Những ngày vừa qua dư luận đang xôn xao câu chuyện cựu sinh viên trường ĐH Thể dục - Thể thao Bắc Ninh cắn lưỡi tự tử do tốt nghiệp bằng giỏi nhưng sau 2 năm vẫn không xin được việc.
Câu chuyện đã gây ra không ít tranh cãi: Ở độ tuổi 26 có sức khỏe, nhanh nhẹn, nhất là với một cựu sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trường thể dục thể thao mà lại nhanh chóng đầu hàng số phận, tìm tới cái chết như một sự giải thoát liệu có quá yếu đuối?
Hay chúng ta cũng nên thông cảm vì cựu sinh viên này đã phải chịu quá nhiều áp lực từ cuộc sống?
Cựu sinh viên đang được cấp cứu. Ảnh Facebook |
Liên quan tới vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Tố Quyên – Phó trưởng khoa Xã hội học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho hay:
“ Tự sát để chối bỏ sự sống của mình là một hành vi gây ra nỗi đau đớn cho bản thân và gia đình.
Trường hợp cựu sinh viên tự tử do gia đình quá nghèo, bố mẹ thất nghiệp, em trai bị trầm cảm và bản thân tốt nghiệp bằng giỏi cách đây 2 năm nhưng khi ra trường không xin được việc cũng là hành động hoàn toàn sai lầm.
Học trên giảng đường đại học dù có giỏi tới mấy cũng chưa đủ. Trong bộn bề của cuộc sống này, muốn đạt được mục tiêu chúng ta còn cần nhiều kĩ năng khác như kĩ năng tìm việc làm, kĩ năng giao tiếp...
Nếu tốt nghiệp ĐH bằng giỏi mà chưa có cơ hội để xin việc đúng ngành nghề thì có thể làm công việc khác để tồn tại.
Thực tế trong nhiều cuộc khảo sát hiện nay có 30 – 50% sinh viên tốt nghiệp ra trường và làm trái ngành, họ vẫn sống vui vẻ. Vậy tại sao mình phải tự tử?”.
TS. Nguyễn Thị Tố Quyên – Phó trưởng khoa Xã hội học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Cũng theo TS. Nguyễn Thị Tố Quyên, là một thanh niên có sức khỏe, hiện nay cơ chế xã hội cũng rất “cởi mở”, chúng ta có thể tìm nhiều công việc từ lao động trí óc đến chân tay để duy trì cuộc sống.
Mỗi năm có hàng nghìn cử nhân thất nghiệp.
Vì thế tốt nghiệp ra trường chưa xin được công việc đúng ngành là tình trạng chung, khó khăn chung.
Thế nên mỗi chúng ta cần phải năng động hơn, nhạy bén hơn, có trách nhiệm với bản thân để có hướng đi cụ thể cho tương lai chứ đừng ỷ lại tấm bằng ĐH sau đó tự tử tạo nên thiệt thòi cho bản thân và nỗi đau cho những người xung quanh.
Chúng ta cũng đừng bao giờ có suy nghĩ xã hội phải có trách nhiệm tạo việc làm cho chúng ta mà phải tự khẳng định mình để tìm kiếm cơ hội.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty tư vấn An Việt Sơn lại cho rằng cần có cái nhìn cảm thông với các trường hợp trên:
“Với sự việc tự tử do không xin được việc, do gia cảnh nghèo túng, chúng ta cũng nên có cái nhìn “cảm thông” đối với cựu sinh viên này.
Có thể cô gái này cho rằng mình đã làm được việc phi thường khi đoạt được bằng giỏi tại trường Thể dục Thể thao nổi tiếng như Bắc Ninh.
Vì thế, cựu sinh viên này hi vọng ra trường sẽ có một nơi công tác tốt xứng đáng với tấm bằng giỏi mà cô ấy dành được.
Bên cạnh đó, gia đình lại hoàn cảnh khó khăn nên cô gái này chịu áp lực là phải có thu nhập “tốt” giúp bố mẹ vượt qua gian khó như vậy. Có thể thấy, cô ấy đã phải chịu áp lực từ nhiều phía, nhất là rơi vào tình trạng thất nghiệp quá lâu, gia đình càng cùng quẫn.
Thời gian vừa qua đã có rất nhiều thanh niên tự tử với các lí do khác nhau: Thất tình, mất việc, hay người yêu bắt cá hai tay...
Tất cả, những trường hợp trên chúng ta đừng kết luận đúng hay sai mà hãy thông cảm, coi đó là sự dại dột mà họ không vượt qua được chính mình mà nhất khi họ chưa có nhiều trải nghiệm với cuộc sống".
Minh Phương Anh
Theo INFONET