Trở về sau nhiều năm du học và biểu diễn ở nước ngoài, nghệ sĩ piano Bích Trà đã có những chia sẻ cùng khán giả về âm nhạc cổ điển nói chung, và về hai album mới của chị nói riêng.
Buổi trò chuyện của chị thu hút gần 200 khán giả, và đáng ngạc nhiên hơn khi hầu hết đều là khán giả trẻ - đối tượng được cho là xa lạ với âm nhạc cổ điển.
Theo nghệ sĩ Bích Trà, việc âm nhạc cổ điểm hay âm nhạc hàn lâm không hẳn là loại âm nhạc khó nghe một cách tuyệt đối như đang được mặc định hiện nay. Cũng giống như loại hình âm nhạc khác, nhạc cổ điển cũng tùy theo bản mà khó nghe hay không. Với loại nhạc này, có bản dài mấy chục phút nhưng cũng có bản chỉ khoảng 20 – 30 giây. Với khán giả mới tiếp cận, chắc chắn sẽ không cảm thấy khó khăn để thẩm thấu các bản ngắn, đơn giản. “Tôi từng đăng tải những bản thu của mình lên mạng, và được rất nhiều khán giả trẻ hưởng ứng. Trong đó, có khán giả còn để lại bình luận nhạc cổ điển cũng dễ nghe đấy chứ!”, nghệ sĩ Bích Trà cho biết.
Thực tế, với nhạc có lời, phần lời sẽ ít nhiều giúp khán giả hiểu và “cảm” được bài hát, thì nhạc cổ điển hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng cảm thụ của mỗi người, theo cách của riêng mình. Trả lời câu hỏi làm thế nào để “cảm” được âm nhạc cổ điển một cách dễ dàng nhất, nghệ sĩ Bích Trà cho biết chỉ cần nắm được vài "chìa khóa". “Để thấy được một câu văn hay bạn phải biết đâu là ngữ pháp, đâu là kết cấu hoặc thậm chí phải học từ vựng. Âm nhạc cũng thế. Nhạc cổ điển vốn không phải là loại hình gần gũi như nhạc dân tộc, nhưng cũng giống như học tiếng Anh vậy, chỉ cần nắm được ngữ pháp thì sẽ nhanh chóng “nhập” được”, chị chia sẻ.
Tuy nhiên, việc học cách thưởng thức âm nhạc cổ điển và học ngoại ngữ chỉ là một sự so sánh về hình thức, bởi trong thực tiễn, tại Việt Nam, không hề có một giáo trình nào hướng dẫn cách “mở khóa” âm nhạc cổ điển, trước nhất là bằng việc biết thưởng thức đúng cách, như học ngoại ngữ. Nếu có giáo trình, tài liệu thì đó cũng chỉ được lưu hành nội bộ tại nhạc viên, trường nghệ thuật… “Điều này, tôi và những người bạn của tôi đã nhìn thấy từ cách đây vài năm. Thật tốt biết bao nếu như có một tài liệu hướng dẫn, nhưng tiếc là chúng ta vẫn chưa có, ngay cả là sách dạy về âm nhạc dân tộc. Đó là chưa kể, hệ thống giáo dục của chúng ta vẫn chưa định vị được sự quan trọng của giáo dục âm nhạc”, chị cho biết. Theo chị, âm nhạc có tác động rất lớn đến việc tư duy logic, bổ trợ rất nhiều cho việc học tập những môn khác. Ở các nước châu Âu, ngay từ các lớp học nhỏ nhất, việc thông hiểu âm nhạc đã được đặt ngang tầm giá trị với sự thông hiểu các môn khác. Trong thư viện các trường hay trong nhà sách, tư liệu dạy thưởng thức âm nhạc không bao giờ thiếu. Nếu như ở Việt Nam, nhạc cổ điển gần như là một khoảng trống thì ở các nước, thậm chí là trong khu vực như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản… nhạc cổ điển được phát triển theo một chiến lược khá rõ ràng. Cách đây vài chục năm, Việt Nam bỏ xa Singapore trong lĩnh vực này, thì hiện tại, Singapore đã có 3 nhà hát riêng cho nhạc cổ điển, nghệ sĩ thường xuyên được mời đi lưu diễn các nước. Tại Trung Quốc, nghệ sĩ Lang Lang cũng trở thành hình mẫu nghệ sĩ châu Á đầu tiên trong con mắt châu Âu ở lĩnh vực này.
Một cách nào đó, khi nhiều nước Âu va Á tiệm cận nhau về âm nhạc cổ điển, thì Việt Nam thậm chí còn “thua” ngay trên sân nhà, nói chi là vươn ra thế giới!
Theo Datviet.