Với niềm đam mê và đôi bàn tay khéo léo, ông Nguyễn Văn Léo đã làm ra bộ sưu tập mô hình tàu thủy lên đến hàng trăm chiếc.
Ông Nguyễn Văn Léo năm nay 61 tuổi, ngụ ấp Thới Lợi 2, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Bộ sưu tập gồm hàng trăm mô hình ghe, tàu không chỉ gắn với cuộc đời của ông ở miền sông nước mà còn gắn với một thời hào hùng kháng chiến cứu nước.
Với bộ sưu tập độc đáo này, ông đã được mời tham gia triển lãm tại Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ nhất ở TP Cần Thơ ngày 24/4 tới.
Để đừng quên sông biển
20 năm trước, ông Léo không thể tiếp tục theo nghề đánh bắt cá, cái nghề gắn chặt với ông từ lúc rời lớp 3 trường làng theo cha bôn ba đánh cá từ vùng biển Bình Tuy, Phan Thiết đến tận biên giới Campuchia. Giải nghệ, ông chẳng biết làm gì ngoài việc giúp vợ việc gia đình. “Chẳng lẽ sau mấy chục năm sống với biển trời nay lại phải bầu bạn với đống nồi niêu, xoong chảo trong nhà? Phải tìm việc gì đó làm để đừng quên sông, quên biển chứ”.
Nghĩ mãi rồi ông cũng tìm được câu trả lời: “Mình đi nhiều và chứng kiến nhiều loại ghe, tàu đặc trưng của các miền đất nước. Sao không tìm cách lưu giữ chúng lại để mai sau con cháu mình còn biết về hình ảnh, lịch sử của những con tàu mà cha ông đã từng dùng để sinh sống và gìn giữ biển trời Tổ quốc”.
Nghe ông nói về ý tưởng độc đáo này, một bác thợ mộc gần nhà đã giúp ông cưa, đục, đẽo... để làm mô hình ghe, xuồng, tàu, thuyền. Thế là những chiếc xuồng ba lá, ghe tam bản… đầu tiên trong bộ sưu tập lần lượt ra đời. Ông Léo nhận thấy muốn làm cho thật giống và đúng với công năng của từng loại ghe, tàu, thuyền thì không thể chỉ dựa vào… trí nhớ. Ông đã tự bỏ tiền túi, lặn lội ra tới miền Trung, xuống tận Cà Mau để gặp để sưu tầm các mẫu tàu thuyền.
Giữ gìn cho con cháu mai sau
Để có được bộ sưu tập ghe, tàu, thuyền độc đáo, nhiều năm ròng, ông phải thử nghiệm đến cả chục loại gỗ để rồi cuối cùng chọn gỗ mít, loại gỗ có sẵn tại quê nhà, dễ dục đẽo nhưng rất bền. Thoáng chốc đã 20 năm kể từ ngày làm ra những chiếc ghe, xuồng đầu tiên. Giờ đây, trong bộ sưu tập của ông Léo đã có nhiều loại ghe, tàu, thuyền đặc trưng ở nhiều địa phương như: ghe lườn An Giang; ghe tam bản Cần Thơ; xuồng ba lá, vỏ lãi Kiên Giang; xuồng mỏ quạ An Giang; tàu du lịch Tiền Giang; ghe cào đôi, ghe biển Long Hải; tàu câu mực Bình Định... Bộ sưu tập này còn có tàu há mồm, tàu kéo chuyên dùng của quân đội Mỹ… Tất cả đều được ông thực hiện công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết…
Ông Léo khẳng định: “Bộ sưu tập này ra đời từ tấm lòng của tôi đối với biển trời quê hương, đất nước sau mấy chục năm gắn bó nên tôi không tính đến chuyện mua bán”. Vì thế, khi Bảo tàng tỉnh Tiền Giang ngỏ ý mượn bộ sưu tập độc đáo của ông để triễn lãm nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, ông đã vui vẻ nhận lời mà chẳng tính toán thù lao.
Ông Lê Ái Xiêm, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Bộ sưu tập của ông Léo đã làm nhiều người choáng ngợp. Nhiều cán bộ lão thành cách mạng, từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam, đã khóc khi “gặp lại” những chiếc tàu của Mỹ mà hồi kháng chiến để tiêu diệt chúng, nhiều đồng đội của họ đã ngã xuống”.
Ông Léo còn thực hiện gần 50 mô hình máy bay các loại mà quân đội Mỹ đã từng sử dụng - từ trực thăng đến phản lực F7, B52… “Tôi làm những mô hình máy bay mà ngày xưa kẻ thù đã dùng để gieo rắc bom đạn, giết hại đồng bào mình để nhắc nhở, giáo dục cho thế hệ mai sau về lòng yêu nước, yêu hoà bình”, ông tâm sự.
TH.