Kiếp Bạc thờ Đức Thánh Trần. Kiếp Bạc mỗi sơn giai kiếm khí, Lục Đầu vô thủy bất thung thanh. Mỗi ngọn núi Kiếp Bạc vẫn như đang tỏa khí thiêng của kiếm quý, ngoài cửa Lục Đầu không ngọn sóng nào là không vang lên tiếng cọc đóng. Đấy là những cây cọc gỗ Bạch Đằng lịch sử.

Người suốt đời đi tìm sông Tương_4
 
Cụ Nguyễn Văn Siêu là một người Hà Nội. Cụ chỉ đỗ Phó bảng thời Minh Mệnh, là trên cử nhân dưới tiến sĩ, nhưng tài học thì ít ai bằng, thiên hạ xem cụ là thần, thần Siêu thánh Quát. Nhà cụ ở một phố cổ mang tên cụ, phố Nguyễn Siêu. Ngày trước gọi là phố Quan án sát Nguyễn Siêu. Cụ được vời vào cung giữ chức Thái bảo, làm thày dạy của vua Thiệu Trị, về sau chuyển về làm Án sát Hưng Yên. Trước khi làm Án sát Hưng Yên cụ còn có mấy năm dừng chân làm Án sát Hà Tĩnh. Là nhà nho làm quan lớn, nhưng cũng còn là một nhà văn hóa lớn, sách để lại cho hậu sinh đầy ngập một kệ. Thơ văn của cụ thật giản dị cốt cách, vừa sâu sắc lại vừa phóng túng, hiện đại: Già về xóm cỏ làm dân, về thì mong giữ tấm thân được nhàn. Việc đời nát ruột bầm gan, chỉ chưa nỡ bỏ mấy gian sách nhàu. Trời xanh đội đến bạc đầu, chân lùa gió bụi chẳng màu bùn nhơ. Gọi quan gọi lão cũng ờ, đường xa một tấm thân giờ ta đi.

Tôi thường hay tìm về nhà tổ của cụ ở làng Lủ ngoại thành, chuyện trò cả buổi với anh Tự Huy là cháu đích tôn của cụ. Vườn tược quanh nhà con cháu bán bòn hết, phần mộ cụ ở mé ngoài làng vẫn còn nhưng nay đã nằm gọn trong địa phận một nhà máy, ngày giỗ tết con cháu phải xin phép mới được vào thắp hương. Thế nhưng trong ngôi nhà gỗ to đùng do vua Thiệu Trị ban tặng, bức tranh vẽ cụ vẫn đó, cụ ngồi tay cầm cuốn sách đọc dở dang, có chú hỷ đồng cầm quạt đứng ở mé sau. Trên cao là một bức đại tự với bốn chữ thếp vàng: Giang Hán bỉnh linh. Kệ sách cổ thời gian đã làm cho nhàu nát bụi bặm ở sau hàng cột lim.

Một lần tình cờ giở ra tôi đã tìm được bài thơ tuyệt vời của cụ, cứ theo lối nói của bây giờ thì đó chính là một áng văn đậm đà bản sắc dân tộc, tôi cũng xin chép nó ra đây: Hà sự đồng ca hồ hải khoan, hồ hải sinh nhân hồ hải hoan... Sao cứ cùng nhau hát hồ hải khoan, từ sóng biển sinh ra nên vui cùng sóng biển chăng? Chuyến trước vừa thấy ra khơi nay lại vào ghềnh thác, tưởng kết hậu rồi chợt lại cất lên. Chị trẻ bến Đông, rồi bà lão bến Tây, giọng nam trầm hùng, giọng nữ lảnh lót, những khúc ca nước Ngô nước Tần làm sao sánh kịp, những giai điệu phương Nam nhịp phách phương Nam, khiến ta nghe lòng vui cùng năm tháng, bạn hãy cùng ta cao hứng lên, sóng gió biển Đông không khi nào ngửng, lau sậy ven bờ vẫn ngoi tràn mặt nước, thì đừng lảm nhảm mãi những khúc hề trừ ly tán. Này, tai ta giờ chỉ còn nghe thấy hò hụi khoan, mắt ta giờ chỉ đăm đắm hướng thuyền.

Chắc hẳn cụ Siêu đã viết bài này vào những năm làm quan trong Hà Tĩnh. Tôi tưởng chả nên bàn gì thêm nữa. Ông cụ đã nói cả rồi, mà nói hay lắm rồi.

Đêm đêm trước đèn mình thức với mình, tôi vẫn mông lung đi tìm cái dòng Tương muôn thuở ấy. Tôi vẫn tin là đang có nó, nó vẫn đang chảy trong lòng đời sống dân tộc. Nó là dòng sông của thi ca, là tình yêu, là nguồn cảm hứng vô tận để chúng ta sống và sáng tạo, là nguồn sáng trí tuệ đáng tin cậy nhất trong sứ mệnh dẫn đường.

TH.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC