Người dân đang phải nhìn mâm cơm để san sẻ chi tiêu. Đây không gọi là tiết kiệm mà là cắt giảm khi không còn nguồn thu.
Khảo sát của Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen vừa công bố VN đang dẫn đầu trong tiết kiệm chi tiêu.
Đặc biệt 3 trong số 5 người tiêu dùng VN chấp nhận cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng áo quần, điện và khí đốt.
50 người Việt đã đặt mua Mercedes-Maybach S600 giá gần 10 tỷ đồng
Người nghèo “thắt lưng buộc bụng”
Ông Trần Quốc Thuận – nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tỏ ra không mấy vui mừng gì.
Theo ông ở một chừng mực nào đó báo cáo chưa thể phản ánh hết được toàn diện mọi vấn đề nhưng lại đang cho thấy một tín hiệu đáng ngại trong đời sống xã hội và kinh tế.
Theo ông Thuận, nếu theo dõi, ai cũng nhận ra sự phân hóa giàu nghèo đang tăng nhanh tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Một phúc trình của Ngân hàng Thế giới vừa công bố cho thấy thành phần giàu có ở Việt Nam đã tăng gấp ba trong thập niên qua.
Trong khi đó, theo Tập đoàn Knight Frank, năm 2013 Việt Nam có khoảng 110 đại gia có tài sản cá nhân vượt quá 30 triệu USD.
Có thể nói đây là những người siêu giàu mà tổng tài sản của họ đạt gần 3,4 tỉ USD.
Trên thực tế, số người siêu giàu ở Việt Nam có thể cao hơn dự báo này rất nhiều. Bởi số liệu thống kê của chúng ta thường không chính xác, thêm vào đó là tâm lý e ngại công bố tài sản công khai.
Sự chênh lệch quá lớn đã tạo nên những bất ổn trong đời sống, xã hội và kinh tế. Song song với đó tình trạng thất nghiệp, không xin được việc làm cũng ngày càng gia tăng.
Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, tăng 114.000 người so với năm 2014.
Trong số này có tới 178.000 là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cũng rơi vào tình cảnh không xin được việc làm.
Về mặt kinh tế - xã hội cũng chịu tác động không nhỏ. Vẫn còn đó câu chuyện cả 3-4 bộ ngành cùng vào cuộc tìm cách giải cứu nông sản, thậm chí còn có bộ mua dưa về bán, bộ uống sữa để giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm… nhưng cũng không gỡ gạc, cải thiện được tình hình.
Rồi hơn 1.000 xe hàng nông sản vẫn nằm chết ở cửa khẩu Tân Thanh không tìm được đầu ra.
Kết quả là trong nước, người nông dân lâm cảnh khốn cùng, dưa hấu đổ cho trâu bò, sữa đổ ra đường, bị ép giá “mua rẻ bán rẻ”…
Trong bối cảnh đó, nền kinh tế trong nước liên tiếp nhận những tín hiệu xấu, nợ công tăng cao gần chạm ngưỡng báo động; ngân sách phải đi vay để trả nợ. Theo ông Thuận, Việt Nam có tới 80% người dân làm nông nghiệp, thu nhập thấp từ 3-4 triệu/tháng và gần như không có thêm khoản tiền khác ngoài lương. Đời sống người dân khó lại thêm cực.
Đáng tiếc trong bối cảnh này thay vì phải nhận được sự quan tâm, chia sẻ đúng mực họ lại nhận được những hóa đơn tiền điện bỗng nhiên tăng vọt từ 200-300.000/tháng lên tới hơn 1 triệu/tháng. Khung điện giá thấp cho người nghèo trước giới hạn từ 0-5kw/h nay chỉ còn từ 0-50kw/h. Điều này cho thấy chính những người dân nghèo đang phải chịu ảnh hưởng lớn nhất từ chính sách tăng thuế, phí, giá cả cũng chính là những người phải "thắt lương buộc bụng" để cắt giảm chi tiêu.
Ông ngạc nhiên khi gọi đó là tiết kiệm. Nếu dùng một từ chính xác, ông Thuận cho rằng nên gọi đó là "bóp mồm, bóp miệng".
"Người dân đang phải nhìn vào mâm cơm của gia đình để san sẻ chi tiêu vì không có nguồn để chi trong khi nhu cầu vẫn có thì sao lại gọi là tiết kiệm?", ông Thuận đặt câu hỏi.
Ông lấy ví dụ một ngày ăn 5 lạng thịt nay giảm còn 3 lạng thịt, hay một tháng phải trả 100.000 đồng tiền điện nay chỉ đóng 50.000 đồng tiền điện.
Rõ ràng sự suy thoái kinh tế, tác động từ chính sách đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân nghèo chứ hoàn toàn không phải như lãnh đạo ngành công thương giải thích tăng giá xăng dầu, điện nước không ảnh hưởng gì tới người dân.
Người giàu mặc sức chơi sang
Ông Trần Quốc Thuận cho rằng, một giải thích tưởng là vô lý nhưng sẽ là hợp lý.
Sẽ thật logic khi nghĩ rằng số liệu thống kê người giàu ngày càng tăng, trong nước hàng đoàn người ôm tiền xếp hàng chờ mua xe sang, cán bộ bỏ giờ đi chơi golf… đời sống quá vương giả, sung sướng thì có nói không ảnh hưởng đến người nghèo cũng đúng chăng?
Hay cái sự tiết kiệm vặt đó so với cái lãng phí lớn trong đầu tư công, xây dựng cơ bản, tham nhũng, thất thoát chả hề hấn gì nên có nói không ảnh hưởng cũng chẳng sai?
Báo chí vẫn ra rả lãng phí, thất thoát trong đầu tư công có khi lên đến 100% giá trị công trình.
Lãng phí trong định hướng xây dựng, trong thực hiện xây dựng làm hoang phí đầu tư công, làm bội chi ngân sách, tăng nợ công, tăng lạm phát và chỉ số tiêu dùng.
Cá biệt, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông không chỉ chậm tiến độ, gây tai nạn hiện còn đang bị đội vốn đến 200% gây nhiều bức xúc.
Như vậy, nơi được xem là khu vực chính phải đi đầu trong công tác thực hành tiết kiệm lại đang để thất thoát, lãng phí cả trăm, thậm chí cả ngàn tỉ mỗi dự án.
Lại nữa, tình trạng tham nhũng, tham ô hàng ngàn tỷ không thể thu hồi ở Vinashin hay Giang Kim Đạt chỉ một chức trưởng phòng nhỏ nhoi cũng tham nhũng được hơn 18 triệu USD. Liệu còn bao nhiêu Giang Kim Đạt? Còn bao nhiêu tài sản tham nhũng không thể thu hồi? Tiền tham nhũng cũng chính là tiền ngân sách, tiền thuế dân đóng góp tại sao lại để thất thoát dễ dàng như vậy? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
Rồi cả 600 doanh nghiệp nợ thuế được công bố. Chỉ riêng Hà Nội và TP HCM số tiền nợ thuế đã lên tới hơn 8.000 tỷ đồng.
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng quả không ngoa khi đánh giá Việt Nam có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới. Trong khi, gánh nặng nợ công mỗi lúc tăng cao, đè nặng đôi vai mỗi người dân thì lãnh đạo bộ ngành, địa phương lại tự “sáng tạo” ra nhiều loại thuế phí khiến người dân bức xúc.
"Điều này khiến người dân hiểu lầm rằng, cách tăng thuế phí, tăng giá các mặt hàng tiêu dùng như điện, nước, xăng dầu chỉ là cách để bù đắp những thiếu hụt trong chi tiêu công" - ông Thuận chua xót.
Thế nhưng, ngay cả trong bối cảnh khó khăn, kinh tế suy thoái người dân phải cắt giảm cả tiêu dùng, điện, nước thì Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng của các nhãn xe siêu sang thế giới.
Ông Thuận nói rằng phải nể tinh thần lạc quan hay Việt Nam rất nhiều người giàu?
Ông Thuận nhắc lại câu chuyện lãnh đạo EVN bỏ giờ làm đi chơi gofl. Chi phí mỗi lần vào sân gol phải lên tới cả nghìn USD, chưa nói tới tình trạng đánh bạc, cá cược trá hình, tiền boa, tiền ăn nhậu…cho cuộc chơi cũng lên tới vài trăm USD.
Theo ông Thuận đừng hỏi tiền từ đâu?
Lương công chức làm sao đủ sức trang trải chi phí?
Không phải ngẫu nhiên các hãng xe sang vẫn luôn tìm đến Việt Nam. Mới đầu năm 2015, khi mẫu xe mới nhất của Mercedes vừa được công bố có giá gần chục tỷ đồng, cứ tưởng rằng trong bối cảnh suy thoái, thương hiệu này sẽ khó chiều được lòng giới siêu giàu ở Việt Nam.
Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, chỉ vừa ra mắt đã có chục khách hàng ôm tiền xếp hàng đợi được mua xe.
"Việt Nam có tới 80% dân số nghèo, làm nông nghiệp nhưng vẫn còn 20% thuộc tầng lớp giàu có và báo cáo đã chứng minh Việt Nam vẫn là nước tiết kiệm đứng đầu thế giới nên chắc chắn không thể có chuyện tiêu tiền tùy tiện, lãng phí không có nguyên nhân", ông Thuận nói đầy ẩn ý.
Vũ Lan (ghi)