Có lẽ vẫn nên bàn tiếp về chủ đề chính trị, bởi đó không phải là điều to tát hay cần phải né tránh như chúng ta vẫn lầm tưởng.

Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra tại Hà Nội và được cả thế giới theo dõi, cuối cùng, lại không đạt được thỏa thuận chung. Hãy tạm chưa nói về ‘được – mất’ của hai quốc gia liên quan, thì nước chủ nhà Việt Nam cũng học hỏi thêm được nhiều điều sau hai ngày sôi nổi.

Người ta đã quan tâm nhiều hơn tới chính trị, một chủ đề luôn thời thượng và phổ biến trên toàn thế giới. Nó liên quan trực tiếp tới đời sống, kinh tế của mỗi quốc gia và cá nhân chứ không phải chỉ là chuyện xa vời hay chuyện “buôn bán” bên chén trà đá vỉa hè. Đã đến lúc bỏ đi sự hời hợt hay quan điểm chế giễu rằng “ăn rau muống bàn chuyện chính trị”. Khái niệm chính trị mà bấy lâu nay chúng ta bàng quan, thực chất lại gần gũi đơn giản hơn nhiều so với cách ta vẫn tưởng tượng và né tránh.

Chính trị không thể không “chính”

“Chính trị” là từ gốc Hán với chữ “Chính” (政) nghĩa là làm cho chính. Trong đó gồm chữ “chính” (正) nghĩa là ngay chính, và bộ “phốc” (攴) nghĩa là vỗ, đánh nhẹ. Như vậy, chữ “chính” (政) có nghĩa là sự tác động khéo léo, nhẹ nhàng nhưng đủ uy nghiêm để làm cho ngay chính.

42 1 Sau Su Kien Chinh Tri Thu Hut Toan Cau Se La Gi Bong Da Hay Chuyen Nha Nguoi Ta

Từ “Trị” (治) nghĩa là trị sửa, chữa trị. Trong đó gồm bộ “thủy” (水) nghĩa là nước, và chữ “di” (怡) nghĩa là vui vẻ. Như vậy “trị” có nghĩa là dùng biện pháp mềm mại linh hoạt và thiện lương như nước để người ta vui vẻ đồng thuận. Bởi nước luôn “làm lợi cho vạn vật mà không tranh” (Lão Tử), luôn ở chỗ thấp nhất, sẵn sàng để mọi ô uế tạp chất hòa tan vào mình, cuốn đi mọi rác rưởi, dung nạp trăm sông suối, nhưng cũng lại hăm hở tiến lên, mải miết chảy đêm ngày. Hay cũng có thể hiểu chữ trị trong từ “trị bệnh” có bộ thủy bởi thuốc bắc là nước từ các loại thảo mộc, nêu ý tứ là để khôi phục trạng thái đúng đắn phải có của một cơ thể lành mạnh.

Thế nên ngay trong chữ tượng hình giàu nội hàm ra đời từ hàng nghìn năm trước, ta có thể thấy đầy đủ ý nghĩa của khái niệm mà sau này Khổng Tử luận bàn tới.

Khi Quý Khang hỏi về chính trị, Khổng Tử trả lời rằng: “Chính trị là làm cho chính đáng. Ông làm gương chính đáng, ai dám không chính đáng?”. Hay cụ thể hơn, ông nói: “Làm chính trị dùng đạo đức, ví như sao Bắc Đẩu, ở chỗ của mình mà các sao khác chầu về”.

Thế nên, “chính trị” là dùng biện pháp nhân văn, mềm mỏng mà uy nghiêm, dùng đức dày, đạo chính để soi sáng cho nhân dân. Từ đó nắn chỉnh và dẫn dắt sao cho mọi mặt đời sống của nhân dân được yên ổn, phát triển thịnh vượng.

Với ý nghĩa “làm cho mọi việc trở nên chính đáng” (chính giả chính dã), việc chính trị hóa ra cũng từ những việc hết sức nhỏ bé và đơn giản.

Khi có người hỏi đức Khổng Tử: “Sao thầy chẳng làm chính trị?”, ông đã dẫn Kinh Thư rằng: “Chỉ riêng việc hiếu thảo, thuận hoà với anh em là có thi hành chính trị. Thế cũng là làm chính trị, sao phải ra làm mới là làm chính trị?”. Dùng cách chính đáng để thực hiện những việc mình cần làm, để mình và người cùng ngay chính, đó cũng là làm chính trị. Tuy không ra làm quan để trực tiếp tham chính, nhưng ở nhà biết tề gia cho tốt đẹp, đó là gián tiếp làm chính trị rồi.

42 2 Sau Su Kien Chinh Tri Thu Hut Toan Cau Se La Gi Bong Da Hay Chuyen Nha Nguoi TaÝ nghĩa ban đầu của từ “chính trị” lại rất đơn giản và thiết thực với cuộc sống. (Ảnh minh họa: sohu.com)

Như vậy, chính trị không phải là đấu đá, chém giết, mưu kế triệt hạ nhau để tranh giành quyền lực hay lợi ích.

Quý Khang hỏi Khổng Tử rằng: “Như giết kẻ vô đạo để kẻ khác nên có đạo, được chăng?”.

Khổng Tử đáp: “Ông làm chính trị, sao cần dùng việc giết? Ông muốn tốt lành, thì dân sẽ tốt lành. Năng lực của quân tử như gió, năng lực của tiểu nhân như cỏ. Gió thổi trên cỏ ắt cỏ nép xuống”.

Thế nên, ông mới chất vấn các đệ tử: “Liệu có người nào biết chính đáng thân mình trước khi theo việc chính trị?”. Sở dĩ việc chính trị không thành công là vì người lãnh đạo không thực hiện được điều này. Đó là: “Hãy làm trước, hãy chịu nhọc nhằn” (Tiên chi, lao chi). Nếu người lãnh đạo không tu sửa thân mình cho chính đáng trước, sao có thể bắt người khác phải chính đáng? Khi đã chính đáng, thì cái ngay chính sẽ là thế mạnh, là gió. Gió thổi ở trên, cỏ ắt phải nép mình xuống.

Tóm lại theo văn hóa phương Đông, chính trị là việc làm cho mình, người khác và xã hội ngay thẳng, lành mạnh.

Chính trị liên quan tới mọi mặt của cuộc sống và mọi người trong xã hội

Còn theo ngôn ngữ phương Tây, chính trị có gốc từ “Polis” trong tiếng Hy Lạp – tên gọi của thị trấn được tổ chức như một quốc gia và được xem như chính thể đầu tiên của Hy Lạp cổ đại. Thế nên có thể hiểu, chính trị (politics) là nghệ thuật quản trị quốc gia. Những nhà hiền triết phương Tây đầu tiên đặt nền móng cho khái niệm về quản trị quốc gia là Plato hay Aristotle đều nhấn mạnh: “Con người thế nào quốc gia thế ấy”, và nền chính trị phải mang lại “điều tốt nhất cho con người”. Điều này không nằm ngoài việc dùng đạo đức để làm chính trị trong văn hóa phương Đông.

Theo khái niệm phương Tây, chính trị gồm có “chính trị hình thức” và “chính trị phi hình thức”.

Trong đó chính trị phi hình thức bao gồm tất cả những điều tác động đến đời sống hàng ngày của chúng ta, và mọi việc chúng ta làm có gây ảnh hưởng lên một cá nhân hay nhóm người khác trong đời sống sinh hoạt bình thường.

Thế nên cả phương Đông và phương Tây đều cho rằng, chính trị không phải chỉ là hoạt động can thiệp đến chính sách cai trị hay việc tranh giành quyền lực như cách nhiều người vẫn lầm tưởng, cho nên mới né tránh và ngại tìm hiểu. Cụm từ “làm chính trị” bị hiểu thành những hoạt động đen tối, bất minh, thủ đoạn để tranh quyền đoạt vị. Vì thế, chúng ta đã vô minh mà bỏ qua nhiều thông tin chính đáng liên quan trực tiếp tới đời sống của mình, cũng như vô trách nhiệm với chính quyền lợi của bản thân và cộng đồng khi né tránh các vấn đề chính trị.

Có lẽ cũng chính vì không hiểu rõ khái niệm, nên người Việt ít quan tâm tới các vấn đề thời sự thế giới và trong nước. Hầu như có rất ít những phân tích sắc bén từ các chuyên gia bình luận thời sự, chính trị trong suốt thời gian hội nghị thượng đỉnh quan trọng bậc nhất được tổ chức tại Việt Nam. Thay vào đó, chúng ta quan tâm tới việc ông Trump và ông Kim có thể sẽ ăn món đặc sản nào khi tới Hà Nội, phong cách thời trang dài rộng của ông Trump tới từ đâu, hay tại sao ông Kim luôn mặc áo đại cán. Rồi đến xe, chuyên cơ, tầu hỏa mà họ đi, hay những người tặng hoa cho ông là ai…

42 3 Sau Su Kien Chinh Tri Thu Hut Toan Cau Se La Gi Bong Da Hay Chuyen Nha Nguoi TaSự kiện vừa qua tại Việt Nam được giới truyền thông và nhân dân trên toàn thế giới rất quan tâm. (Ảnh từ báo time.com)

Sau cuộc họp gây hụt hẫng cho báo chí trên toàn thế giới, người Việt lại băn khoăn: Báo Việt sau đây sẽ tập trung vào diễn biến “vụ ly hôn nghìn tỷ” hay các cầu thủ đã làm nên một Việt Nam vô địch?

Có lẽ chúng ta nên bắt đầu hướng sự chú ý của mình vào những điều thiết thực và gắn với đời sống của bản thân hơn. Những điều có thể cần chúng ta lên tiếng, hành động để thúc đẩy sự tử tế. Giúp chính bản thân và người khác làm mọi việc cho chính đáng, đó mới là làm chính trị thật sự. Nếu chúng ta có trách nhiệm, người khác sẽ bắt đầu có trách nhiệm. Và khi tất cả đều có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, đó là lúc quốc gia hưng thịnh và hùng cường.

Nguồn: Nghi Ân

DKN.tv




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC