Thảm họa mang tên… vợ Người ta thì đẹp đẽ phô ra, xấu xa che lại còn vợ anh áp dụng ngược lại hoàn toàn. Ngực chảy xệ, dài như quả mướp, vợ vẫn hồn nhiên diễu ra phố mà không dùng “nội thất”...

 “Vợ anh thế. Sao vợ em lại vậy? Địa ngục lắm! Địa ngục lắm!" - Hai tay vò đầu giật tóc, anh luôn miệng than thở với ông anh đứng nắng. Rồi cũng như mọi lần, khi anh rể thở dài đến thượt, phát biểu một câu quen không thể quen hơn: “Có trời mà biết. Vì trời sinh tính mà”, anh lại chán ngán đứng lên, liêu xiêu đi thẳng ra cổng, không buồn chào từ biệt.

Anh rệu rã đi từ đầu khu đến cuối phố, so sánh hết cô này đến chị kia với vợ mình. Và tuyệt nhiên anh không thể tìm ra được một điểm gì nhen nhóm có thể cứu vớt hình ảnh cho vợ. Rồi càng tìm, càng so sánh, anh càng thấy vợ giống như… cục sắt, để lâu chút nào là hoen rỉ, méo mó, xấu xí chút ấy. 

Anh không muốn nói xấu vợ vì xấu nàng hổ ai. Không nhắc tới vợ thì thôi, nhắc đến là chỉ thấy nguyên một vùng thảm họa đặc sệt mang tên vợ được lưu trữ trong cái khối óc rầu rĩ của anh.

Vợ anh đấy! 35 tuổi, 9 năm làm dâu nhưng số lần cầm chổi quét dọn nhà cửa đếm không hết nổi đầu ngón tay. Cái chổi, cái khăn lau trong nhà có cùn, mòn đi gần như do tay anh lau dọn. 

Nhà anh. Bất cứ ai bước vào “cái ổ” ấy cũng không dám ngồi xuống ghế, chứ đừng nó đến việc ghé miệng vào chiếc chén mà uống một hớp nước. Bụi từng lớp, từng tảng, một mùi tanh tanh, nồng nồng lúc nào cũng sộc thẳng vào mũi của những ai chẳng may có việc ghé vào nhà anh. Đã mấy năm nay, anh không dám mời ai đến chơi nhà mình ngay cả dịp lễ Tết.

Quần áo của vợ thì thôi rồi. Đồ mặc dở không thơm tho đã đành, đồ trên người cũng khiến người ta phải bịt mũi vì cái mùi chua chua 3 ngày không thay một bộ. Đồ thay ra, bất kể là đồ lót hay đồ dài, vợ anh quăng thẳng vào chậu nước để chình ình trong phòng tắm, năm ngày, bảy ngày chưa thèm giặt. Chỉ đến khi anh cáu kỉnh, gào thét vì không chịu được cái mùi “kinh dị” thì chị mới lượt thượt, nặng nề thanh lý đống quần áo nước đã chuyển màu đen ngòm ấy. 

Quần áo của con thay ra, vợ anh dồn thành từng núi, từng núi cứ dồn hết góc này lại nhét vào góc kia. Anh nhìn thấy dọn gọn được hôm trước thì hôm sau lại đâu vào đấy.

Tất cả các thứ mùi đó cộng với mùi thức ăn thừa bị ôi thiu tỏa ra từ phòng bếp khiến cho ngôi nhà 3 tầng vừa xây cách đây mấy năm giờ không khác gì đứng ở bãi rác.

Người ta thì đẹp đẽ phô ra, xấu xa che lại còn vợ anh áp dụng ngược lại hoàn toàn. Ngực chảy xệ, dài như quả mướp, vợ vẫn hồn nhiên diễu ra phố mà không dùng “nội thất” dưới lớp áo mỏng tang, quần lò xo lớp trên lớp dưới. Đã thế, vợ còn “duyên dáng”, mạnh miệng chê “con bé kia mặc dị hợm”, “chị gái sề kia mặc vô duyên”… Những lúc thế, anh chỉ ước vợ đứng lại trước gương và thở dài khi nhìn thấy mình trong đó.

Vợ anh không ngại đứng giữa phố chửi cô hàng xóm chỉ vì thằng con anh nghịch đánh không lại thằng bé con chị hàng xóm ấy và bị nó đánh cho. Vợ anh cũng không thẹn thùng khi vào nhà hàng xóm, thấy mâm cơm ngon nhà người ta liền sà xuống, cầm đũa nếm món này, thử món kia mà không cần mời mọc. 

Độ khác người tới mức thảm họa của vợ anh có thể sẽ được lưu truyền trong khu phố từ đời này sang đời khác khi chị hồn nhiên ăn to, nói lớn, cười vang trong đám hiếu nhà người ta. Vợ anh “tinh ý” nói với cô gái nhà bên cạnh: “Về nhà đó, chả mấy chốc mà bố chồng thăng thiên đâu. Sướng nhé!” trước mặt hai họ khi hay tin cô gái ấy cưới chạy vì bố chồng ốm…

Vợ người ta lo toan, đảm đang, khéo léo đủ các ngón nghề. Anh không muốn bêu xấu vợ, nhưng sao nhìn đâu cũng thấy... ngán vợ!

Theo Tri thức trẻ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC