Bài viết này không đề cập tới quản lý giáo dục, triết lý giáo dục, hay chương trình và các phương diện khác của giáo dục; mà chỉ muốn nói đến chủ thể của nó - đội ngũ giáo viên.
1. Vấn đề tôi quan tâm nhất là giáo dục, mà ở đó, khí quyển là chính trị, thổ nhưỡng là căn tánh dân tộc.
Nghĩa là giáo dục là trung tâm, nằm giữa dân tộc tính là thiết chế chính trị, muốn thay đổi cả cái trên và cái dưới thì đều phải tập trung vào giáo dục, như là một sự kiến tạo chủ thể văn hóa cho một quốc gia.
Chính vì thế, tôi thường viết về giáo dục với tinh thần phê phán, và tất nhiên đụng chạm rất nhiều, tới nỗi, lâu lâu không thấy bài viết facebook của vài vị giáo sư, tiến sĩ có lượng follow lớn - là tác giả của chương trình sách giáo khoa - nổi lên trên tường mình; kiểm tra lại thấy họ đã hủy kết bạn với mình tự bao giờ rồi. Nói như thế để hiểu rằng, khi lên tiếng là tôi đã chấp nhận những búa rìu.
Ảnh có tính chất minh họa.
Ngày xưa, lúc còn ở trường sư phạm, tôi có nói một câu mà đến giờ một số anh em thủa ấy, giờ vẫn làm giáo viên, còn hay nhắc lại: “Giáo viên là bọn sinh viên sư phạm ra trường”. Có nhiều nước tiên tiến không có trường sư phạm, họ đào tạo và tuyển giáo viên theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, cái hệ thống của chúng ta khác họ, và ta phải bàn chuyện nhà mình trong một triển vọng có thể thay đổi được.
Với trải nghiệm và tìm hiểu của mình, tôi cho rằng phần lớn các trường sư phạm ở Việt Nam đang chưa làm tốt vai trò đào tạo người giáo viên. Chương trình dàn trải, thiếu tính căn cơ - hiểu như là việc xây dựng một nền-móng-tư-tưởng căn bản, hiện đại, với các giá trị phổ quát mang tính nhân loại.
Thêm nữa, đối với vấn đề “phương pháp dạy học” thì cơ bản, sinh viên ra trường khi bước lên bục giảng thường biểu hiện ra những hạn chế lớn, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học đổi mới với tư tưởng khai phóng; mà ngược lại hoặc quá phóng túng, tùy tiện mà không có định hướng; hoặc quá cũ kỹ, bị động.
Rất nhiều những lý thuyết mới được đưa vào giảng dạy ở đại học sư phạm, nhưng nặng tính hình thức, cưỡi ngựa xem hoa, qua loa đại khái. Khi người sinh viên ra trường thì nghề lại dạy nghề, nói đúng hơn là giáo viên cũ dạy giáo viên mới; thành ra, nó trở nên một cái vòng luẩn quẩn điển hình - đáng ra người mới sẽ đi đầu trong sự đổi mới, thì lại cùng với người cũ để làm dày lên cái sự thủ cựu vốn đã quá lạc hậu và u ám ở trường phổ thông.
2. Rất nhiều sự đổ lỗi.
Nào là do chương trình, nào là do thi cử, nào là quản lý quan liêu… Tất cả những cái ấy là có thật, và tác động trực tiếp, ghê gớm; tuy nhiên nếu nói rằng đó là tất cả nền giáo dục Việt Nam thì chưa thể thuyết phục được.
Không ai cấm người giáo viên đổi mới phương pháp cả; cũng không ai cấm giáo viên dạy cho học sinh những tri thức ngoài “chuẩn kiến thức” để các em có cái nhìn đa diện; cũng không ai cấm việc “dạy” tư duy phản biện cho học sinh cả…
Giáo viên rất lười đọc sách. Thậm chí đọc sách đã trở thành một cái gì xa xỉ trong nền giáo dục Việt Nam. Tôi ngồi với một giáo viên tại sảnh trong giờ ra chơi, anh ta cầm cuốn sách trên tay, trong khoảng 5 phút có 4 giáo viên khác đi qua đều nói một câu gần như nhau “Ghê ta, đọc sách nữa cơ à!”, nói và cười rất giòn.
Riêng đối với môn văn, ngay cả sách giáo khoa, phần lớn giáo viên cũng đọc chưa kỹ, rất qua loa đại khái. Gần như tuyệt đại đa số giáo viên không đọc lời nói đầu của sách, nhiều giáo viên không hề biết có phần “Tri thức đọc hiểu” sau các bài dạy về tác phẩm văn học. Giáo viên cũng không để ý xem các câu hỏi được thiết kế trong sách có một logic nào không, và nó nhằm tới mục đích và dụng ý gì… Một chút kiến thức trong sách giáo viên và các giáo án trôi nổi trên mạng, thế là mang ra dùng suốt đời. Đó là một cái gì rất đáng sợ đang diễn ra trong nền giáo dục. Chính đội ngũ giáo viên, là nguyên nhân chủ yếu làm thất bại những nỗ lực của một số tác giả tâm huyết đã soạn bộ sách giáo khoa hiện hành của THPT.
Nhiều người nói về sự trói buộc, kiểm duyệt. Đúng, nhưng không phải là tất cả. Sách bây giờ chất cao như núi. Nhiều cuốn sách nếu là trước đây thì không thể in nhưng bây giờ được cấp phép vô tư. Rất nhiều sách nền tảng, giúp phản tỉnh và có thể đắp vững hệ thống tư tưởng để trở thành một người có tư duy độc lập và tinh thần phản biện tới cùng. Vấn đề là ế ẩm, chúng nằm mốc trên các giá của nhà sách. Đấy là chưa kể đến sự “truyền thông” và phổ biến tri thức mà mạng xã hội và thế giới internet nói chung đang diễn ra như một thực tế.
3. Cái đáng buồn nhất của giáo viên là giáo điều và lối sống của “người trong bao”.
Giáo viên bưng tai bịt mắt trước những vấn nạn của xã hội, thậm chí với những vấn nạn của ngành mình. Sự thiển cận, bạc nhược, tính ích kỷ, và lối sống phù phiếm ấy không thể dẫn dắt nền giáo dục ra khỏi bóng tối được.
Khi tiếp xúc rộng rãi với những người làm trong các ngành nghề khác nhau, tôi mới thấy giáo viên là những người ít phản tỉnh nhất.
4. Tôi có may mắn được gặp gỡ rồi quen biết với một số đồng nghiệp thông qua thế giới của internet.
Tôi thấy họ say mê, đầy trách nhiệm và trăn trở đến đau nhói về người về nghề. Có những người thầy đáng quý, đáng kính mà nếu không có mạng xã hội thì có lẽ tôi sẽ không có cơ hội được tiếp xúc và học hỏi. Chỉ những con người ấy mới có thể thúc đẩy sự thay đổi của nền giáo dục này (và không chỉ giáo dục). Nhưng tiếc thay, họ chỉ chiếm một thiểu số trong cái biển giáo viên mênh mông kia.
Ngoài trách nhiệm của các trường sư phạm là đào tạo ra những giáo viên có năng lực thì bản thân giáo viên phải tự đào tạo. “Chi bằng học!”. Vì bây giờ hoàn toàn có điều kiện để tự đào tạo như ta đang chứng kiến nhiều giáo viên đã làm được việc ấy.
“Thoát ta” mới là điều quan trọng nhất, nếu muốn phát triển.
Thái Hạo (Báo Nông Nghiệp Việt Nam)