Từ tin báo của người dân, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra sở NN&PTNT Đắk Nông vừa kiểm tra và phát hiện hành vi sản xuất cà phê "bẩn" tại nhà bà Nguyễn Thị Thanh Loan, ngụ tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp.
Tại đây chủ cơ sở cũng đã nhuộm đen 12 tấn "cà phê bột" từ chất đen lấy từ bột pin Con Ó, chuẩn bị đóng gói đưa đi tiêu thụ.
Hàng chục tấn cà phê trộn bột pin sắp xuất xưởng đã bị bắt quả tang tại Đắk Nông
Vụ việc này đã làm dư luận hết sức bàng hoàng, phẫn nộ. Nhiều người khi hay tin chỉ biết thốt lên sao tàn ác quá vậy?
Bởi ai cũng biết bột pin Con Ó được làm từ muội than và hóa chất như kẽm, chì, mangan, thủy ngân… đều là các chất cực kỳ độc hại đối với sức khỏe con người.
Ngay cả việc tiếp xúc với các loại pin này cũng được cơ quan khuyến cáo hạn chế, chứ đừng nói là trộn với cà phê để uống trực tiếp vào cơ thể.
Ở đây chúng ta chưa đề cập đến hành vi vi phạm pháp luật của bà Loan mà chỉ đề cập đến khía cạnh đạo đức, lương tâm của một con người đối với đồng loại, giữa con người với con người khi thực hiện hành vi vô nhân tính như vậy.
Đành rằng trong cuộc mưu sinh khó khăn một số người đã làm một điều gì đó chưa đúng, không phải với người khác, với xã hội nhưng tính chất, mức độ hành vi vi phạm vừa phải, có điểm dừng, lằn ranh nhất định.
Ví như tiếc của hoặc cố giữ lại thành quả lao động mà người nông dân, tiểu thương, buôn bán nhỏ đã dùng hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ để ngâm, tưới vào mớ rau, vài ký hoa, quả chưa bán hết để giữ lại cho ngày hôm sau…
Đây là hành vi vi phạm pháp luật, không được phép nhưng dù sao mức độ độc ác cũng không bằng trường hợp này.
Ở mức độ nguy hiểm hơn là tình trạng trộn tạp chất vào vật nuôi, cây trồng, sản phẩm nông nghiệp đã xuất hiện từ lâu như bơm tạp chất vào tôm, heo... hay trộn đất, tạp chất vào chè, trà đã được phát hiện và xử lý khá nhiều thời gian qua.
Thế nhưng, việc trộn chất cực độc như pin Con Ó vào đồ uống trực tiếp như cà phê thì chưa từng bị phát hiện. Nhiều người cho rằng nếu không bắt quả tang thì khó ai tin có hành vi này. Bởi vì, hành vi này là quá nhẫn tâm, ác độc nên ít ai có thể hình dung và ngờ tới.
Gia đình bà Loan không phải nghèo khó như những người buôn thúng, bán mưng trên vỉa hè, lòng đường để mưu sinh mà bà ta có hẳn một cơ sở sản xuất lớn, làm ăn quy mô.
Do đó, hành vi vi phạm của bà ta chỉ là vì lòng tham, muốn kiếm thật nhiều lợi nhuận. Vì thế khó có thể chấp nhận hành vi độc ác, có thể coi là giết người hàng loạt đối với chính đồng bào mình.
Phạm Văn Chung (sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!