Bây giờ, đi đâu cũng nghe người ta ra rả nói về cuộc cách mạng 4.0, thường mang tính chất cảnh báo.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa phát biểu tại Diễn đàn
Ban đầu, doanh nghiệp - doanh nhân là nhóm đối tượng đầu tiên được cảnh báo về cách mạng 4.0, rằng là họ sẽ chịu thua thiệt trước nhất nếu ngay từ bây giờ không thay đổi tư duy, không đổi mới cách làm ăn, không biết vận dụng công nghệ, không hội nhập toàn cầu.
Nói đã đời, thế rồi đây đó vẫn bắt gặp mấy bản tin buồn, kiểu như: Doanh nghiệp còn thờ ơ với cách mạng 4.0!
Rồi đến lượt công nhân - lao động. Công bằng mà nói các ngành, các cấp đã rất nỗ lực thông tin - tuyên truyền về cách mạng 4.0 nhưng kỳ thực là rất khó "nhập" vào đầu óc họ.
Cảnh báo công nhân - lao động nhà máy nếu không chịu học hỏi, không tăng năng suất lao động... thì sẽ mất việc hàng loạt - tức là đói - bởi vào thời kỳ cách mạng 4.0 robot sẽ thay thế con người, thì thấy viễn cảnh thất nghiệp cũng sợ thật đấy nhưng biết làm gì bây giờ.
Thời gian và tiền bạc đâu mà học hỏi để "tân kỳ hóa" tri thức?
Sức người có hạn, đã tăng ca đụng trần rồi thì làm sao tăng năng suất nổi nữa? Có được mấy doanh nghiệp chịu cho công nhân - lao động đi học để hướng tới 4.0 như kêu gọi?
Cái bụng đang đói, túi tiền đang rỗng thì người làm công ăn lương cần cái trước mắt đã, chẳng cần biết con robot nó sẽ đe dọa mình thế nào.
Tức là "có thực mới vực được đạo", ngày nào đời sống công nhân - lao động còn chưa no đủ, chưa tích lũy được thì họ chưa thể nghĩ đến những điều xa vời.
Cách mạng 4.0 là một trong những điều mà họ cho là rất xa vời đó.
Thế nên, đây đó vẫn bắt gặp mấy bản tin buồn, kiểu như: Công nhân còn thờ ơ với cách mạng 4.0!
Nhưng cách đây 6 tháng, tôi đọc một bản tin về nông dân và 4.0 mà cứ dúi dụi mắt, tưởng mình nhầm:
Nông dân sẵn sàng với cách mạng 4.0 (!).
Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, khoảng 70% tổng dân số là nông dân và hầu hết nông dân còn nghèo khó.
Cái nghèo kéo theo sự yếu kém về nhiều mặt khác, trong đó có trình độ - tri thức.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) là cuộc cách mạng bậc cao trong đó sự phát triển đột phá của internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo dần dần làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, bao gồm nông nghiệp.
Xét ra, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn trong nhóm trình độ thấp của thế giới, sự vận dụng khoa học - công nghệ vào nông nghiệp còn yếu trong khi tài nguyên thiên nhiên có xu hướng cạn kiệt dần, kế sinh nhai ngày càng ít đi và nông dân đối diện với nguy cơ cao bị mất mùa, đói ăn, mất sinh kế, mất tư liệu sản xuất...
Nói một cách ngay thẳng rằng hiện vẫn chưa tìm ra cách để giúp đời sống nông dân bật lên.
- Vậy nên chẳng hiểu họ "sẵn sàng với công nghiệp 4.0" là sẵn sàng thế nào?
- Sẵn sàng nắm bắt, sẵn sàng hội nhập hay là sẵn sàng... thua cuộc?
Hãy nhìn thẳng sự thật, đừng hô hào và tô hồng nữa!
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có nêu tại buổi thảo luận ở kỳ họp Quốc hội vừa rồi rằng Việt Nam chúng ta là nước nói về cách mạng 4.0 nhiều nhất thế giới nhưng nói mà không làm hoặc làm rất ít; có tình trạng nói "đã mồm" xong thì bộ này, ngành kia chả biết mình phải làm gì, bắt đầu từ đâu...
Nói 4.0 mà làm thì chỉ cỡ... 0.4!
Doanh nghiệp, nông dân hay công nhân - lao động không hề hô khẩu hiệu về cách mạng 4.0.
Hô hào, hò hét về chuyện này phần nhiều là cán bộ trong khi chưa hẳn người hô hào đã chịu đổi mới, thậm chí còn chưa chắc biết "cách mạng 4.0" là cái gì luôn!
Cát Tường
Nguồn: Báo điện tử Người Lao Động