Tâm lý ưa thích con trai đã tồn tại từ rất lâu ở Việt Nam và là nguyên nhân chính gây ra mất cân bằng giới tính khi sinh. Vài năm gần đây, Việt Nam trở thành trung tâm đào tạo về thụ tinh ống nghiệm của khu vực, chi phí IVF tại hơn 40 trung tâm, bệnh viện trên toàn quốc dao động trong khoảng từ 70 đến 100 triệu đồng - bằng 20-25% các nước. Từ năm 2017 trở đi, số ca IVF thực hiện mỗi năm ở Việt Nam đã cao nhất khu vực ASEAN. Năm 2019, cả nước có gần 35.000 trường hợp IVF được thực hiện.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2014, càng những gia đình vợ chồng có học vấn cao và kinh tế khá giả, càng thích con trai.
Sinh ra trong một gia đình có bố bị ám ảnh sinh con trai, độc giả Linhnguyen chia sẻ: "Gia đình nhà ông bà ngoại tôi đẻ bốn người con gái (trong đó có mẹ tôi). Đến giờ cả bốn chị em đều thành đạt, kiếm được tiền và đón ông bà về ở chung từ hơn 20 năm nay. Cả gia đình sum vầy và hạnh phúc. Ngược lại gia đình nhà nội tôi lại 'tan đàn xẻ nghé' vì ông bà cưng chiều và làm hư bố tôi (con trai duy nhất trong nhà).
Bố tôi cũng là người có tư tưởng trọng nam khinh nữ, đòi mẹ tôi phải đẻ con trai nối dõi tông đường bằng được. Không được đáp ứng nên bố bỏ gia đình và cưới người phụ nữ khác để có con trai riêng, trong khi hai chị em gái tôi bị khinh rẻ. Vì thương mẹ và muốn phấn đấu, cả tôi và em gái đều cố gắng trong học hành, công việc, để có thể làm cho mẹ vui và tự hào.
Mẹ tôi giờ an nhàn, nghỉ ngơi đi du lịch làm đẹp, thoát được kiếp phải sống nốt quãng đời còn lại với ông chồng tư tưởng phong kiến. Còn tôi, cũng may mắn gặp được một người bạn đời tuyệt vời, biết tôn trọng nữ giới, không phân biệt đối xử. Trong khi đó, bố tôi vẫn đang nai lưng đi làm để nuôi sống gia đình mới của ông. Thấy chị em tôi thành đạt, ông còn muốn liên lạc để kết nối lại.
Nhìn bố tôi tự hỏi tại sao nhiều người lại mặc định thích con trai hơn con gái? Đó chính là tư tưởng ăn sâu vào tiềm thức rồi. Việc ưu ái con trai gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội như mất cân bằng giới tính, trọng nam khinh nữ, chưa kể tới những sang chấn tâm lý mà những đứa con gái không may được sinh ra trong những gia đình phong kiến như vậy".
Báo cáo năm 2020 do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) công bố, Việt Nam là một trong ba quốc gia đang có tỉ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Dự báo cho thấy, nếu tỉ số giới tính khi sinh vẫn giữ nguyên như hiện nay, đến năm 2034 Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới từ 15-49 tuổi, đến năm 2059 thừa 2,5 triệu nam giới. Nếu kịch bản này xảy ra, khả năng cao Việt Nam sẽ phải nhập khẩu cô dâu như Trung Quốc và Ấn Độ.
Đồng cảm với nỗi bất hạnh xuất phát từ tư tưởng phải sinh con trai, bạn đọc Anhlq khẳng định:
"Chọn giới tính của thai nhi bằng mọi cách như: làm IVF, nạo thai nếu đó là bé gái, là một kiểu cưỡng cầu. Tôi biết, nhiều người muốn có con trai bằng mọi giá. Bản thân tôi cũng muốn sau này sinh một trai, một gái, vì tôi ngưỡng mộ cô bạn thân có người anh trai tâm lý. Nhưng nếu muốn thì phải cố gắng ăn uống điều độ, tập luyện thể thao, ăn nhiều đạm, hải sản... để khả năng đậu thai con trai cao hơn. Còn nếu làm đủ cách mà vẫn sinh con gái thì hãy chấp nhận, thay vì cưỡng cầu bằng cách làm IVF hay phá thai.
Nếu tìm hiểu kỹ, các bạn có thể thấy, làm IVF có hại cho cơ thể người phụ nữ rất nhiều. Một số báo cáo y khoa còn nói rằng, tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng và ung thư vú cao hơn ở những người đã làm IVF. Với tôi, chỉ nên làm IVF khi đã thử đủ mọi cách mà vẫn không có thai tự nhiên và được bác sĩ chỉ định, chứ không nên lạm dụng IVF để sinh con trai.
Ngày nay, vẫn có nhiều phụ nữ cố sinh bằng được con trai để giữ chồng. Thực ra, sinh thêm con trai cho chồng vui cũng không phải là chuyện xấu. Vợ chiều theo ý muốn của chồng không hề sai. Nhưng đừng quá cưỡng cầu mà không màng đến sức khỏe của bản thân. Nếu có hai con gái, mà sức khỏe người vợ tốt, thuận lợi để sinh thêm, cộng với kinh tế ổn, sinh thêm cũng chẳng sao. Nhưng tôi vẫn muốn sinh con bằng phương pháp tự nhiên, có thể bổ sung dinh dưỡng, tập luyện để khả năng đậu bé trai cao hơn thôi.
Làm IVF rất có hại cho cơ thể phụ nữ, đã thế lại tốn kém về tiền bạc. Nếu gia đình không giàu đến mức 'thừa tiền' thì sau những lần làm IVF thất bại ngoài buồn vì việc không 'cầu' được con, bạn sẽ còn buồn vì mất tiền nữa. Thế kỷ 21 rồi, chúng ta nên thay đổi tư duy, 'đủ nếp đủ tẻ' như ý nguyện là điều tốt, còn nếu không được thì hãy vui vẻ chấp nhận. Chết cũng về với cát bụi mà thôi".
Thành Lê tổng hợp