Tư thục là loại hình trường học phổ biến trên thế giới từ lâu, chứ không phải chỉ có ở Việt Nam hiện nay. Nhưng khác ở chỗ nào?
Không so sánh với các nền giáo dục tiên tiến đương đại, chỉ thử đặt con số 33.000 học sinh vừa rớt lớp 10 công lập tại HN (nguyện vọng 1) với nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa trong quá khứ để thấy những khác biệt.
Miền Nam: “Ngoài hệ thống trường công lập còn có hệ thống trường tư thục ở tất cả các tỉnh, thành phố, có những vùng chưa có trường công lập nhưng đã có trường tư thục”*.
Về số lượng, năm học 1970 - 1971, toàn miền Nam có 77,6% học sinh trung học tư thục (chỉ 22,4% học công lập).
Như vậy, so về tỉ lệ, trường và học sinh tư thục của miền Nam trước 1975 lớn hơn bây giờ nhiều.
Vì tỉ lệ như trên nên nếu có nguyện vọng thì để thi được vào công lập là rất khó và vì thế, phải học giỏi nổi trội; số còn lại sẽ vào hệ thống tư.
Tuy nhiên, dù “trường tư thục thu học phí để đảm bảo hoạt động, nhưng do sự cạnh tranh giữa các trường và có cả trường tư thục tôn giáo nên mức thu học phí thấp, tạo điều kiện cho con em học sinh nghèo vẫn đi học được”.
Một điểm đặc biệt là, do thực hiện tinh thần giáo dục nhân bản và khai phóng nên ngay cả các tôn giáo cũng được tự do mở trường, và nó chiếm một tỉ lệ rất lớn (hơn 50%) tổng số trường tư thục toàn miền Nam.
Mà hệ thống này thì không, hoặc nếu có thì cũng chỉ thu học phí rất thấp.
Tư thục là một tồn tại hợp lý, tuy nhiên, như đã thấy, “tư” thế nào lại là cả một chuyện dài. Như trong giáo dục miền Nam, tư không phải chỉ dành cho “học sinh dốt” mà còn là một lựa chọn mang tính cá nhân; nó cũng không gây nên áp lực tài chính, không cướp đi cơ hội học tập của trẻ em...
Bây giờ thì khác, đi học tư thục chủ yếu vì rớt công lập, và không phải ai cũng đủ tiền cho con theo học.
Học phí tư thục tại các thành phố có thể khiến cha mẹ lao đao, thậm chí chặn đứng con đường học vấn của các cháu. Mà như chúng ta đã biết, sự phát triển của trẻ vốn không giống nhau, có những em thì thông minh đĩnh ngộ, nhưng có em thì phải lên cấp 3, thậm chí vào đại học mới “phát tiết”.
Tờ Tuổi trẻ thông tin:
“Theo số liệu mới cập nhật, tổng số chỉ tiêu thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội là 69.805. Số học sinh đăng ký nguyện vọng 1 là 104.900, đăng ký nguyện vọng 2 là 101.000 và nguyện vọng 3 là 64.000.
Tổng số các nguyện vọng đăng ký là 270.000”. HN có tổng số học sinh thi vào lớp 10 khoảng 130.000 em, nghĩa là có tới khoảng gần 50% học sinh phải học tư thục (và Trung tâm GDTX).
Tỉ lệ này khi đặt cạnh mức học phí và cả chất lượng giáo dục hiện nay thì sẽ cho ra một bức tranh “rực rỡ” hay tối tăm?
Thái Hạo
* Các trích dẫn trong bài lấy từ cuốn “Giáo dục phổ thông miền Nam (1954 - 1975)”, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2019