Tiền ít, làm sao phim hayCơ chế đổi phim lấy quảng cáo của các đài truyền hình hiện nay không kích thích các hãng phim bỏ tiền đầu tư lớn cho phim truyền hình.

Chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình đã được thực hiện trong 4-5 năm qua và đã tạo bước đột phá về số lượng phim Việt sản xuất mỗi năm. Việc sản xuất phim Việt cũng đã bắt đầu vào “guồng” hơn trước nhưng chất lượng vẫn chưa thể nâng cao để đáp ứng đòi hỏi của khán giả, bởi kinh phí đầu tư cho mỗi phim có hạn và nhiều năm qua vẫn không thay đổi.

Lỗ chịu, lời không được ăn!

Phim truyền hình thời gian qua hầu như chỉ bó hẹp trong phạm vi đề tài đương đại, bối cảnh “nội” chiếm đa số. Hiếm hoi lắm mới có được những phim thể loại lịch sử hoặc hành động. Nguyên nhân cũng chỉ vì ít tiền. Với phương thức cấp sóng đổi lấy phim, số tiền đầu tư sản xuất cho từng phim do các hãng tự bỏ ra, nhà đài trả cho nhà sản xuất không bằng tiền mặt mà đổi bằng thời lượng quảng cáo trên phim. Trung bình, các hãng sản xuất chỉ được phép đầu tư không quá 200 triệu đồng/tập phim.

Do đó, nếu phim không chào mời đủ số mẩu quảng cáo mà nhà đài cho phép, phần lỗ nhà sản xuất phải chịu, nhà đài không chịu trách nhiệm san sẻ. Ngược lại, phim phát sóng ăn khách, số mẩu quảng cáo xen vào giờ phim phát sóng nhiều hơn thời lượng nhà đài cấp thì phía nhà sản xuất cũng không nhận được số tiền trên mức quy định 180 triệu đồng/tập.

Đây là nghịch lý mà lâu nay các nhà đầu tư sản xuất phim truyền hình phải gánh chịu. Cơ chế hợp tác này biến nhà sản xuất trở thành người gia công phim cho các đài truyền hình nên có muốn đầu tư nhiều hơn để có được một sản phẩm tốt hơn cũng không thể.

Một vấn đề khác là tiền sản xuất phim do các hãng bỏ ra nhưng bản quyền thuộc các nhà đài nên việc mua bán, chuyển nhượng đều phải được các đài cho phép. Việc tìm nguồn thu khác để bù đắp cho chi phí sản xuất phim là rất khó khăn.

“Liệu cơm gắp mắm”

Kiểu đầu tư cào bằng hiện nay không kích thích được sự đầu tư thích đáng của các nhà sản xuất. Hậu quả là màn ảnh nhỏ nhan nhản những bộ phim làng nhàng như nhau vì cách làm phim quay 2 ngày/tập cho đỡ tốn kém. Hiếm hoi lắm mới có những phim thể loại lịch sử hoặc bối cảnh đương đại được đầu tư kỹ lưỡng và cũng chỉ có hãng phim Nhà nước như TFS mới dám bỏ tiền ra làm.

Gần đây nhất là phim Vó ngựa trời Nam với mức đầu tư lên đến 400 triệu đồng/tập-một con số trong mơ đối với các nhà làm phim tư nhân nhưng cũng chả thấm vào đâu so với yêu cầu về bối cảnh trong kịch bản và thực tế chi phí cho phim (thường bị hạ xuống 1/5 so với dự kiến ban đầu). Do vậy các nhà làm phim buộc phải “ăn gian” cảnh quay, xoay đầu này đắp đầu kia hoặc cố gắng tìm tài trợ để giảm gánh nặng chi phí.
 
Nếu không kiếm được tài trợ thì đạo diễn phải “liệu cơm gắp mắm”, cắt bớt bối cảnh tốn nhiều tiền, giảm bớt tình tiết trong phim, thậm chí cắt bớt vai diễn... Xem phim Những thiên thần áo trắng đang phát sóng, khán giả thắc mắc tại sao một trường học mà chỉ thấy có mỗi một lớp học với bấy nhiêu học sinh. Lý giải điều này, đạo diễn Lê Hoàng phân trần do tiền ít nên không thể mời diễn viên quần chúng làm học sinh và may đồng phục cho họ.

Tất nhiên, phim làm theo kiểu “liệu cơm gắp mắm” thì không thể đòi hỏi có chất lượng cao.

Theo NLĐ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC