Văn hóa Việt trong tiến trình hội nhậpĐại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đang đến gần. Năm 2009 này với dân tộc ta có ý nghĩa vô cùng to lớn mang tầm vóc lịch sử! Hội tụ đủ điều kiện, thể hiện bản lĩnh và sức mạnh của một nền văn hóa được thử thách qua chiều dài bốn nghìn năm lịch sử. 

Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, Đảng ta đã khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ( khoá IX) đã khẳng định, phát triển văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế và xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị. Đảm bảo thực hiện tốt ba lĩnh vực trên là điều kiện đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Nói như nhà sử học Dương Trung Quốc: “Nhận thức về văn hóa có nhiều cách diễn đạt khác nhau, nhưng nói cho cùng là ứng xử của con người với thiên nhiên, đồng loại và xã hội. Văn hóa hội nhập là năng lực của con người được thể hiện trong mối quan hệ đối với người khác, đối với xã hội khác, quốc gia khác... và nói cho cùng cũng chính là văn hóa khác ...”.

Trong quá trình hội nhập và phát triển, không tránh khỏi nguy cơ mai một, thậm chí thất truyền văn hóa truyền thống. Chính vì vậy, chưa bao giờ việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống được đặt ra cấp thiết như ngày nay. Làm sao để phong tục tập quán, lễ hội dân gian, hồn văn hóa dân tộc thấm sâu vào đời sống đang ngày một phát triển, gần gũi, thân thiết đến mức trở thành một nhu cầu không thể thiếu, mỗi người đều có thể cảm nhận bằng trái tim, bằng khối óc, lòng đam mê, yêu kính và tự hào đến say lòng.

 Đất nước của chúng ta trải bao thăng trầm lịch sử, nhiều khi bị kẻ thù đô hộ, tàn sát nhằm hủy diệt nền văn hóa phong phú và độc đáo, chúng hiểu rằng, nếu làm được điều đó sẽ khuất phục được dân tộc ta. Tự hào thay, chúng ta vẫn giữ được tiếng nói riêng, chữ viết riêng, phong tục tập quán riêng cùng bao lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc: Cả dân tộc ta vẫn khắc ghi: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Thử hỏi nếu thiếu đi những điệu quan họ trữ tình, những điệu hát xoan tình tứ, những buổi trình diễn rối nước nơi ao làng… của đồng bào miền xuôi; những nét thổ cẩm duyên dáng, lung linh sắc mầu, cùng những điệu “xòe”, điệu “khắp”, “sli lượn”… và những tiếng khèn như tiếng của đại ngàn của đồng bào miền núi Tây Bắc; vũ điệu cồng chiêng, lễ hội đâm trâu… của đồng bào Tây Nguyên; những điệu  hò ví dặm của đồng bào miền Trung; lễ Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của người Khmer...; những làn điệu cải lương, “Hô bài chòi”… của người dân Nam bộ. Nếu thiếu đi tiếng đàn bầu thánh thót, tiếng sao du dương, cùng âm thanh tuyệt vời của các nhạc cụ được chắt lọc từ bao đời của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao?

Thực tế ngày nay nhiều giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc đang bị sao nhãng, biến thể, giản lược và thưa vắng trong đời sống tinh thần của người dân. Điều đó đồng nghĩa với môi trường lành mạnh, tạo điều kiện cho văn hóa dân tộc đang bị thu hẹp dần. Cuộc sống phát triển ngày càng nhiều dịch vụ, tiện nghi hiện đại thì không gian cho những nghi lễ truyền thống sẽ càng bị thu hẹp, đó cũng là quy luật.  Song “ta không thể ôm khư khư một thực thể mà luôn có sự biến động không ngừng theo quy luật của sự phát triển, cái gì nhàn nhạt, lưng chừng tất yếu sẽ bị đào thải, những gì có thể tồn vinh được sẽ là chính nó với tính đặc thù khu biệt, là tinh hoa, tinh thần của cả cộng đồng. Những giá trị văn hoá…cũng không nằm ngoài quy luật đó, bảo tồn là gìn giữ và phát triển trên tinh thần ấy.” (GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính).

Trước sự cấp thiết bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân tộc trong thời kỳ mở cửa và hội nhập. Trước nguy cơ mất còn của các lễ hội truyền thống, nghệ thuật dân gian đang đặt ra ngày một gay gắt, thì càng đòi hỏi có sự chung tay gìn giữ của các cấp, các ngành và của mỗi người dân. Trong những năm gần đây nhiều lễ hội, phong tục tập quán khắp mọi miền được quan tâm phục dựng cũng xuất phát từ mục đích đó. Sự giao thoa văn hoá đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp mọi miền đất nước, thể hiện trên nhiều lĩnh vực như: Không gian kiến trúc, âm nhạc, mỹ thuật, ẩm thực... đem lại một diện mạo mới cho nền văn hóa. Các dân tộc hiểu thêm văn hóa các dân tộc và vùng miền trong cả nước, tạo điều kiện cho văn hóa các dân tộc giữ được nét đặc thù, vượt qua không gian nhỏ bé của bản làng, lan tỏa trong cộng đồng và trở thành thương hiệu của từng vùng, từng dân tộc, khơi nguồn cảm xúc sáng tạo cho các văn nghệ sỹ, các nghệ nhân dân gian. Ngay tại Thủ Đô Hà Nội, không mấy ai còn lạ lẫm với kiến trúc nhà sàn, văn hóa ẩm thực của các dân tộc ít người của Tây Bắc, Tây Nguyên…

Nhưng nếu những nhà hoạch định chính sách cho đến từng người dân đất Việt không thấm nhuần những điều tất yếu sẽ đến, thì rất có thể quá trình hòa nhập cũng đồng nghĩa với hòa tan các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Không có người Việt chân chính nào lại mong muốn con cháu của chúng ta sau này lại quên đi những giá trị văn hóa đã chắt lọc từ ngàn xưa. Bởi vì văn hóa là cái còn lại sau khi tất cả những thứ khác mất đi, mãi mãi còn thiếu ngay cả khi vật chất đã dư thừa. Cái chính là chúng ta làm thế nào để đứng trước “làn gió” hội nhập này, những giá trị văn hoá truyền thống ấy không những không mất đi mà còn được thăng hoa, tỏa sáng. Dân tộc ta từng vượt lên mọi sự hủy diệt của ngoại xâm tàn bạo nhất, chắc chắn chúng ta sẽ ngày một giữ vững và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo QDND.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC