Bộ máy nhà nước nghỉ 9-10 ngày mà không có vấn đề gì xảy ra cho thấy xã hội an bình quá, đã đến lúc giảm biên chế bộ máy nhà nước.
Nghỉ ngơi tràn lan
Bàn đến câu chuyện Việt Nam nghỉ lễ quá nhiều, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng nghỉ lễ đã mang tính truyền thống từ trước đến nay nên cần tính toán lại như thế nào cho khoa học thông qua việc nghiên cứu để xem các nước xung quanh, các nước tiên tiến làm như thế nào.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, cái gì thuộc về tập quán thì sửa rất khó.
"Câu chuyện đặt ra là có nên nghỉ dài ngày hay chỉ nghỉ 1 ngày? Có nên nghỉ bắc cầu không? Chẳng hạn Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền của dân tộc có thể quy định nghỉ dài như thế, còn những ngày lễ bình thường khác thì tính toán nghỉ làm sao?
Ví dụ, ngày Giỗ Tổ tính theo ngày âm lịch, lại nghỉ bắc cầu, chuyện đó cũng cần tính toán lại. Nên nghiên cứu nghỉ ngắn ngày hoặc 1 buổi, thậm chí ngày Giỗ Tổ có thể không cần phải nghỉ.
Nghỉ nhiều quá ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh thì không nên, còn nghỉ trong bộ máy nhà nước lại là câu chuyện khác.
Bộ máy nhà nước tự nhiên nghỉ 5-7 ngày hay 9-10 ngày mà không có vấn đề gì xảy ra cho thấy xã hội này hoặc an bình quá hoặc bộ máy nhà nước không cần quá nhiều, nên giảm biên chế.
Nói như vậy nhưng thực tế có phải vậy không. Hiện giờ bộ máy nhà nước vô cùng đồ sộ, bộ máy chống tiêu cực cũng vô cùng to lớn nhưng tội phạm diễn ra công khai mà chưa bị phát hiện kịp thời.
Điển hình là vụ việc mạng lưới đa cấp Liên Kết Việt lừa đảo đến 6 vạn người. Ngân sách trả lương cho bao nhiêu người để lo quản lý xã hội rốt cục họ đang làm gì?
Rõ ràng bộ máy nhà nước hoạt động kém hiệu quả, trong khi đó nghỉ ngơi thì tràn lan", ông Trần Quốc Thuận chỉ rõ.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, việc duy trì quá nhiều ngày nghỉ lễ có lẽ xuất phát từ tư duy hội nhập, đi vào xu hướng thế giới văn minh của Việt Nam hơi chậm, tâm lý thích xả hơi, hưởng thụ.
Việt Nam đang hô hào phải vượt qua bẫy thu nhập trung bình, lao động trẻ lại rất lớn mà cứ hướng tư duy theo kiểu hưởng thụ, nghỉ dài, nghỉ bắc cầu thì ông cho rằng, đó sẽ là điều không may.
Gia đình điều chỉnh được, sao xã hội không làm được?
Theo ông Trần Quốc Thuận, có những ngày lễ lớn của đất nước, chẳng hạn như Quốc khánh nên nghỉ là đương nhiên. Còn những ngày nghỉ lễ khác phải điều chỉnh giảm bớt bởi ngày lễ, thứ 7, Chủ nhật là cố định, hễ bị trùng là nghỉ bù, nghỉ bắc cầu, nghỉ nhiều ngày.
Bởi thế, cần giảm kiểu nghỉ bù cũng là để xóa tư tưởng đòi hỏi, vòi vĩnh, hưởng thụ nhiều, không vì lợi ích chung.
"Rất nhiều gia đình hiện nay đến ngày giỗ ông bà, tổ tiên nếu đúng vào ngày đầu hay giữa tuần thì đều tự điều chỉnh tổ chức vào ngày thứ 7, Chủ nhật để con cháu về dự được. Gia đình điều chỉnh được thì xã hội cũng điều chỉnh được.
Những ngày nghỉ lễ thay vì sát với ngày thứ 7, Chủ nhật thì điều chỉnh nghỉ vào ngày thứ 7, Chủ nhật luôn, không cần nghỉ bù. Bây giờ tổ chức phải linh hoạt, chỉ có đêm giao thừa ngày Tết Âm lịch là khó chuyển, còn những ngày thường có gì khó mà không điều chỉnh? Do đó, đừng cái gì cũng đòi bù lỗ, đòi quyền lợi, hễ buông ra thì gào lên, quản lý nhà nước thì buông lỏng.
Tôi đề nghị phải chấm dứt chuyện nghỉ bù, thậm chí điều chỉnh ngày đó giống như người dân điều chỉnh ngày giỗ trong gia đình.
Đã đến lúc tư duy phải linh hoạt, đổi mới, theo xu hướng tiên tiến. Hãy xem các nướ tiên tiến Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... họ nghỉ thế nào để học tập.
Bây giờ nghỉ 9-10 ngày Tết Nguyên đán, sau khi đi làm trở lại còn bị "câu giờ" tiếp vào việc chúc tụng, nhậu nhẹt, giao lưu cơ quan... nên phải tính toán lại.
Rất nhiều cuộc hội thảo được tổ chức nhằm điều chỉnh vấn đề tổ chức lễ hội nhưng nếu cứ làm theo kiểu hô hào thì không ăn thua vì nơi nào cũng muốn mở hầu bao, hưởng thụ, mà thứ quyền lợi đó rất khó thay đổi", ông Trần Quốc Thuận thẳng thắn.
Thành Luân