Bức tượng bán thân Bác Hồ đặt ở vị trí trang trọng nhất của Văn phòng Chính phủ, rồi trên dưới 20 pho tượng nhân vật nổi tiếng khác nhau ở Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam.
Tượng Phật Adiđà phát quang 7 màu tự nhiên đặt ở Thiền viện Trúc lâm Yên Tử… những tuyệt tác đó đều được khắc tạc dưới bàn tay nghệ nhân Lê Khang. Người ta gọi ông là "vua đồ đồng".
Không chỉ giới chơi đồ đồng Hà Thành mà đông đảo người tạc tượng đồng, yêu thích nghệ thuật chạm khắc trong cả nước biết đến cái tài nghệ nhân Lê Khang như một người có "bàn tay vàng" thổi được hồn vào những bức tượng đồng.
Cho đến bây giờ, chuẩn bị bước sang cái tuổi xưa nay hiếm, nhìn lại chặng đường đã qua, người nghệ nhân này không thể thống kê được mình đã tạc bao nhiêu bức tượng các đức phật, các danh nhân và những người nổi tiếng. Nhưng ít ai được biết rằng, "vua đồ đồng"có bước khởi nghiệp thật gian nan vất vả.
Ông tâm sự: "Sau khi tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, tôi làm giáo viên trường Trung học Cơ điện Hà Nội, rồi số phận lại đưa đẩy sang làm anh thợ đúc hợp kim kim loại ở Công ty ôtô 3/2. Vất vả lắm, đầu đội, tay xách, nách mang nhưng bù lại trong công việc tôi có cơ hội mày mò, thử nghiệm, để rồi những sáng chế của mình trong lĩnh vực đúc tămpua, đúc quả lô... đã mang lại nhiều lợi ích cho công ty và bổ sung kinh nghiệm cho bản thân".
Thời điểm đó, nghề đúc đồng thất thế, nghề đúc nhôm lên ngôi, cộng với các nghệ nhân đúc đồng dần dần khuất bóng, ông Khang trăn trở với ý định sẽ làm điều gì đó để nghề không bị mai một.
Năm 1993, sau khi về hưu, quyết định chưa thể nghỉ ngơi, ông lao vào con đường học hỏi các bí quyết đúc đồng. Cho đến bây giờ, ông vẫn không thể quên được những ngày tháng lặn lội từ Bắc vào Nam, bước chân ông in dấu ở khắp làng nghề đúc đồng nổi tiếng như làng Ngũ Xã (Hà Nội), làng Vó (Bắc Ninh), làng Nôm (Hưng Yên)...
Rồi xin học nặn tượng không công cho cụ Lâm (Hà Nội)- (người nghệ nhân khai mở nghề nặn tượng bằng đất nung)... để tầm sư học đạo. Đến khi làm ra được sản phẩm, không ít lần ông phải đạp xe mang hàng đi ký gửi tại các cửa hàng lưu niệm trong thành phố. Thậm chí, ông không dám quay lại vì hồi hộp, không biết số phận của chúng ra sao...
Cuối cùng, niềm vui cũng đến với ông khi sản phẩm Khuê Văn Các và Trống đồng đã được chọn làm đồ lưu niệm cho các nguyên thủ quốc gia trong Hội nghị thượng đỉnh các nước sử dụng tiếng Pháp tổ chức tại Hà Nội năm 1997.
Đến biệt danh “vua đồ đồng”
Theo ông, cái khó nhất là, phải đúc thế nào để khi nhìn vào pho tượng, người ta thấy được cái thần, cái hồn toát ra từ tướng mạo của nhân vật. Say nghề, ông không từ chối bất kỳ yêu cầu nào của khách mà luôn cầu thị, tìm tòi, nghiên cứu để tác phẩm đạt tới sự hoàn hảo.
Bởi vậy, tượng của các bậc tiền nhân như: Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Phan Bội Châu, Võ Thị Sáu... đều mang sắc thái riêng, toát lên được nét tinh, khí, thần. Cộng tác không biết bao nhiêu bảo tàng, trung tâm mỹ thuật, đình chùa miếu mạo để tái tạo lại như cũ những bức tượng đã bị thời gian làm thay đổi diện mạo.
Sau bao đêm trằn trọc mất ngủ, những tháng ngày vất vả tạo mẫu, lên khuôn, mài, giũa, tạo màu, ông Khang cũng hoàn thành pho tượng chân dung Bác cao 1,6m đặt trong Văn phòng Chính phủ. Tác phẩm "để đời" của ông đã làm hài lòng tất cả mọi người kể cả những chuyên gia mỹ thuật khó tính nhất. "Hữu xạ tự nhiên hương", rất nhiều nơi tìm đến ông.
Ở Bảo tàng Phú Thọ, người ta vẫn trầm trồ trước bức tượng Bác bên những người lính (thể hiện chủ đề: Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước) nặng 2,5 tấn.
Mới đây nhất, ông đã hoàn thành 150 bức tượng sư tổ và các cố võ sư của phái Vịnh Xuân quyền, tạo được tiếng vang lớn trong giới đúc đồng. Mày mò, tự trau dồi kỹ thuật đúc hiện đại của nước ngoài, ông đã thành công trong việc tạo màu cho sản phẩm đồ đồng với tác phẩm pho tượng Phật Adiđà phát quang 7 màu tự nhiên đặt ở Thiền viện Trúc lâm Yên Tử.
Cho đến bây giờ, giới chơi đồ đồng vẫn tôn ông là thợ làm màu đồng độc nhất vô nhị. Những bức tượng dưới bàn tay pha màu của ông đều giống như thật màu nguyên thủy. Sau này, bức tượng Quan âm nghìn tay, nghìn mắt của ông cũng đoạt giải thưởng Tinh hoa Việt Nam do Bộ Văn hoá, Thể thao, và Du lịch trao tặng. Mới đây Ban tổ chức Triển lãm doanh nhân doanh nghiệp ở Hà Nội đã yêu cầu ông làm tượng cụ Bạch Thái Bưởi, một doanh nhân nổi tiếng.
Với chỉ một bức ảnh người doanh nhân này từ ban tổ chức, ông đã phải tìm lại gia đình đời thứ 4 của cụ Bưởi để mượn lại tất cả ảnh cụ. Đợt đó bức tượng Bạch Thái Bưởi đã gây sửng sốt với cả triển lãm, đến mức người nhà cụ Bạch Thái Bưởi phải trầm trồ "đây đích thực mới là cụ nhà tôi". Với ông mỗi tác phẩm ra đời lại thêm một lần ông cảm nhận được thời gian có ích hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn.
Từ một chuyên gia chuyên tạc những bức tượng trên 3 tấn, ông chuyển sang làm những bức nhỏ với ý tưởng giới thiệu tinh hóa văn hóa và lịch sử Hà Nội khi thời khắc nghìn năm Thăng Long sắp đến. "Năm 2010, sẽ rất nhiều du khách quốc tế đến Hà Nội, đây là cơ hội để chúng ta giới thiệu những danh nhân nước Việt, những di tích lịch sử. Những bức tượng nhỏ sẽ giúp người ta dễ dàng khi mang về nước họ. Từ suy nghĩ đó mà tôi "thu nhỏ" những tác phẩm của mình lại".
Với tâm huyết và những đóng góp trong việc bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc, năm 2003, UBND TP Hà Nội đã phong tặng cho ông danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội. Và bây giờ, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, "đôi bàn tay vàng" ấy vẫn không ngơi nghỉ, vẫn cần mẫn bên từng tác phẩm, tạo ra nét đẹp cho đời.
Theo GDXH.