Đi khắp đó đây, khám phá văn hóa nhiều đất nước trên thế giới, nhưng nét thân thuộc, hiền hòa dọc 3 miền Bắc - Trung - Nam Việt Nam vẫn in sâu và chiếm trọn tình cảm trong tôi.
Với niềm say mê nhiếp ảnh, tôi cố gắng thu vào ống kính những khung hình chỉn chu và cảm xúc về vẻ đẹp đất nước. Tôi muốn gìn giữ những khoảnh khắc bình dị đó để sau này không nuối tiếc muộn màng như nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn Bến quê (Nguyễn Minh Châu): "Suốt đời, Nhĩ từng đi khắp đó đây vậy mà cái bờ bên kia sông Hồng tưởng gần gũi nhưng lại xa lắc xa lơ bởi anh chưa đặt chân đến đó bao giờ".
Núi non hùng vĩ
Nhiều nhiếp ảnh gia say mê vẻ đẹp đất nước và có chung ý tưởng thực hiện những bộ ảnh chủ đề Việt Nam nhìn từ trên cao. Dẫu vậy, mỗi người gửi gắm cảm xúc riêng qua những khung hình và câu chuyện đằng sau mỗi tấm ảnh cũng tạo nên sự khác biệt.
Tà Xùa (Sơn La) nhìn từ trên cao được ví như "sống lưng khủng long".
Tây Bắc hùng vĩ với núi non trùng điệp.
Tôi dành nhiều năm để lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp dọc 3 miền đất nước. Những tấm hình đầu tiên được bấm máy vào cuối năm 2014. Thời điểm đó, tôi là người đầu tiên thực hiện dự án về đất nước nhìn từ trên cao. Những khung cảnh quan sát từ bầu trời đem đến trải nghiệm thú vị cho tôi, để tôi tiếp tục hành trình lưu giữ cảnh đẹp khắp 3 miền.
Nói đất nước ta rừng vàng biển bạc quả không sai vì cảnh quan miền nào cũng đầy mê hoặc. Những lần "bay" trên bầu trời ở Việt Nam, tôi thu vào ống kính những khoảnh khắc của núi non hùng vĩ, biển cả xanh ngợp trời, của những vùng đồng bằng trù phú... Mỗi nơi để lại một dấu ấn riêng.
"Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!"
Những câu thơ viết về Tây Bắc trong bài Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên thôi thúc tôi ghi lại những cảnh đẹp đồi núi nơi vùng cao. Nét hùng vĩ hiện lên qua những cung đường hiểm trở trên "sống lưng khủng long" Tà Xùa ở Sơn La, cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) nguyên sơ nơi địa dầu Tổ quốc, hay những ngọn núi trùng điệp ở thị trấn Sa Pa (Lào Cai) mờ sương. Điểm xuyết giữa núi đồi là những thửa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Y Tý (Lào Cai) uốn lượn từng tầng, vàng rực khi vào mùa gặt....
Mùa vàng Mù Cang Chải làm nên cảnh đẹp đặc trưng của vùng cao Tây Bắc.
"Bay" trên bầu trời Tây Bắc nhiều lần nhưng điều khiến tôi luôn say mê là vẻ đẹp của những đồng ruộng bậc thang trong mùa lúa chín nhìn từ trên cao. Từ trung tuần tháng 9 thường niên, lúa trên khắp sườn đồi, cánh đồng ở Mù Cang Chải chuyển sang sắc vàng rực rỡ, cuốn hút.
Nằm dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, ruộng bậc thang Mù Cang Chải là di sản văn hóa do người dân tộc địa phương tạo nên qua nhiều thế hệ.
Năm 2007, ruộng bậc thang ở 3 xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha được Nhà nước công nhận Danh thắng quốc gia. Không chỉ vậy, cảnh sắc Mù Cang Chải còn vào top 10 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới. Bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp nơi đây được "tô vẽ” trên 2.200 ha ruộng bậc thang kỳ vĩ đang vàng rực làm nao lòng bất cứ ai khi đến thăm.
Mù Cang Chải mùa nước đổ nhìn từ trên cao đẹp tựa những tấm gương trời.
Quang cảnh núi non không chỉ có vùng cao Tây Bắc. Xuôi về Phú Thọ, những đảo chè Long Cốc huyền ảo trong sương cũng hấp dẫn ống kính của tôi.
Khu vực này cách Hà Nội khoảng 130 km, được dân nhiếp ảnh xem là đồi chè đẹp nhất Việt Nam. Để chụp những bức ảnh đồi chè ẩn hiện trong sương, tôi phải đưa thiết bị bay lên chừng 200 m, vượt khỏi tầm sương trắng xóa. Nếu bay cao hơn sẽ không thấy đồi chè mà chỉ là một biển sương dày đặc.
Không gian xanh mượt bao phủ cả đồi chè Long Cốc.
Khi tới nơi 4 quả đồi nằm liền kề, nối tiếp nhau, cảnh quan hiện ra trước mắt vô cùng mãn nhãn. Những búp chè xanh non đang đến kỳ thu hoạch, phía xa là cung đường quanh co ảo diệu dẫn từ ngọn đồi này tới ngọn đồi khác... Cảnh quan cứ thế luân chuyển liên tục, mỗi khúc quanh lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Cảm giác bình yên bao trùm cả một vùng không gian xanh ngát.
Bên cạnh núi đồi, những vùng biển trải dài, nước xanh trong bên bờ cát trắng góp phần tạo điểm nhấn trong bộ ảnh Việt Nam nhìn từ trên cao của tôi.
Biển cả mênh mông
Với đường bờ biển dài 3.260 km, nhiều bãi biển ở Việt Nam từng vào top các bãi biển đẹp nhất thế giới. Từ Bắc vào Nam, có vô vàn điểm du lịch biển quen thuộc với du khách như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), vịnh Lan Hạ (Hải Phòng), Đà Nẵng, Mũi Né (Bình Thuận), Ninh Thuận, Phú Yên, Quy Nhơn, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)...
Từ cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi), du khách sẽ đi tàu để ra đảo Lý Sơn.
Thế mạnh của Hạ Long là cảnh sắc với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, rải đều trên vịnh như những nét chấm phá, điểm tô cho thiên nhiên nơi đây. Tôi cũng ghi lại vẻ đẹp của vùng vịnh ở Lan Hạ. Vẻ đẹp miền biển phía bắc mang nét hùng vĩ mà nguyên sơ.
Từ năm 2015 đến nay, tôi ghé nhiều tỉnh thành ở Trung Bộ, lưu lại cảnh biển nhìn từ trên cao ở nơi nối 2 đầu đất nước. Với tôi, miền biển đẹp nhất, tình nhất có lẽ ở duyên hải Nam Trung Bộ. Không đem theo phù sa nặng hạt, nước biển ở đây quanh năm trong xanh, sóng vỗ hiền hòa bên những bờ cát trắng.
Các bãi biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ hấp dẫn du khách bởi làn nước xanh trong.
Một trong những điểm du lịch biển làm nên hấp lực của miền Trung phải kể đến mũi Kê Gà (Bình Thuận). Kê Gà là một mũi đất nhô ra biển Đông cách thành phố Phan Thiết khoảng 40 km về phía tây nam. Nơi đây nổi tiếng với nước biển xanh mát, những ngọn núi được phủ đầy cát trắng tạo nên những điểm nhấp nhô tuyệt đẹp. Thủy triều lên biến khu vực thành một hòn đảo biệt lập, vây quanh là biển xanh. Những hòn đá đủ kích thước lớn, nhỏ và hình dạng tròn vuông, ngắn dài phơi mình bên bãi biển như đang "bày binh bố trận".
Phú Yên cũng là điểm sở hữu cảnh biển đẹp nhất nhì miền Trung. Tôi tới Phú Yên trước khi nơi này được biết đến nhiều qua bộ phim điện ảnh "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". Nhờ nét nguyên sơ, xứ Nẫu trong khuôn hình của tôi là những bãi biển xanh như ngọc, đường bờ biển quanh co, đẹp mắt.
Bãi biển ở Phú Yên nhìn từ bầu trời.
Nếu miền Bắc có Hạ Long, miền Trung có Nha Trang, Phú Yên, thì bờ biển phía nam lại hấp dẫn du khách nhờ nét quyến rũ của Phú Quốc, vẻ đẹp hoa lệ của bờ biển ở Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu)... Trên bản đồ du lịch Việt, 2 thành phố du lịch nổi tiếng ở Nam Bộ đều là những điểm nghỉ dưỡng quen thuộc với du khách.
Bình minh trên ngọn hải đăng Mũi Điện, Phú Yên.
Dọc theo chặng đường ghi lại bộ ảnh Việt Nam nhìn từ trên cao, tôi không đến từng nơi theo thứ tứ Bắc - Trung - Nam, cũng không ghé mỗi nơi một lần chỉ để chụp hình rồi rời đi. Tôi trở đi trở lại nhiều lần một địa điểm quen thuộc, khai thác bằng hết mọi góc chụp, hơn cả là hòa mình vào cuộc sống của người dân địa phương.
Đồng bằng trù phú
Ngược dòng về cuối năm 2015, thời điểm tròn một năm tôi "bay" trên những nẻo đường của dải đất chữ S, cũng là lúc chiếc drone (thiết bị ghi hình trên không) của tôi cất cánh ở đất mũi Cà Mau - cực Nam đất nước. Lúc đó, tôi hoàn thành tạm thời bộ khung cho chuỗi hình ảnh Việt Nam nhìn từ bầu trời đã thực hiện dần trong suốt một năm.
Những cánh đồng thốt nốt đặc trưng ở An Giang.
Nam Bộ trong ấn tượng của tôi là vùng Đồng bằng sông Cửu Long trù phú, như bức tranh đa sắc. Nơi đó có sự nhộn nhịp của những con người hào sảng, có vẻ đẹp mặn mòi từ thiên nhiên.
Trong những lần đến miền Tây, tôi có ghé chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) để cảm nhận nhịp sống thường ngày của người dân vùng sông nước. Khu chợ nổi bật với những chiếc ghe thuyền đủ màu xuôi ngược, người chèo xuồng như nghệ sĩ uốn dẻo với cây chèo điều khiển những chiếc xuồng con len lỏi khéo léo giữa hàng trăm ghe thuyền mà không hề va quệt.
Đến miền Tây, du khách có thể ghé thăm chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Cái Bè, hay chợ ở Châu Đốc.
Chợ nổi không chỉ có ở Cần Thơ, những phiên chợ miền sông nước còn hiện diện ở Cái Bè (Tiền Giang), Châu Đốc (An Giang). Mỗi sáng, giữa bốn bề sông nước, hàng trăm chiếc thuyền lớn bé đậu san sát với hình ảnh cây bẹo chào hàng, trên thuyền treo bán sản vật bán không cần phải rao hàng như các chợ trên đất liền.
Ngoài bức tranh đa sắc ở Cần Thơ, An Giang cũng là nơi tôi ấn tượng nhiều nhất bởi sự bình yên. Nét đẹp đồng quê miền Tây in dấu qua những cánh đồng thốt nốt xanh rì, rừng ngập mặn trù phú, vườn trái cây sai trĩu quả...
Để cảm nhận hết vẻ đẹp của miền Tây, bạn nên đến vào mùa nước nổi, khoảng tháng 7-10 âm lịch. Mùa nước nổi cũng là mùa mưu sinh của người dân miền Tây, lúc này các đàn cá đồng, nhất là cá linh non theo con nước đổ về, mang đến nguồn thủy sản phong phú. Trái với nét dung dị, chất phác của nhịp sống vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các địa điểm thuộc đồng bằng duyên hải miền Trung lại gợi vẻ hoài cổ, trầm mặc.
Người dân thu hoạch muối và lúa trên những cánh đồng ở Bình Thuận.
Hội An (Quảng Nam) thấp thoáng bóng dáng đô thị cổ sầm uất thế kỷ 17-18. Huế lại hằn lên dấu vết thời gian về quá khứ tôn nghiêm, lịch sử hào hùng. Ninh Thuận khác biệt với văn hóa Chăm đặc sắc...
Toàn cảnh kinh thành Huế nhìn từ trên cao.
Hội An giữ được nét hoài cổ qua nhiều thế kỷ.
Thật thiếu sót nếu bỏ qua nét đẹp bức tranh nông thôn vùng quê miền Bắc, nơi có những ruộng lúa thẳng cánh cò bay, điểm xuyết vài cây hoa gạo đỏ ven đường làng... gợi tôi nhớ đến những câu thơ trong bài Mộc miên chẳng nhạt phai của nhà thơ Nguyễn Đình Huân
"Mộc miên bên sông tháng tư cháy đỏ
Như tình mình ngày xưa đó đắm say
Bến sông quê tay ta nắm trong tay
Dưới gót chân sen rụng đầy hoa gạo".
Bức tranh đồng bằng trên dải đất chữ S không thể thiếu mảnh ghép của Hà Nội nhìn từ bầu trời. Giữa vòng quay cuộc sống biến đổi không ngừng, thủ đô vẫn còn đó những bóng hình xưa cũ như cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử, 36 phố phường cũ kỹ, di tích lịch sử nghìn năm...
Hà Nội nhìn từ trên cao là sự giao thao giữa nhịp sống hiện đại và lịch sử lâu đời.
Từ trên cao nhìn xuống, tôi có thể quan sát được tổng thể những sự thay đổi của dải đất chữ S theo năm tháng. Hành trình tô đỏ bản đồ Việt Nam vẫn tiếp tục được thực hiện, thành quả là những bức hình chỉn chu và cảm xúc.
Lê Thế Thắng
Nguồn: zingnews.vn