Lên vùng miền núi Bắc Kạn vào khoảng tháng ba, tháng tư âm lịch hàng năm sẽ bắt gặp mùa rau ngót rừng. Những người dân sinh sống ở nơi đây đã quen với mùa thu hoạch loại rau ngót đó.
Dịp này, những bó rau ngót thon dài hay những lá rau ngót gói vuông vức trong tàu chuối sẽ được đồng bào dân tộc bày bán nhiều trong các phiên chợ. Rau ngót rừng không biết tự bao giờ đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân Bắc Kạn.
Rau ngót rừng (còn gọi là rau Sắng) không phải là loại cây nhỏ, thân bụi như rau ngót nhà. Cây ngót rừng thuộc họ thân gỗ, mọc tự nhiên trên vùng núi đá. Cây ngót cao hơn đầu người, cành lá sum sê. Cuối mùa đông cây ngót rụng hết lá già, mùa xuân, khoảng tháng tháng 2, cây bắt đầu ra những đọt lá non đầu tiên, và đến tháng 3 tháng 4 là mùa thu hoạch ngọn, lá và cả những chùm hoa. Người dân vùng cao Bắc Kạn mùa này quẩy từng giậu ngót trên núi cao mang về. Những bó rau xanh mướt được bảo quản cẩn thận trong giậu phủ lá chuối để kịp cho ngày chợ phiên bắt đầu từ buổi sáng tinh sương hôm sau. Vào mùa rau ngót rừng, dễ dàng tìm mua được một mớ rau ngót tươi ngon, xanh mướt ngay giữa lòng thị xã Bắc Kạn. Những người buôn bán chuyên chở về thị xã thứ rau này từ khắp các huyện trong tỉnh như: Ngân Sơn, Ba Bể, Bạch Thông…
Rau ngót rừng đem về không phải chế biến cầu kì. Chỉ cần tuốt lấy những đọt lá non, rửa sạch, vò qua rồi đun nước sôi, thả lá ngót vào nấu canh là đã có một món canh với vị ngọt đậm đà tự nhiên. Rau ngót rừng không chỉ là món ăn ngon mà còn rất bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe nhất là đối với phụ nữ mang thai.
Người dân Bắc Kạn khi đi xa đều nhớ về món ăn đặc biệt này của quê hương mình.
Thu Hà.