Sóc Sơn - vùng du lịch tâm linhDu lịch tâm linh là loại hình tuy còn mới la, nhưng đã có sức thu hút mạnh.

Thời gian gần đây, rất nhiều du khách thập phương lại tìm về Sóc Sơn - vùng đất chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 40km - để thưởng ngoạn du lịch tâm linh. Nói vậy là vì ở Sóc Sơn thời gian qua, một quần thể du lịch với chùa Non Nước, Đền Gióng, Học viện Phật giáo Việt Nam… đã được hình thành thu hút số đông du khách tìm đến.

Chúng tôi tìm về Sóc Sơn, về với quần thể đình, đền, chùa linh thiêng. Nơi chúng tôi tìm tới đầu tiên là khu di tích đền Sóc - một di tích lớn, được bao bọc bởi núi và hồ. Ấn tượng đầu tiên về nơi đây chính là vẻ đẹp kỳ vĩ của trời, mây, sông nước khiến du khách ngỡ ngàng. Tại đây, du khách được chiêm ngưỡng một vùng rừng núi bao la, bốn mùa cây cối xanh tươi và những khóm tre đằng ngà vàng óng. Khu di tích đền Sóc đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp quốc gia từ những năm 1962. Mái đền ẩn mình dưới tán cổ thụ hàng trăm năm tuổi như tô thêm vẻ đẹp chốn tôn nghiêm, cổ kính. Những di tích như đền Trình, đền Mẫu (nơi thờ mẹ Thánh Gióng), chùa Đại Bi, đền Thượng, hòn đá Trồng (tương truyền là áo giáp của Thánh Gióng để lại trước khi bay về trời) và lăng, bia đá ghi lại lịch sử lễ hội đền Sóc, tạo thành một tổng thể hài hòa, sống động. Tất cả những công trình này được xây dựng và trùng tu từ giai đoạn tiền Lê. Qua nhiều lần tôn tạo, tu bổ của các triều đại phong kiến khác đã góp phần làm cho khu di tích ngày càng to đẹp.

 Cùng nằm trong khu đền Sóc là chùa Non Nước. Theo lời giới thiệu của Thượng tọa Thích Thanh Quyết (trụ trì chùa Non Nước) cùng với Tượng đài Thánh Gióng đang được xây dựng thì đây cũng là công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tại đây, tâm điểm thu hút du khách thập phương và khách quốc tế là pho tượng Phật Tổ bằng đồng được coi là lớn nhất Đông Nam Á. Tượng cao 6,5m, nặng 30 tấn đúc liền khối. Năm 2001 bức tượng Phật khổng lồ này được rước lên đặt chính giữa nền chùa Non Nước ở độ cao 110m so với chân núi. Chùa Non Nước được xây dựng trên nền đất chùa cũ từ thời Tiền Lê, theo kiến trúc chùa cổ 7 gian 2 trái, với những hoạ tiết hoa văn theo nguyên mẫu của thời Tiền Lê. Chùa Non Nước được dựng theo thế long chầu, hổ phục. Bức tượng Phật Tổ và chùa Non Nước được đặt trong vòng cung.Đức Phật ngự trên ngai tựa lưng vào núi, chung quanh có 9 ngọn núi lớn nhỏ chầu vào: Núi Đồng Sóc, núi Đá Đen (trên núi có hàng trăm phiến đá lớn nhỏ giống như từng đàn trâu, voi năm phủ phục), núi Voi Phục, núi Mũi Cày, núi Vẩy Rồng, núi Đá Chồng…

Tiềm năng du lịch của Sóc Sơn hôm nay cũng đang tiếp tục được mở rộng. Trước hết là Dự án xây dựng tượng đài Thánh Gióng - một công trình trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành. Tượng đức Thánh Gióng đúc bằng đồng trên cao 1.000 bậc đá tay cầm gậy tre, trên lưng tuấn mã bay vút lên trời, tượng trưng cho Thăng Long - Hà Nội tròn 1.000 tuổi, sẽ là một tượng đài cung nghi, lộng lẫy. Tất cả tạo cho du lịch Sóc Sơn một sức thu hút mới lạ ở thế mạnh du lịch sinh thái và tâm linh.

Quanh khu vực đền Sóc (địa phận xã Phù Linh) cũng đã được hình thành một khu rộng 67ha bao gồm: Bảo tồn di tích văn hóa Đền Sóc, Học viện Phật giáo Việt Nam. Khu du lịch sinh thái rộng 87ha có hồ nước Thanh Trì và hàng trăm nhà nghỉ cho khách du lịch vào những ngày cuối tuần. Khu vui chơi cảm giác mạnh và khu xây dựng các công trình công cộng...

Rừng Sóc Sơn cũng đang được quy hoạch theo ý tưởng là lá phổi của thành phố. Việc này sẽ giúp quản lý tốt hơn để rừng Sóc Sơn trở thành rừng phòng hộ môi trường. Khi đó, rừng Sóc Sơn hoàn toàn có thể biến thành khu du lịch sinh thái khổng lồ…

Đến một lần để rồi mãi vấn vương là cảm giác chung của đoàn chúng tôi. Mong sao, du lịch Sóc Sơn ngày càng phát triển phục vụ du khách vào những ngày nghỉ cuối tuần với điểm đến là du lịch tâm linh kết hợp với sinh thái nghỉ dưỡng.

Theo KTĐT.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC