Cần tịch thu tài sản bất minh
Kê khai tài sản hiện nay còn lộ rõ nhiều bất cập. Trong bài sử dụng ảnh minh họa trong cuốn "tuyển tập tranh biếm quan tham" do Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng phát hành.
Theo nội dung dự thảo luật phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ: “Qua xác minh, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu thập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý, thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%".
Một số ý kiến cho rằng, nội dung dự thảo này không phù hợp với công tác phòng chống tham nhũng hiện nay, thậm chí có thể khuyến khích cho tham nhũng có đất để sống.
Bình luận về vấn đề này, hôm 11/3, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, tài sản không giải trình được nguồn gốc rõ ràng phải hiểu là tài sản bất minh.
“Tài sản bất minh có thể hiểu là người có tài sản không thể chứng minh được nguồn gốc của nó. Tài sản có được là do hành vi tham nhũng.
Nếu chúng ta đưa ra quy định tài sản không lý giải được bởi người có hành vi tham nhũng mà đánh thuế 45%, thì vô tình động viên những người chưa tham nhũng yên tâm, cứ tham nhũng đi.
Trong dân gian vẫn còn câu nói: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con. Bây giờ tham nhũng cỡ 100 tỷ nhưng không chứng minh được nguồn gốc, sau đó nhà nước đánh thuế 45% còn lại 55 tỷ, thế thì con cái họ sống thoải mái, muôn đời”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao nêu ví dụ.
Cũng theo Viện trưởng viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển, đề xuất nói trên nếu được áp dụng trong thực tế sẽ làm giảm hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng.
“Chúng ta biết rằng, luật để áp dụng chống lại hành vi tham nhũng có hai ý nghĩa. Thứ nhất là trừng trị những kẻ vi phạm pháp luật có hành vi tham nhũng.
Thứ hai, thu hồi lại tài sản do hành vi tham nhũng mà có, mà nói thẳng ra, tài sản tham nhũng là tài sản ăn cắp của nhân dân, ngân sách nhà nước.
Nếu tài sản ăn cắp mà lại đánh thuế 45% thì chắc chắn không đạt được hiệu quả chống tham nhũng, mà còn gây thiệt thòi cho ngân sách nhà nước.
Điều này là không hợp lý.
Do đó, trường hợp tài sản bất minh không giải trình được nguồn gốc thì phải thu hồi, bởi tài sản không chứng minh được thì nó không thể là của anh được.
Còn trường hợp anh chứng minh được tài sản đó không bất minh nhưng kê khai không trung thực, không đầy đủ, thậm chí có dấu hiệu trốn thuế, thì nhà nước phải truy thu thuế”, Tiến sĩ Giao nói.
Kê khai, giám sát tài sản còn nhiều lỗ hổng
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao nhìn nhận thực tế rằng, việc kê khai tài sản hiện nay còn nhiều bất cập. Cách thức kê khai tài sản, kiểm soát kết quả kê khai tài sản chưa minh bạch, công khai, khách quan.
"Theo luật phòng chống tham nhũng cũ, các bản kê khai tài sản quan chức chỉ bó hẹp trong phạm vi quản lý cán bộ.
Chính điều này tạo nên sự không minh bạch và không kiểm soát được tài sản cán bộ, bởi người dân rất khó tiếp cận và thực hiện giám sát tài sản quan chức.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng nói, tài sản quan chức bao nhiêu cứ hỏi nhân dân là biết. Ông này, ông nọ có bao nhiêu nhà cửa, dân người ta biết hết.
Thông điệp đó cho chúng ta thấy rằng, nếu tài sản kê khai không được kiểm tra, giám sát, không công khai, minh bạch một cách khách quan thì nó chưa đạt được mục đích của người làm luật trong công tác phòng chống tham nhũng", Tiến sĩ Giao nhận định.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao. Ảnh tư liệu của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Cũng theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, quyền được biết của người dân về tài sản quan chức hiện nay còn hạn chế. Điều này tạo nên bất cập trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
“Đối với những quan chức làm trong những lĩnh vực có khả năng tham nhũng cao thì tài sản của người đó phải được minh bạch, đặt dưới sự kiểm soát của các cơ quan liên quan, cũng như phải minh bạch thông qua hệ thống thông tin ngân hàng, tài chính, chứng khoán và công khai cho người dân được biết.
Bên cạnh đó cần phải thu hẹp đối tượng kê khai, kiểm soát tài sản chứ không nên làm đại trà.
Trước hết nên quan tâm đến những người có thẩm quyền quyết định các dự án, vấn đề phân bổ ngân sách, những người định đoạt tới vấn đề nguồn lực của đất nước (tài chính, đất đai...).
Đây là những lĩnh vực cần phải xác định là có nguy cơ cao về tham nhũng để có biện pháp kiểm soát tốt hơn”, Tiến sĩ Giao nói.
XUÂN QUANG - Giáo Dục Việt Nam