Một câu chuyện quá buồn cho ngành giáo dục đầu năm mới, cô N. ở Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức (Long An) phải quỳ gối xin lỗi nhóm 4 phụ huynh sau khi họ đến trường làm gay gắt chuyện cô đã phạt quỳ học sinh. Câu chuyện này phần nào cho thấy những quan hệ dân sự đã biến hình tới mức “quái thai” trong xã hội hôm nay.
Xã hội ngày xưa rất trọng 2 ông thầy, thầy giáo và thầy thuốc. Người thì mang đến cho họ tri thức, người chữa trị bệnh tật cho họ. Tục ngữ Việt Nam cũng có câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” để đề cao vai trò của người thầy. Hình ảnh người thầy trong văn học, lịch sử và đời sống luôn có một vị trí nhất định. “Tôn sư trọng đạo” là điều mà người nào cũng phải học hỏi.
Nhưng tiếc thay, những điều đẹp đẽ đó dần dần không còn nữa.
Người thầy không còn tồn tại với hình ảnh lung linh nữa. Đồng tiền đã len lỏi vào quan hệ giữa nhà trường và học sinh một cách sỗ sàng khiến cho nhiều nơi, người thầy đã trở thành người đơn thuần làm “dịch vụ giáo dục”.
Tiền trao- cháo múc, việc học hành chỉ đơn thuần là một cuộc trao đổi giữa tiền và kiến thức. Và điều đó, làm nảy sinh bao nhiêu thứ “quái thai” trong quan hệ đáng lẽ rất cao đẹp giữa thầy và trò, giữa nhà trường và phụ huynh.
Khi nhóm phụ huynh 4 người đến trường để “hỏi tội” cô giáo N, bắt cô phải quỳ xuống để tạ lỗi vì dám phạt quỳ con cái họ, thì họ thực hiện hành vi đó không phải với tư cách phụ huynh theo lẽ thông thường. Họ chỉ đơn thuần là những người bỏ tiền “mua dịch vụ giáo dục” và có quyền “xử lý” người “cung cấp dịch vụ giáo dục” vì đã không đáp ứng được yêu cầu của họ.
Thật là buồn thay.
Phụ huynh không xem cô N. là người truyền thụ kiến thức, là người thầy với đúng nghĩa phải “tôn sư trọng đạo” để có một cuộc đối thoại trên tinh thần văn hóa và đúng đạo lý. Họ chỉ xem cô là một người “làm thuê” cho họ, để dạy con em họ, vì thế, họ bắt cô giáo phải quỳ.
Trong số những phụ huynh bắt cô N. quỳ hôm ấy, có cả 1 luật sư, chứ không phải là những người thuộc diện “anh chị” trong xã hội, chuyên hành xử theo lối “xã hội đen”, lấy thịt đè người.
Một cô giáo phải quỳ trước mặt phụ huynh, trong lớp học, dưới mái trường để xin lỗi về một hành vi mà cô đã áp dụng trong quá trình giáo dục học trò.
Tất cả những khuôn phép ứng xử đúng đạo lý trong xã hội đã bị phá vỡ, những chuẩn mực đã không còn.
Người thầy mất vị trí thiêng liêng, đã trở thành một người “làm thuê” như bất cứ một nghề nào khác trong xã hội. Hỏi có đáng buồn hay không?
Chúng ta đã không còn bất cứ nghề nghiệp nào được coi là “thiêng liêng” nữa. Tất cả “cá mè một lứa” như nhau. Điều ấy tốt hay xấu? Đáng mừng hay đáng buồn tủi?
Đáng buồn quá đi chứ. Khi mà trong xã hội, không còn những người để cho chúng ta tôn trọng nữa, không còn những điều thiêng liêng không thể dễ dàng xâm phạm, tất cả đều có thể được đối xử thô tục, suồng sã như nhau, thì còn điều gì để gọi là “đạo đức”, là “khuôn vàng thước ngọc”?
Ai cũng có lỗi.
Những người thầy nào đó không còn giữ được hình ảnh đáng tôn kính của người thầy. Những phụ huynh nào đó không có được chút tri thức tối thiểu để biết “tôn sư trọng đạo”. Chính họ là những người đang góp phần tích cực để “thô bỉ hóa” mối quan hệ thầy-trò-phụ huynh trong môi trường giáo dục.
Và người phải gánh chịu thiệt thòi, duy nhất là học sinh, là thế hệ tương lai của chúng ta. Chúng sẽ lớn lên mà không biết những điều hơn lẽ thiệt, không biết có những ranh giới không thể vượt qua, không biết tôn kính những người đáng lẽ phải tôn kính.
Tất cả chỉ từ một cô giáo bị bắt phải quỳ trong lớp học.
Nguồn: Mi An
Báo Đất Việt