Hai ngày sau vụ cháy là ngày mùng một tháng tám âm lịch, theo lệ thường tôi đi chợ mua hoa cúng thắp hương bàn thờ. Cả khu chợ cạnh nhà tôi không còn một bông hoa cúc nào. Bà bán hoa quen bảo tôi, người ta đi viếng đám tang vụ cháy chung cư mua hết hoa rồi. Ngừng một tý, bà nhìn trời lẩm bẩm: “Trời mưa suốt mấy ngày nay, trời khóc đấy”.
Vâng, Hà Nội mấy ngày nay mưa suốt. Trời buồn bã,lòng người cũng buồn bã. Trong câu chuyện mấy ngày nay trong mỗi gia đình Hà Nội ít tiếng cười, mà chủ yếu là những chia sẻ về những số phận những con người trong đám cháy.
56 con người đã ra đi. Ngày này năm sau sẽ là 56 cái giỗ đầu. Bao nhiêu là số phận, bao nhiêu là mơ ước đã bị cắt ngang phũ phàng. Hà Nội, vì đâu nên nỗi này.
Thủ phạm trực tiếp là chập điện. Người chủ chung cư đã bị bắt. Các cuộc điều tra đang tiến hành ráo riết. Rồi đây sẽ có vài người liên đới sẽ bị quy trách nhiệm. Rồi các quy định về chung cư mini sẽ bị siết chặt hơn. Nhưng không có gì đảm bảo rằng những chuyện tương tự không xảy ra nữa. Mà trong lòng công chúng vẫn cảm thấy vẫn chưa chạm tới cốt lõi của vấn đề.
Một đô thị 10 triệu dân mà bị dồn nén vào một diện tích nhỏ xíu bên sông Hồng.
Kẹt xe,ngập nước, khói bụi, nhà cửa chật chội, thiếu cây xanh, thực phẩm không an toàn, môi trường nước và không khí ô nhiễm, trẻ em thiếu lớp học, tai nạn cháy nổ… là những vấn nạn mà những người dân Hà Nội phải gánh chịu thường xuyên,mà ngày càng nặng nề. Cái danh tiếng Hà Nội thanh lịch từ ngày xưa,nay không còn thấy mấy ai nhắc đến.
Gia đình tôi có mấy đời sống ở miền đất này, nên bây giờ khi gặp những người mới đến Hà Nội lần đầu, tôi đều ngượng ngùng như là mình có lỗi, khi để cho Hà Nội sa sút đến thế này.
Các học trò của tôi từ mọi miền quê, khi mới nhập trường, đều háo hức về một cuộc sống mới đầy mầu sắc ở Thủ đô hoa lệ. Nhưng rồi các em mau chóng vỡ mộng khi ở trong những căn phòng trọ tồi tàn, đầy muỗi, ngõ hẹp, mưa xuống là ngập. Các em ăn ở những quán cơm bình dân, thực phẩm toàn những hàng dạt cuối chợ. Ngày nghỉ các em chẳng biết đi chơi đâu, chỉ quanh quẩn rủ nhau đi xem quần áo rẻ tiền ở chợ sinh viên.
Tốt nghiệp, rất nhiều em đã mau chóng về quê tìm việc làm. Ký ức về thời sinh viên tươi đẹp bị chen lẫn nhiều mảng tối của những năm trọ học ở Hà Nội. Có em thì kiên trì bám trụ ở lại, tìm việc làm. Có nhiều người đã thành công, nhưng cũng có người thất bại, chịu một cuộc sống vất vả mà chưa thấy lối ra. Hãn hữu có người cuộc sống bị dừng lại ở tuổi đôi mươi, như cô bác sĩ nội trú trẻ tuổi ở cái vụ cháy chung cư kia.
Lần lại lịch sử Hà Nội, thì năm 1831, vua Minh Mạng cho thành lập tỉnh Hà Nội, trong đó bao gồm diện tích của hầu hết các tỉnh là Hà Tây, Hà Nam và thành phố Hà Nội. Nên tỉnh Hà Tây sau này có sát nhập vào Hà Nội thì cũng là theo tầm nhìn quản lý có từ xưa. Đến Ngày 1 tháng 10 năm 1888, Triều đình Đồng Khánh ký chỉ dụ cắt Hà Nội cho Pháp làm nhượng địa. Đến ngày 3 tháng 10, Toàn quyền Richaud chính thức đưa Hà Nội trở thành một thành phố theo chế độ nhượng địa.
Người Pháp quy hoạch thành phố Hà Nội một bài bản để trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương.
Quy hoạch của người Pháp đã khéo léo xây dựng một thành phố mới nhưng vẫn giữ đợc phần lớn hồn cốt của Hà Nội xưa. Họ đã lấy lấy Hồ Gươm làm trung tâm thành phố mới, kết nối một tài tình giữa khu Hà Nội cổ 36 phố phường sầm uất ở phía bắc với khu phố tây ở phía nam hồ.
Ở khu phố cũ, vẫn giữ lại các con phố xưa nhưng chỉnh trang lát đá mặt đường, làm cống thoát nước, làm vỉa hè. Còn ở khu phố mới là những đại lộ thẳng tắp như ở châu Âu, rộng rãi, có cây xanh, nhà biệt thự. Ở Hồ Gươm các nhà quy hoạch đã mở một đại lộ chạy vòng quanh.
Tòa thị chính, bưu điện, sở điện lực, tòa báo nằm soi bóng ven hồ. Lùi xa hơn là các thiết chế cần thiết của một nhà nước là nhà băng Đông Dương, tòa án, nhà hát lớn, phủ thống sứ, trường đại học, khách sạn trung tâm… Tất cả các công trình trên được xây dựng một cách cẩn trọng, đầy tính nghệ thuật, hài hòa với cảnh quan xung quanh và tồn tại cho đến tận ngày nay.
Năm 1954, người Hà Nội vui mừng chào đón giải phóng Thủ đô. Trung đoàn Thủ đô, gồm toàn những người con của Hà Nội, được dẫn đầu đoàn quân chiến thắng trở về. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, những sai lầm về chính sách bắt đầu quét qua, tàn phá nặng nề kết cấu xã hội mà nhiều chục năm sau cũng chưa hết di hại. Ở nông thôn là cải cách ruộng đất, ở Hà Nội là cải tạo tư sản.
Sau tiếp quản Thủ đô, chính quyền tịch thu nhà của những người di cư vào Nam. Ừ thì cái này cũng tạm được, vì anh đã ra đi bỏ lại nhà cửa thì bên thắng trận có quyền tịch thu.
Nhưng tiếp đến chính sách cải tạo tư sản, tịch thu nhà của người dân. Thậm chí là chẳng cần phải là tư sản, cứ ai có nhà rộng trên 100 m2 là bị tịch thu. Chủ nhà bị dồn lại cho ở một buồng, còn lại là phân cho đoàn quân thắng trận đông đảo đang không có nhà ở. Mỗi anh cán bộ ở một buồng. Mấy năm sau anh ấy kéo vợ con ở quê lên thành một gia đình. Một căn nhà ngày xưa chỉ là của một gia đình nay biến thành một cái hang cho mấy chục gia đình chui ra chui vào.
Đấy, các bạn không hiểu lịch sử, cứ chê bai người phố cổ ăn ở chật chội bẩn thỉu, có gì đâu mà cứ khen ngợi nào là người HN Thanh Lịch. Cái gì cũng có lịch sử của nó cả. Bây giờ nếu ai thấy những ngôi nhà phố cổ mà mấy chục hộ gia đình chung đụng chật chội tối tăm, thì phải hiểu rằng đấy là những ngôi nhà của người Hà Nội gốc bị tước đoạt. Những ngôi nhà như vậy có nhiều ở các con phố ngày xưa là nơi buôn bán sầm uất như Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Bồ, Hàng Bạc… Cái thanh lịch của HN cũng từ đấy mà phôi pha đi.
Nhà bà Ngoại tôi ở phố Hàng Phèn may mắn thoát nạn vì diện tích dưới 100 m2, nên tôi mới có một tuổi thơ lớn lên êm đềm trong phố cổ. Nhiều người bạn tôi không được như vậy.
Chúng nó nhiều đứa sống trong những cái hang chuột mấy chục hộ gia đình suốt ngày tiếng cãi cọ chửi bới nhau vì ăn uống ỉa đái chung chạ. Sáng ra toilet người thì ngồi đánh răng, thằng thì đứng đái, thế là đánh nhau…
Chỉ có một trường hợp hy hữu thoát nạn.
Đấy là ngôi nhà của cụ lương y Nguyễn Như Lệ, người làng Hành Thiện, Nam Định. Cụ mua ngôi nhà ở phố Lãn Ông đã lâu, mở hiệu thuốc Bắc. Nhà rộng rãi, dài sâu hun hút, có cả sân trong nhà trồng cây. Sau năm 1954, cán bộ đến yêu cầu cụ dọn ở gọn vào để nhà nước trưng dụng nhà. Cụ hoảng quá bèn vời đến ông cháu cũng theo cách mạng. Người cháu này gọi cụ Lệ bằng cậu, cậu ruột. Ông cháu này rất quý cậu, bèn tống cái thằng cha láo toét vuốt mặt không nể mũi kia đi tỉnh xa. Và thế là cụ Lệ mới giữ được ngôi nhà của mình. Chắc có bạn tò mò hỏi cháu cụ Lệ là ai mà quyền lực thế? Xin thưa, đấy chính là Tổng bí thư Đảng Lao động VN (sau đổi tên thành đảng CSVN), ông Trường Chinh. Đây có thể trường hợp duy nhất mà Tổng bí thư Trường Chinh phá nguyên tắc của chính mình.
Trải qua bao năm chiến tranh, nhiều bản quy hoạch tiếp theo về Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển hoặc chỉ là nằm giấy.
Những thành tích về phát triển của Hà Nội thời kỳ sau này là xây mới một số công trình ở ngoại ô như: khu công nghiệp tập trung Cao Xà Lá , gồm các nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá, và một số nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng khác, nằm ở cánh đồng ngoại ô phía ngoài Ngã Tư Sở; khu tập thể cho cán bộ ở cánh đồng làng Kim Liên, Trung Tự; khu đại học Bách Khoa nằm ở vùng đất trũng phía nam hồ Bảy Mẫu. Không có gì nhiều. Về cơ bản Hà Nội vẫn giữ nguyên hình hài như thời Pháp thuộc. Nhiều người xa Hà Nội những năm 1940, khi trở về Hà Nội những năm 1990 bảo, Hà Nội vẫn như thế, đi không bị lạc, chỉ có phố xá cũ nát đi nhiều.
Hà Nội bước vào thời kỳ bùng nổ về dân số từ những năm 1990.
Hàng triệu hàng triệu người từ nhiều nơi chọn Hà Nội làm nơi định cư mới. Thiếu bàn tay dẫn dắt của quy hoạch, Hà Nội phát triển một cách tự phát, nhanh chóng thành một khu đô thị xô bồ hỗn loạn như ta thấy hiện nay. Tất cả cánh đồng ngoại ô xưa kia nay đã trở thành ma trận của các ngôi nhà hình ống. Những khu công nghiệp khi xưa đã bị những khu dân cư tự phát nuốt chửng. Ao hồ bị lấp, vườn tược cắt ra xây nhà, đường làng thành đường phố, nhỏ xíu, ngoằn nghèo. Từ trên cao nhìn xuống là mênh mông trùng điệp những mái nhà tôn đỏ xanh chi chít, những con đường quanh co như những sợi chỉ chạy len lỏi giữa những vô vàn nhà. Không hề thấy bóng cây xanh, không hề thấy hồ nước, không hề thấy sân chơi.
Thời Pháp quy hoạch, phố là ở nội đô, có quy định chặt chẽ về xây dựng. Còn làng thì ở ngoại ô.
Cả Hà Nội khi xưa chỉ có duy nhất một ngoại lệ thi vị là Xóm Hạ Hồi,nằm lọt trong thành phố. Còn Hà Nội ngày nay có thể kể ra rất nhiều làng trong phố, làng đã thành phố hay phố đã hóa thành làng. Năm 1983, đạo diễn Trần Văn Thủy đã cảnh báo về Hà Nội trong bộ phim “Hà Nội trong mắt ai”. Trong phim có cảnh một anh chàng đi Tây về phán: “Hà Nội như một cái làng lớn”. Xem đến cảnh đấy, tôi và nhiều người Hà Nội tự ái ghê gớm. Nay ngẫm lại, thấy lời tiên tri từ 40 năm trước sao mà quá chua xót, vì bây giờ thấy quá đúng.
Tôi không phủ nhận nhiều nỗ lực của chính quyền trong việc phát triển Hà Nội, nhưng những bất cập hay thậm chí sai lầm của quá khứ không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Những con đường mới mở ra đã nhanh chóng bị người xe lấp đầy, nhưng ngã tư ùn tắc này vừa xây cầu vượt thì ngã tư sau lại tắc tiếp. Giá nhà đất thì trên trời, công việc giải tỏa chỉnh trang đô thị vô cùng khó khăn. Người thì tiếp tục từ các nơi ùn ùn đổ về Hà Nội sinh sống, làm mọi nỗ lực của chính quyền trở nên muối bỏ bể.
Tôi không phải là nhà quy hoạch, tôi chỉ là người dân, nói bằng tấm lòng của người dân. Muốn cho cuộc sống của Hà Nội tốt đẹp lên thì quy hoạch phải đi trước, phải có tầm nhìn xa. Muốn quy hoạch đúng và trúng phải thật lòng với dân, đừng thủ đoạn với dân. Với nhiều dẫn chứng cụ thể, tôi thấy chính quyền chưa thật lòng với dân.
Bảo muốn giảm mật độ dân cư trong đô thị, phải đưa các trường đại học và bệnh viện lớn ra ngoại vi, không xây nhà cao tầng trong nội đô. Nhưng bao nhiêu năm nói rồi mà có bệnh viện hoặc trường học nào di dời đâu. Khu đất Hòa Lạc và nhiều khu đất dành cho các trường đại học lớn vẫn chưa có trường nào ra, hai bệnh viện lớn xây ở Hà Nam để đón hai bệnh viện lớn của trung ương vẫn bỏ hoang. Nhà cao tầng mọc lên chen chúc trong nội đô, tăng thêm mật độ dân số
Hàng ngày tôi đi về qua ngã tư Chùa Bộc, thấy mấy dãy nhà cũ kỹ mà hơn 30 năm qua chưa giải tỏa xong. Những người sống trong mấy căn nhà xập xệ chờ giải tỏa đó cũng không sung sướng gì.
Sao chính quyền không rộng lượng một chút để người dân dễ dàng ra đi tạo dựng cuộc sống mới. Một chút rộng rãi của chính quyền có là gì đâu so với thiệt hại mà cả xã hội gánh chịu suốt những năm qua. Quy hoạch Hà Nội sẽ chỉ thực hiện được nếu chính quyền thực lòng với người dân.
Vì sao những quy hoạch hợp lý và tốt đẹp như vậy không thuyết phục được người dân. V
ì người dân không tin chính quyền. Chính quyền nói muốn giãn dân phố cổ nhưng lại cấp phép cho xây dựng khách sạn lớn ngay sát mép Hồ Gươm, băm nát cảnh quan trái tim của Hà Nội. Các cơ quan quyền lực của thành phố vẫn lấy Hồ Gươm là trung tâm.
Giá nhà đất khu phố cũ vẫn cao nhất cả nước. Vậy thì những lời nói hay ho về quy hoạch chỉ dành cho những người nhẹ dạ. Cái tầm nhìn tủn mụn ngắn hạn, đầy chất hằn học của người nông dân khi nắm chính quyền đã giết chết Hà Nội.
Bao giờ những người cầm quyền thật lòng yêu mến và quý trọng những di sản của Hà Nội, thì khi đó những quy hoạch Hà Nội mới đến được với người dân, thì các vấn nạn của đô thị mới được giải quyết và những mạng sống của nhiều người mới không bị mất đi một cách oan uổng.
17/9/2023.
bác sỹ Quan Thế Dân
Những ngày Hà Nội để tang 56 người đã mất trong vụ cháy ngày 13/9/2023.