“Không nước nào muốn nhận rắc rối vào mình khi cho nhập quốc tịch những quan chức, chính trị gia ngoại quốc cả”, lãnh đạo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp khẳng định như vậy. Ông Phạm Phú Quốc đã chọn Síp (Cyprus), nơi mà để có quốc tịch thứ hai thì chỉ cần tiền, rất nhiều tiền.

1. Phạm Phú Quốc sinh năm 1968, quê Quảng Trị, là thạc sĩ quản trị kinh doanh, kỹ sư hàng hải, là ĐBQH khóa XIV (Đoàn TP.HCM).

Từ tháng 7/1993 đến tháng 11/1994, ông là Trưởng phòng Tiếp thị Điều hành du lịch tại một công ty trực thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia.

Giai đoạn 1994 - 2000, ông là Trưởng phòng Điều hành tour Công ty Du lịch Tân Định Fiditourist thuộc Tổng công ty Bến Thành.

42 1 Co Noi E Che Mang Ten Ho Chieu

Ông Phạm Phú Quốc (ĐBQH, Đoàn TP.HCM) phát biểu tại nghị trường. Ảnh: THQH

Giai đoạn 2000 - 2009, ông kinh qua nhiều vị trí và lên tới chức Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Bến Thành (thuộc Tổng công ty Bến Thành – đơn vị có 32 doanh nghiệp thành viên và sở hữu nhiều bất động sản tại trung tâm TP.HCM).

Tháng 2/2014, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Bến Thành, đứng tên đại diện góp vốn của Tổng Công ty tại nhiều nơi như Công ty Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội, Công ty Thương mại Hóc Môn...

Tháng 9/2015, ông trở thành Tổng Giám đốc kiêm thành viên HĐQT Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HIFC - đơn vị tài trợ tín dụng cho loạt dự án hạ tầng trọng điểm của TP.HCM).

Tháng 5/2016, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV (2016-2021) và được điều động, bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM vào tháng 1/2018. Đây cũng là thời điểm ông Quốc “được gia đình bảo lãnh” để nhập quốc tịch Síp (Cyprus).

Tháng 12/2019, ông Quốc bất ngờ được đưa về làm Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận - IPC, một doanh nghiệp Nhà nước giàu tiềm lực của TP.HCM.

Những vị trí công tác trên đã đưa cái tên Phạm Phú Quốc trở nên nổi tiếng, cho thấy ông có quá trình trưởng thành, được chính quyền và người dân tin tưởng chọn làm ĐBQH đại diện cho dân.

Thế nên việc ông Quốc nằm trong danh sách hơn 1.400 hồ sơ được Cộng hòa Síp (Cyprus) phê duyệt cấp hộ chiếu giai đoạn 2017-2019 (Hãng tin Al Jazeera nổi tiếng của Qatar đưa tin) đã găm chặt vào dư luận xã hội bao nhiều ê chề, cay đắng.

2. Cơ quan hữu trách TP.HCM vẫn chưa có phát ngôn chính thức nào về việc ông Phạm Phú Quốc (ĐBQH Đoàn TP.HCM) âm thầm có thêm quốc tịch Cộng hoà Síp (Cyprus) từ giữa năm 2018 ngoài việc “yêu cầu giải trình”.

Cụ thể, theo bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết hiện nay Đoàn ĐBQH TP.HCM đã yêu cầu ông Phạm Phú Quốc giải trình. “Sau khi có báo cáo giải trình của ông Phạm Phú Quốc, Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ trao đổi và báo cáo Thường trực Thành ủy TP.HCM, Ban Dân nguyện, Ban Công tác ĐBQH, để xem xét giải quyết sự việc", bà Châu nói.

Ông Phạm Phú Quốc đã thừa nhận có quốc tịch Cộng hòa Síp (Cyprus), nhưng còn trí trá rằng gia đình đã thực hiện các thủ tục bảo lãnh xin cấp quốc tịch thứ hai cho ông để “thuận tiện đi lại, chăm sóc”. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng nói như thế là không được, bởi quốc tịch là quyền luôn gắn với nhân thân con người. Quyền này chỉ được thực hiện khi cá nhân đó thể hiện ý chí muốn hay không muốn!

Thêm nữa, việc nhập quốc tịch sau khi đã ứng cử vào Quốc hội sao lại không kê khai, trong đó có cả việc kê khai tài sản vì số tiền để có quốc tịch Síp (Cyprus) là rất lớn?

Những lỗ hổng nghiêm trọng về tổ chức cán bộ, lựa chọn lãnh đạo và kê khai tài sản tiếp tục lộ rõ sau trường hợp ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường (bị phát hiện có quốc tịch Cộng hòa Malta) và nay là Phạm Phú Quốc.

Theo ông Nguyễn Đình Quyền, xét về mặt pháp luật, những trường hợp này cho thấy cần tiếp tục được hoàn thiện hệ thống văn bản, quy định. Như vừa rồi, sửa Luật Tổ chức Quốc hội nói rõ điều kiện của ĐBQH “có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”, có hiệu lực từ tháng 7/2021. Các luật khác có lẽ cũng nên rà soát, xử lý cho chặt.

“Nhưng ngay cả khi chưa sửa thì các quy định hiện hành vẫn được hiểu thống nhất theo nguyên tắc “một quốc tịch”. Tôi tin là không có cơ quan nhà nước nào hiểu khác cả. Chỉ có một vài cá nhân, cá biệt cố tình hiểu sai, làm sai thôi…”, ông Quyền nói.

3. Vì sao ông Phạm Phú Quốc lại chọn Cộng hòa Síp (Cyprus) là câu hỏi được nhiều người băn khoăn, tìm kiếm để rồi ngã ngửa.

Thực tế hiện nay, các nước phát triển như Mỹ, Canada, Úc… hay các nước EU có cho phép cư dân các nước đầu tư tài chính để trở thành công dân (thường trú nhân). Vấn đề là các quốc gia kể trên yêu cầu chứng minh nguồn gốc tiền rất chặt, nên “cơ hội” sẽ tới với những quốc gia bé nhỏ nhưng “thức thời” như Síp (Cyprus), Malta… Và số tiền phải bỏ ra để có quốc tịch thậm chí còn gấp nhiều lần các nước Bắc Mỹ, Tây Âu.

Phạm Phú Quốc đã chọn Síp (Cyprus). Và điều ê chề, đau xót là ông Phạm Phú Quốc lại đang là đại biểu đại diện cho tiếng nói, mong mỏi của người dân, bảo vệ quyền và lợi ích của họ, nhất là người nghèo, nhưng lại âm thầm chi hàng triệu dollars để lấy quốc tịch nước khác.

Đau xót ngàn lần hơn, Phạm Phú Quốc chỉ là quan chức cỡ vừa, nhưng đã và đang được hưởng những đãi ngộ và cơ hội rất lớn tại đầu tàu kinh tế TP.HCM, ở những doanh nghiệp Nhà nước vào loại lớn nhất, nhiều tiền của, đất đai nhất.

Việc những quan chức như Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Phạm Phú Quốc âm thầm tìm, mua một quốc tịch thứ hai cho thấy một nguy cơ lớn đối với sự hưng vong của chế độ, quốc gia, dân tộc, là quan chức thay vì “lót ổ” bằng biệt phủ chờ ngày “hạ cánh” đã thành lạc hậu, mà thời thượng là dọn sẵn đường "rút lui" bên ngoài quê hương xứ sở.

Đó có lẽ không còn là kiểu hành vi rũ bỏ lời hứa phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của kẻ làm quan, mà đã lên tới mức độ quỷ quyệt, phản bội niềm tin của người dân, của đồng đội, đồng chí, quên đi rằng tiền nhân bao đời đã đổ máu xương lớp lớp để gìn giữ, dựng xây giang sơn, Tổ quốc mình.

Kiên Giang

Báo điện tử Công Luận




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC