Lời nói sẽ giúp trẻ nhớ lâu hơn và điều chỉnh hành vi tích cực hơn là đánh - Ảnh minh họa: Quang Định
Thạc sĩ tâm lý giáo dục Hoàng Duẩn: Con cái là bản sao của bố mẹ
Khi tôi thực hiện chuỗi các chương trình sân khấu tại các trường học về nạn bạo hành học đường, chúng tôi nhận thấy những đứa trẻ hay đánh bạn là những đứa trẻ thường xuyên bị bố mẹ đánh ở nhà.
Theo quan điểm của tôi, truyền thống dạy dỗ phải đòn roi không còn phù hợp với bây giờ. Thực tế đã trả lời tại sao. Rất nhiều trường hợp chấn thương tâm lý và cả thân thể, để lại những hậu quả đáng tiếc cho đứa trẻ bị đánh, như mù mắt, chấn thương vùng đầu hoặc có trẻ đã chết do mẹ dùng đũa đánh con…
Khi đánh một lần, chúng ta dễ dàng lặp lại hành động đó nhiều lần. Con trẻ cũng sẽ dùng phương pháp này cho thế hệ sau. Tính "di truyền" như vậy không tốt.
Hơn nữa, nói là phương pháp giáo dục cho trẻ nhớ lâu hơn, khó tái phạm hơn và mang tính giáo dục, nhân văn cao hơn. Để kiềm chế được tính nóng nảy, đầu tiên người lờn cần bỏ các thứ có thể là "hung khí" như roi, cây… khỏi tầm tay.
Khoảng thời gian tìm kiếm hoặc bỏ đi đâu đó lúc nóng giận sẽ "hạ nhiệt" nhanh chóng trong vài giây. Khi bình tĩnh, chúng ta nói chuyện hiệu quả hơn, nguôi giận nhanh hơn, sự thân thiết và tình cảm gia đình cũng dễ hàn gắn hơn. Lâu dần, trẻ cũng sẽ nhận ra cái sai của mình, tự nhận lỗi, không còn cãi chày cãi cối, đổ lỗi cho người khác.
Phương pháp này cũng sẽ phù hợp cho những trẻ từ lớp 2 - 3 trở lên. Với trẻ nhỏ hơn, cần có phương pháp cần cụ thể hơn. Dù trẻ chủ yếu không ăn, không ngủ, gây ra quấy khóc cũng cần có phương pháp kỷ luật sớm để có nền tảng dạy về sau.
Nếu gia đình có nhiều con, đầu tư giáo dục cho đứa lớn sẽ là tấm gương cho đứa nhỏ noi theo. Lúc này, bố mẹ sẽ dễ dàng theo dõi các con hơn.
Tôi vẫn thường đưa các bài báo nhân văn của báo Tuổi Trẻ cho con gái đọc. Chúng ta không cần kể, con tự đọc sẽ cảm nhận được sâu sắc hơn và chỉ bảo các em theo cách gần gũi nhất của chúng.
Nếu vẫn chưa có nền tảng, trong gia đình ít nhất vợ hoặc chồng phải có một người tiến bộ, giúp cho những thành viên khác thay đổi tư duy dạy dỗ.
Chuyên gia tâm lý Trương Thị Bích Phượng: Bạo lực sẽ trả lại bằng bạo lực
Chúng ta được dạy từ xưa: "Thương cho roi cho vọt". Hiện nay nhiều người lớn cũng nghĩ dạy bằng cách cho roi, nhưng không phải uốn nắn, mà là cho vọt theo kiểu đe dọa, trút giận. Người lớn nghĩ đó là dạy, vô tình hành hạ thể xác và dày vò tinh thần của đứa trẻ.
Những cái tát, đòn roi đau về thịt da tức thời, nhưng tổn thương tinh thần ghê gớm. Đây được coi là bạo hành về thể xác và tinh thần.
Bản thân tôi từng chứng kiến và lên tiếng về những cái tát. Gần đây nhất tại bệnh viện, khi đưa em nhỏ khoảng 3 tuổi đi khám bệnh, mẹ đã tát liên tục vào cô chị khoảng 10 tuổi. Cô bé chỉ biết khóc và ôm má. Tôi nghĩ khóc không hẳn vì đau, mà vì uất ức trong đôi mắt ấy.
Sau đó cô em nhảy vào đá đấm chị liên tục. Người mẹ không nói gì. Hành động vỏn vẹn trong vài phút thôi, hậu quả xa xôi sau ánh nhìn uất hận ấy là gì khoan bàn tới, nhưng "nhãn tiền" là sinh ra một bạo lực mới từ người em, và người chị cam chịu, không dám phản kháng.
Sự giáo dục bằng bạo lực sẽ trả lại bằng bạo lực theo một cách nghiệt ngã nào đó.
Vẫn có nhiều quan điểm, giáo dục bằng đòn roi. Nhưng quan điểm riêng của tôi, đánh để răn đe dạy dỗ không còn hiệu quả nhiều, thậm chí khiến đứa trẻ nhút nhát hoặc bạo lực theo một cách nào đó.
Khi trẻ sai, hãy nói rõ lí do con sai. Giọng nói rõ ràng dứt khoát, nhưng không la hét hoặc cợt nhả. Sau đó hãy phạt trẻ theo nhiều cách tùy vào lỗi, vừa giúp trẻ sửa lỗi vừa mang tính xây dựng, kỷ luật.
Chẳng hạn, trẻ gây ồn ào, hãy phạt ngồi im một góc hoạc trong phòng. Trẻ đánh bạn vì lí do không tốt, hãy cho quét dọn phòng, lau nhà. Nếu trẻ vẫn không chịu làm, người lớn lấy đi những thứ trẻ thích, như không cho xem tivi, không cho ra công viên...
Hơn hết, sự kỷ luật phải được xây dựng từ chính tấm gương bố mẹ, muốn con kỷ luật nhưng bố mẹ lại bừa mứa thì không thể dạy con tử tế được.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online