Việc nghệ sĩ Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn không xin phép các cơ quan quản lý văn hóa trong nước là tồn tại từ nhiều năm nay.
Chỉ khi có sự cố xảy ra và thông tin truyền về trong nước như: trốn thuế, tham gia những chương trình có nội dung phản động thì các cơ quan chức năng mới “sờ” đến họ. Sự việc mới đây nhất là ca sĩ Bảo Yến và Kim Tiểu Long bị đình chỉ biểu diễn có thời hạn, bị xử phạt hành chính bằng tiền cùng với NSƯT Minh Vương, ca sĩ Minh Phụng và ca sĩ Quang Dũng do sai phạm trong quá trình biểu diễn tại hải ngoại.
Tham gia biểu diễn trong một số chương trình của Trung tâm Băng nhạc ASIA và Trung tâm Băng nhạc Thúy Nga phát hành, theo quyết định của Bộ VH-TT-DL, ca sĩ Bảo Yến và Kim Tiểu Long đã có những hành vi vi phạm các quy định về tổ chức biểu diễn, ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật không xin phép, không báo cáo cơ quan có thẩm quyền, phổ biến tác phẩm âm nhạc không có giấy phép. Vì hát tác phẩm âm nhạc thuộc loại cấm phổ biến nên Bảo Yến nhận mức phạt nặng hơn: đình chỉ biểu diễn nghệ thuật trên toàn quốc trong thời hạn 6 tháng, với Kim Tiểu Long là 3 tháng, kể từ ngày 29-9-2008. Không những cấm biểu diễn trên sân khấu mà 2 ca sĩ này cũng không được trình diễn trên sóng phát thanh, truyền hình; tham gia thu âm, phát hành băng, đĩa (bao gồm cả các chương trình tái bản).
Ca sĩ Bảo Yến (ảnh trái) và Kim Tiểu Long (ảnh phải) |
Các bài hát của các ca sĩ biểu diễn không có nội dung phản động, đả kích chế độ, mà chỉ có những hình ảnh minh họa và lời dẫn của MC trong các chương trình của Thúy Nga và ASIA mới “có vấn đề”. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý văn hóa không căn cứ vào nội dung chương trình để xử lý ca sĩ là chưa khách quan và thấu đáo. Đối với ca sĩ , khi nhận lời hát cho chương trình nào và hát ở đâu, họ đều phải thể hiện ý thức trách nhiệm của một công dân, một nghệ sĩ. “Bộ VH-TT-DL khuyến cáo các ca sỹ Việt Nam không nên biểu diễn trong chương trình của các tổ chức chống phá, nói xấu, bôi nhọ Việt Nam chứ có cấm được đâu”, ông Trần Văn Khôi, Thanh tra Bộ VH-TT-DL, nói với báo giới.
Mức xử phạt còn nhẹ
Theo Nghị định 56/2006/ NĐ-CP ngày 6-6-2006, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin thì phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi công bố, phổ biến tác phẩm âm nhạc ra nước ngoài mà không có giấy phép; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi công bố, phổ biến ra nước ngoài tác phẩm âm nhạc thuộc loại cấm công bố, phổ biến. Mức phạt này được coi là quá nhẹ so với mức cát sê của họ cho một lần hát ở nước ngoài. Đó là chưa nói đến việc ca sĩ thường chạy nhiều sô trong một chuyến lưu diễn.
Ngoài ra, theo nghị định, mức phạt đối với các hành vi công bố, phổ biến tác phẩm báo chí, sân khấu, âm nhạc ra nước ngoài lại thấp hơn mức phạt cùng hành vi này với đối tượng là tác phẩm xuất bản và tác phẩm điện ảnh. Phải chăng, mức độ ảnh hưởng của báo chí, sân khấu và ca nhạc ít hơn so với tác phẩm xuất bản và điện ảnh (?). Khi công nghệ kỹ thuật số phát triển và nạn băng đĩa lậu hoành hành như hiện nay, thì loại hình nào phổ thông hơn sẽ ảnh hưởng lớn hơn, mà âm nhạc là một ví dụ. Ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL cho rằng, Nghị định 56/2006/NĐ-CP cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với điều kiện hiện nay.