Một câu chuyện thật, rất đau lòng và gây phẫn uất, được kể ở xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
Chiều 15-8, đoàn liên ngành bao gồm UBND xã Tân Hội, Công an xã, thuế vụ... đến hộ bà Nguyễn Thị Bích - 52 tuổi, ở ấp Hội Thạnh, xã Tân Hội - để kiểm tra giấy phép kinh doanh.
Bà Bích là hộ kinh doanh cá thể, chuyên thu mua củ mì (sắn) của nông dân trên địa bàn. Người dân địa phương nói bà Bích mua mì mót là chính, để sơ chế và bán lại kiếm lời.
Trước đoàn kiểm tra, bà Bích xuất trình giấy phép kinh doanh do ông Trần Tiến Hiệp, 36 tuổi, ngụ cùng xã, đứng tên. Bà Bích nói ông Hiệp làm chung (thu mua mì) với bà nên đứng tên giấy phép.
Đoàn kiểm tra nói giấy phép kinh doanh sai quy định nên đòi tịch thu giấy phép, tịch thu số củ mì trong nhà bà Bích và mời những người liên quan về UBND xã làm việc.
Bà Bích phản ứng, bảo rằng mình không làm gì phạm pháp. Đôi bên cự cãi và một người đàn ông trong đoàn kiểm tra liên ngành xông tới xô bà Bích té ngửa, chấn thương sọ não, xuất huyết não... và tử vong ngay sau đó.
Tranh minh họa "Ác ôn vùng nông thôn" của họa sĩ Thành Phong
Dân tập trung phản ứng, thấy tình hình căng, đoàn kiểm tra rút chạy. Công an huyện Tân Châu, Công an tỉnh Tây Ninh đến vãn hồi trật tự, thu giữ xe cộ, phương tiện, công cụ hỗ trợ của đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó có cả... tuýp sắt, để phục vụ điều tra.
Sẽ không khó để xác định ai là người đã xô bà Bích té dẫn tới tử vong vì sự việc xảy ra có nhiều người chứng kiến, trong đó có chồng và con nạn nhân. Thủ phạm sẽ sớm bị chỉ mặt bêu tên và bị trừng trị thích đáng. Đây mới chỉ là một mặt, là bề nổi của câu chuyện.
Vấn đề lớn hơn, ở tầng sâu đó là thái độ, trình độ, lối hành xử của chính quyền, cụ thể ở đây là đoàn kiểm tra liên ngành do Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội dẫn đầu.
Chưa rõ tờ giấy phép kinh doanh do bà Bích xuất trình sai hay đúng (vì chưa xác định ông Trần Tiến Hiệp có làm ăn chung với bà Bích hay không) nhưng có thể nói ngay thu mua củ mì không thuộc nhóm kinh doanh có điều kiện - theo quy định tại Luật Đầu tư; công việc bán buôn của bà Bích cần được ủng hộ. Loại nông sản như củ mì có giá trị thấp, bà Bích mua đi bán lại ngoài việc kiếm lời thì đó cũng là cách hỗ trợ nông dân.
Trong lúc chính quyền địa phương không bao tiêu được đầu ra nông sản thì nông dân nghèo rất cần những điểm thu mua như hộ bà Bích. Tóm lại, những hộ kinh doanh cá thể như bà Bích rất cần được ủng hộ, hỗ trợ, khuyến khích từ phía chính quyền. Nếu có mắc sai sót về thủ tục, giấy tờ thì xã, huyện tích cực hỗ trợ bà làm cho đúng.
Đằng này, chính quyền làm ngược lại, hùng hổ kéo đến, săm soi, cự cãi, bắt chẹt và dùng bạo lực với dân. Đó là lối hành xử vô nhân, vô đạo, nghe cứ tưởng như đang thời phong kiến mà ta đã biết qua sách vở:
"Một ngày lại thói sai nha
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền"
Truyện Kiều - Nguyễn Du
Và nữa, cán bộ đến với dân mà sao như đi... đánh trận. Dẫu có là đi kiểm tra dân sự đi nữa thì mang theo công cụ hỗ trợ, mang theo tuýp sắt làm gì? Cái cách chuẩn bị "đồ nghề" đó xuất phát từ suy nghĩ không xem người dân là phía cùng chiến tuyến, không trọng dân mà khinh dân. Thế nên, từ chỗ tranh cãi bằng ngôn từ đã dẫn ngay đến hành vi thượng cẳng chân - hạ cẳng tay khiến người yếu thế hơn phải mất mạng. Hành vi ấy dù có thể được biện minh là "quá tay" nhưng bản chất là côn đồ.
Một xã hội thượng tôn pháp luật không chấp nhận hành vi côn đồ và nghiêm trị hành vi đó. Nhà nước pháp quyền của chúng ta không chấp nhận sự tồn tại của những cán bộ có lối hành xử vô pháp vô thiên như thế.
Do vậy, trong vụ bà Nguyễn Thị Bích ở Tây Ninh, không chỉ điều tra, trừng phạt nghi phạm trực tiếp gây ra cái chết của bà mà còn phải xử lý trách nhiệm của những cá nhân khác trong đoàn kiểm tra, để hạn chế bớt sự cường quyền của "ác ôn vùng nông thôn" ở những nơi khác mà cách đây nhiều năm lãnh đạo Trung ương từng cảnh báo, gọi là hiện tượng “cường hào mới”, quyết tâm phải ngăn chặn.
DƯƠNG QUANG
Nguồn: Báo điện tử Người Lao Động